VnReview
Hà Nội

Cách hiệu quả để đối mặt với những người tiêu cực

Người tiêu cực bất chấp logic. Một số người không nhận thức được những tác động tiêu cực mà mình gây ra cho người xung quanh. Một số khác thì lại thích mang "mớ lộn xộn" của mình và trút lên người khác. Dù thế nào thì những người tiêu cực cũng gây ra sự phức tạp, rắc rối và căng thẳng không đáng có.

Các nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra rằng căng thẳng có thể gây ra tác động xấu, lâu dài đến não. Chỉ cần trải qua tình trạng căng thẳng trong vài ngày có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào thần kinh vùng hippocampus - khu vực quan trọng của não bộ chịu trách nhiệm về lập luận và trí nhớ. Căng thẳng trong nhiều tuần gây ra tổn thương các sợi nhánh thần kinh (các "cánh tay" nhỏ mà các tế bào não sử dụng để giao tiếp với nhau). Và căng thẳng trong nhiều tháng có thể phá hủy vĩnh viễn các tế bào thần kinh. Tình trạng căng thẳng là mối đe dọa ghê gớm đối với thành công của bạn. Khi căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát, não bộ và hiệu suất làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Hầu hết những căng thẳng trong công việc khá dễ xác định. Ví dụ như, tổ chức phi lợi nhuận mà bạn đang làm việc cần vận động một khoản trợ cấp lớn để hoạt động, bạn có thể sẽ cảm thấy căng thẳng. Đó là nguồn căng thẳng ngoài mong đợi có thể bất chợt xảy đến và ảnh hưởng tới bạn nhiều nhất.

Nghiên cứu gần đây của Khoa Tâm lý học và Sinh học tại Đại học Friedrich Schiller (Đức) cho thấy, việc tiếp xúc với các tác nhân gây ra cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ, hay tiếp xúc với những người tiêu cực, đều khiến não bộ của bạn phải trải qua căng thẳng nghiêm trọng. Cho dù đó là sự tiêu cực, ác ý, hội chứng nạn nhân hay đơn giản chỉ là sự ngớ ngẩn thì những người tiêu cực cũng khiến não bạn rơi vào trạng thái căng thẳng không đáng có.

Khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực liên quan trực tiếp đến hiệu suất của bạn. Công ty TalentSmart đã tiến hành nghiên cứu với hơn một triệu người và phát hiện ra rằng 90% những người thành công hàng đầu có kỹ năng tốt về quản lý cảm xúc khi gặp căng thẳng. Một trong những năng lực tuyệt vời của họ là khả năng "vô hiệu hóa" những người tiêu cực.

Dưới đây là 12 chiến lược tốt nhất để đối phó với những người tiêu cực.

1. Đặt ra các giới hạn (đặc biệt là với những người thường xuyên phàn nàn)

Người hay phàn nàn thường chìm đắm trong các vấn đề của mình mà không hướng tới giải pháp. Họ muốn người xung quanh thương cảm cho mình để cảm thấy tốt hơn về bản thân. Mọi người lắng nghe những người này vì không muốn là người vô tâm hay thô lỗ, tuy nhiên sẽ cảm thấy rất áp lực. Có một ranh giới giữa việc lắng nghe thấu cảm và việc bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực của những người hay phàn nàn.

Bạn có thể tránh điều này bằng cách đặt ra giới hạn và tách bản thân khỏi các rắc rối của người hay phàn nàn khi cần thiết. Hãy nghĩ thế này: nếu một người hút thuốc, bạn có ngồi đó suốt buổi chiều để hít khói thuốc không? Với những người hay phàn nàn, tốt nhất bạn hãy giữ khoảng cách với họ tương tự như vậy. Một cách tuyệt vời để đặt ra giới hạn là hỏi người hay phàn nàn về cách họ định khắc phục vấn đề đó như thế nào. Họ sẽ im lặng hoặc chuyển cuộc trò chuyện theo hướng tích cực hơn.

2. Không sa đà vào trận chiến với người tiêu cực

Những người thành công xác định được thời điểm thích hợp để tranh luận, đặc biệt khi đối tượng tranh luận là một người tiêu cực. Khi có xung đột, cảm xúc không được kiểm soát có thể khiến bạn sa đà và từ đó bị tổn thương nghiêm trọng.

3. Vượt ra khỏi ảnh hưởng của người tiêu cực

Những người tiêu cực khiến bạn phát điên vì hành vi của họ quá phi lý. Đừng cố lý giải hành vi của họ, bởi như vậy là bạn tự bước vào mớ lộn xộn mà thôi.

Tách bản thân ra khỏi những cảm xúc của người tiêu cực, thay vào đó, chỉ nhìn nhận vào sự thật mà thôi.

4. Cẩn trọng với cảm xúc của mình

Việc kiểm soát cảm xúc đòi hỏi về mặt nhận thức. Bạn không thể ngăn ai đó tác động cảm xúc lên mình nếu không nhận thức được khi bản thân bị tác động. Đôi khi, bạn sẽ thấy bản thân rơi vào những tình huống khó khăn và phải tìm cách để tiến lên phía trước. Điều này là tốt và bạn đừng ngại dành cho mình chút thời gian để làm điều đó.

Ví dụ như khi nhận thấy mình đang bị kéo vào những suy nghĩ tiêu cực của một đồng nghiệp, cách tốt nhất đôi khi chỉ là cười và gật đầu. Bạn không nhất thiết phải tham gia vào xử lý vấn đề đó, mà hãy dành một chút thời gian thoát khỏi nó.

5. Thiết lập ranh giới

Đây là vùng "dễ mất kiểm soát" của hầu hết mọi người. Họ sẽ cảm thấy không thể chịu nổi việc phải sống hoặc làm việc cùng với ai đó. Điều này có thể hơi quá lên so với thật tế. Khi bạn đã tìm được cách để vượt ra khỏi ảnh hưởng của người tiêu cực, bạn sẽ nhận thấy hành vi của họ dễ đoán và dễ hiểu hơn. Điều này sẽ giúp bạn xác định được khi nào và ở đâu bạn cần phải đối mặt với người tiêu cực. Ví dụ, ngay cả khi bạn chung nhóm dự án với người tiêu cực cũng không nhất thiết phải tương tác quá nhiều với họ như với các thành viên khác trong nhóm.

Bạn có thể thiết lập ranh giới một cách có ý thức và chủ động. Nếu cứ để kệ mọi thứ, bạn nhất định sẽ thấy mình liên tục bị lôi kéo vào những cuộc trò chuyện tiêu cực.

6. Không để người khác làm ảnh hưởng tới niềm vui của mình

Nếu như cảm giác dễ chịu và thỏa mãn của bản thân lại bắt nguồn từ ý kiến của người khác thì bạn đã không còn là chủ nhân cảm xúc của chính mình nữa rồi. Những người thông minh cảm xúc thường tự cảm thấy vui về điều gì tốt mình đã làm và không để cho bất kỳ ai ảnh hưởng tới điều đó.

Mặc dù không thể xóa bỏ hoàn toàn những phản ứng của bản thân trước những gì người khác nghĩ về mình, bạn cũng không cần phải so sánh bản thân với người khác và chỉ nên nghe ý kiến từ người khác một phần mà thôi. Dù người xung quanh nghĩ gì về bạn thì chắc chắn là bạn không tốt hay xấu hoàn toàn như họ nói.

7. Không tập trung vào vấn đề mà quan tâm đến giải pháp

Việc bạn tập trung vào cái gì sẽ quyết định trạng thái cảm xúc của bạn. Khi bạn xoáy vào những vấn đề gặp phải, bạn sẽ tạo ra và kéo dài cảm xúc tiêu cực và căng thẳng. Còn khi tập trung vào các hành động để cải thiện bản thân và hoàn cảnh, bạn sẽ cảm nhận được bản thân hữu ích, tạo cảm xúc tích cực, giảm căng thẳng.

Đối với những người tiêu cực, việc bạn cứ nhắm vào những khó khăn của họ làm tiêu hao năng lượng của bạn. Ngừng suy nghĩ về những rắc rối, thay vào đó hãy tập trung vào cách xử lý. Điều này sẽ giúp bạn giảm căng thẳng khi phải tương tác với người tiêu cực.

8. Tha thứ không có nghĩa là quên

Những người thông minh cảm xúc dễ dàng tha thứ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ quên. Tha thứ đòi hỏi phải buông bỏ những gì đã xảy ra để có thể bước tiếp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ cho người sai lầm một cơ hội khác. Những người thành công không dễ xoáy sâu một cách không cần thiết vào những sai lầm của người khác, mà họ để nó qua đi nhanh chóng. Tuy nhiên họ cũng rất quyết đoán trong việc bảo vệ bản thân khỏi thiệt hại tương tự trong tương lai.

9. Dẹp bỏ những lời tự nhủ tiêu cực

Đôi khi bạn tiếp nhận sự tiêu cực từ người khác. Sẽ là hoàn toàn bình thường khi bạn cảm thấy tồi tệ về cách ai đó đối xử với mình. Tuy nhiên, điều mà bạn tự nhủ với bản thân hoặc có thể sẽ khiến gia tăng sự tiêu cực hoặc có thể giúp bạn vượt qua điều đó. Tự nhủ tiêu cực là không thực tế, không cần thiết và tự đánh bại bản thân. Nó đưa bạn vào một vòng xoáy cảm xúc tồi tệ rất khó để thoát ra. Vì thế, hãy cố gắng bằng mọi cách tránh việc tự nhủ tiêu cực.

10. Không nạp nhiều cafein

Uống cafe kích hoạt giải phóng adrenaline - nguồn gốc của phản ứng "chiến hay chạy". Đây là cơ chế sinh tồn buộc bạn phải đứng lên và chiến đấu hay trốn chạy khi gặp phải mối đe dọa. Cơ chế "chiến hay chạy" có thể giúp bạn phản ứng nhanh hơn. Điều này thật hữu ích trong những trường hợp như bạn bị một con gấu rượt đuổi, nhưng không lý tưởng lắm khi bạn bất ngờ gặp một đồng nghiệp đang giận dữ tại hành lang.

11. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng để tăng thông minh cảm xúc và khả năng kiểm soát căng thẳng. Khi bạn ngủ, não bộ sẽ được nạp lại năng lượng, lưu trữ hoặc loại bỏ bớt những ký ức ban ngày, nhờ đó bạn trở nên tỉnh táo hơn. Khả năng tự kiểm soát, khả năng tập trung và trí nhớ của bạn đều sẽ giảm đi nếu không được ngủ đủ giấc.

Một giấc ngủ đêm chất lượng giúp bạn tích cực, sáng tạo và chủ động hơn khi phải tiếp xúc với những người tiêu cực.

12. Sử dụng "quyền trợ giúp"

Cố tự mình giải quyết mọi vấn đề không phải lúc nào cũng hiệu quả. Mỗi người đều có một ai đó tin cậy ở nơi làm việc hoặc ngoài công việc có thể giúp đỡ mình trong tình huống khó khăn. Hãy tìm đến những người này và yêu cầu trợ giúp khi cần. Thường thì những người ngoài cuộc có thể nhìn ra những giải pháp mà bạn không thể, bởi họ không bị chi phối cảm xúc trong tình huống ấy.

Tổng kết lại

Trước khi có thể vận dụng trôi chảy các chiến lược này, bạn sẽ phải vượt qua một số lần thử nghiệm. May là, não bộ của chúng ta cũng khá dẻo dai, có thể điều chỉnh dần dần. Vận dụng các kỹ thuật này khi đối phó với những người tiêu cực sẽ giúp bạn xử lý tốt căng thẳng, giảm thiểu các tác động xấu.

Hà Loan -Theo Forbes

Chủ đề khác