VnReview
Hà Nội

Lý do nào khiến Đại học Harvard danh tiếng bị coi là nỗi xấu hổ của giáo dục đại học Mỹ

Là trường đại học lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ, Viện Đại học Harvard là niềm tự hào dân tộc, là báu vật quốc gia của nước; Mỹ, luôn xếp hạng rất cao trong danh sách các trường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, gần đây Đại học Harvard đã phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn, nghiêm trọng đến mức cộng đồng kêu gọi phải có hành động thích hợp.

Hiệu trưởng trường Đại học Harvard, Rakesh Khurana, đã sa thải giáo sư luật người Mỹ gốc Phi Ronald Sullivan, người đứng đầu lâu năm của ký túc xá Winthrop House. Sullivan được tuyển vào Trường Luật Harvard bởi Thẩm phán Tòa án Tối cao hiện tại Elena Kagan, và là Giám đốc Viện Tư pháp Hình sự. Sullivan nổi tiếng vì đã bảo vệ hàng ngàn cá nhân bị cáo buộc những tội ác nghiêm trọng, ví dụ như ngôi sao bóng đá NFL Aaron Hernandez.

Vậy vì sao Sullivan (và vợ ông, Stephanie Robinson, giảng viên Luật của Harvard) bị sa thải khỏi Winthrop House? Đó là do ông đã đồng ý (dù sau đó đã thay đổi ý định) đại diện cho kẻ bị cáo buộc hiếp dâm và quấy rối tình dục Harvey Weinstein trong các thủ tục tố tụng hình sự sắp tới.

Harvey Weinstein (sinh năm 1952) là cựu nhà sản xuất phim người Mỹ. Ông và anh trai Bob Weinstein đồng sáng lập công ty giải trí Miramax, hãng sản xuất nhiều phim độc lập thành công, gồm có Sex, Lies, and Videotape, The Crying Game, Pulp Fiction, Heavenly Creatures, Flirting with Disaster, và Shakespeare in Love. Tháng 10/2017, sau những cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại Weinstein, ông bị sa thải khỏi công ty của mình và bị trục xuất khỏi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ.  Đến ngày 31/10/2017, hơn 80 phụ nữ đã đưa ra cáo buộc chống lại Weinstein. Các cáo buộc đã kích hoạt phong trào xã hội "#MeToo" và nhiều cáo buộc lạm dụng tình dục tương tự chống lại và sa thải những người đàn ông quyền lực trên khắp thế giới, được gọi là "hiệu ứng Weinstein".

Các sinh viên bắt đầu phản đối, thậm chí tuyên bố rằng hành động này của Sullivan "gây tổn thương sâu sắc" và mang tính đe dọa. Theo thông tin mô tả trong rất nhiều bài báo, Weinstein dường như là một trong những cá nhân thiếu sót về mặt đạo đức nhất thế giới. Không chỉ có vậy, nơi ông và sinh sống cũng bị phá hoại bằng những hình vẽ graffiti.

Nhưng giá trị cốt lõi cơ bản của nền dân chủ tự do Mỹ là nhà nước pháp quyền, tất cả bị cáo, thậm chí là kẻ hung ác nhất, có quyền được đại diện bởi luật sư có thẩm quyền. Và như thể việc sa thải giáo sư Sullivan cho thấy việc ý kiến bức xúc của các sinh viên Harvard được coi trọng hơn hàng trăm năm tiền lệ pháp lý.

Nhiều biểu tượng tự do nổi tiếng trong khoa Luật Harvard đã bày tỏ sự phẫn nộ. Viết trên tờ Thời báo New York, Randall Kennedy cho biết Harvard "chưa bao giờ tự bêu xấu mình như vậy". Laurence Tribe cho biết, "Trong số rất nhiều sai lầm của Harvard trong 50 năm của tôi... ở đây, tôi chưa thấy sai lầm nào tệ hơn thế". Theo Alan Dershowitz, "cảm giác ‘không an toàn' là câu thần chú mới cho chủ nghĩa McCarthy mới (chủ nghĩa bêu xấu người khác)..." Trong một lá thư gửi tới báo Boston Globe, khoảng 52 thành viên của khoa Luật Harvard cũng lên án mạnh mẽ hành động này.

Gây phẫn nộ không kém là sự yên lặng của tầng lớp lãnh đạo đứng đầu Harvard. Chuyện gì nên xảy ra?

1. Sullivan và Robinson nên được khôi phục vị trí kèm với lời xin lỗi vì sự sỉ nhục mà Harvard đã gây ra cho họ.

2. Hiệu trưởng Khurana nên bị sa thải khỏi vị trí Hiệu trưởng của Đại học Harvard vì đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Ông ta nên quay trở lại giảng dạy xã hội học.

3. Nếu việc sa thải Sullivan có sự đồng tình của Chủ tịch Harvard là Lawrence Bacow, ông ta cũng nên bị sa thải.

4. Harvard nên áp dụng bộ Nguyên tắc Chicago khẳng định quyền tự do ngôn luận, tranh luận mạnh mẽ và ủng hộ ý kiến ​​cho rằng những suy nghĩ không thoải mái và các phân tích là không thể thiếu trong quá trình học tập.

5. Những sinh viên thấy bị tổn thương bởi những suy nghĩ khác biệt với mình rõ ràng không thuộc về một trường đại học nghiêm túc và nên được khuyến khích chuyển đi nơi khác.

6. Nếu vấn đề này không được khắc phục, liên bang có thể can thiệp vào các vấn đề nội bộ của trường đại học như đóng băng tạm thời nguồn tài chính cho các đề xuất nghiên cứu từ Harvard…

7. Ai đó nên đưa ra luật cấm khấu trừ thuế từ thiện đối với các khoản tài trợ trên 1 triệu đô la cho mỗi sinh viên của các trường đại học. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến các trường khác, nhưng một số trong đó, đáng chú ý là Yale dưới thời chủ tịch Peter Salovey, đã cư xử tồi tệ gần như Harvard khi thể hiện sự khinh miệt đối với tư tưởng tự do.

Harvard đang đóng thêm một chiếc đinh nữa vào quan tài của giáo dục đại học Mỹ. Các trường đại học của Mỹ đang gặp rắc rối, và sự hỗ trợ giảm sút của công chúng sẽ làm tổn thương đến họ vì chi phí cao, kết quả nghề nghiệp giảm sút và sự khinh miệt ngày càng tăng đối với các tổ chức đã biến nước Mỹ thành quốc gia vĩ đại nhất kể từ khi nhà nước quốc gia này phát triển.

Khi tờ Harvard Crimson tìm kiếm phản hồi từ trường Harvard, phát ngôn viên của Harvard, ông Rachelael Dane không có bất kỳ bình luận nào.

L.H.X theo Forbes

Chủ đề khác