VnReview
Hà Nội

Tòa Úc phán quyết người hiến tinh trùng là cha hợp pháp của đứa trẻ được sinh ra

Tòa án tối cao của Úc vừa phán quyết một công dân của nước này là cha hợp pháp của một bé gái 11 tuổi vì ông có tham gia vào cuộc sống của cô bé, không chỉ dừng ở vai trò người hiến tinh trùng cho người mẹ.

Người đàn ông đã cố gắng ngăn chặn mẹ ruột của cô bé và "vợ" của bà mang cô bé đến sống ở New Zealand. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm.

Kết quả này lật ngược phán quyết của tòa án cấp dưới rằng người đàn ông không có những quyền như vậy.

Các chuyên gia thì cho rằng vụ việc có ý nghĩa quan trọng vì mở rộng phạm vi pháp lý cho những người có thể được coi là cha ở Úc.

Phán quyết này cũng có ý nghĩa đối với "mọi người cha quyết định nuôi dạy con cái với một người bạn đơn thuần thay vì một người bạn đời", luật sư của người đàn ông, Tahlia Bleier, chia sẻ với BBC.

Nguồn cơn tranh chấp là gì?

Người đàn ông 49 tuổi này và mẹ của đứa trẻ, lúc đó còn độc thân, là bạn khi ông đồng ý hiến tinh trùng vào năm 2006.

Họ lên kế hoạch cùng nhau nuôi dạy đứa trẻ nhưng sau đó cặp đôi phát sinh tranh chấp. Khi đó, luật sư của người phụ nữ lập luận ông không phải là cha của đứa trẻ.

Tuy nhiên, người đàn ông được xác định là cha trong giấy khai sinh của cô bé và cô bé gọi ông là "bố".

Ngày 19/6, Tòa án Tối cao của Úc đã phán quyết rằng ông có tư cách pháp nhân của người cha, ngăn chặn hiệu quả việc gia đình của người phụ nữ chuyển đến New Zealand.

Phán quyết nói: "Mô tả cha đẻ của một đứa trẻ là "người hiến tinh trùng" cho thấy người đàn ông không làm gì khác ngoài việc cung cấp tinh trùng của mình để tạo điều kiện cho quá trình thụ thai nhân tạo trên cơ sở hiểu biết rõ ràng hoặc hàm ý rằng sau đó anh ta không liên quan gì đến bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra".

"Tuy nhiên, đó không phải là những gì thực sự diễn ra trong trường hợp này".

Tại sao phán quyết lại có ý nghĩa?

Giáo sư luật gia đình Fiona Kelly của Đại học La Trobe cho biết, rõ ràng về mặt pháp lý một người đàn ông đã hiến tinh trùng cho một người phụ nữ độc thân và có tham gia vào cuộc sống của đứa trẻ có thể là cha của đứa trẻ.

Nhưng Giáo sư Kelly cho biết quyết định này không đề cập đến mức độ tham gia cần thiết và vì thế "mở ra cơ hội cho những kịch bản khác".

"Rất nhiều người hiến tinh trùng có liên quan đến cuộc sống của đứa trẻ được sinh ra ở các mức độ khác nhau, nhưng họ không nói rằng họ là cha hợp pháp của đứa trẻ - vì vậy điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người hiến tinh trùng", Giáo sư Kelly chia sẻ với BBC.

"Phán quyết đó giải quyết vấn đề cho gia đình này - nhưng họ là ngoại lệ chứ không phải quy tắc. Thật hiếm khi một người hiến tinh trùng có tên trên giấy khai sinh của trẻ".

Vụ việc sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hơn nữa trong lĩnh vực không chắc chắn về pháp lý này, Giáo sư Belinda Fehlberg của Đại học Melbourne đồng ý.

"Sẽ có rất nhiều gia đình nghiên cứu cẩn thận lập luận của Tòa án Tối cao".

L.H.X

Chủ đề khác