VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu sốc: Quân đội Mỹ phát thải khí nhà kính còn nhiều hơn hàng trăm quốc gia cộng lại

Có thể nói, quân đội Mỹ là một nguồn phát thải ô nhiễm lớn bậc nhất trên thế giới. Thậm chí, số lượng khí nhà kính do quân đội Mỹ thải ra còn lớn hơn cả 100 quốc gia khác cộng lại.

Theo Quartz, sở dĩ quân đội Mỹ lại phát thải ra nhiều khí nhà kính như vậy là bởi quân đội nước này có rất nhiều chi nhánh và mạng lưới rộng khắp trên toàn cầu. Trong biên chế của quân đội Mỹ có rất nhiều trang thiết bị, phương tiện chiến đấu như tàu chở hàng, xe tải, máy bay chở hàng, xe tăng hay các chiến đấu cơ. Tất cả chúng được sử dụng cho hoạt động viễn chinh bao gồm đánh bom các cứ điểm hay viện trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, cũng chính những phương tiện này đang vô tình gây ô nhiễm cho cả thế giới. Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cho thấy, quân đội Mỹ nói riêng và nước Mỹ đóng vai trò rất lớn dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu khốc liệt như hiện nay.

Nếu như chúng ta thường tính toán lượng khí thải nhà kính do các quốc gia phát thải ra dựa trên mức độ sử dụng năng lượng và nhiên liệu của người dân thì với quân đội Mỹ, nó được tính bằng số lượng nhiên liệu mà quân đội nước này sử dụng trong mọi hoạt động quân sự.

Những thống kê mới nhất cho thấy, quân đội Mỹ là một trong những tổ chức gây ô nhiễm lớn nhất trong lịch sử loài người. Họ tiêu thụ nhiên liệu lỏng và thải ra khí nhà kính nhiều hơn bất cứ các quốc gia nào khác.

Tính từ cuộc chiến tranh chống khủng bố vào năm 2001, quân đội Mỹ đã thải ra khoảng 1,2 tỷ tấn khí nhà kính, trong đó hơn 400 tấn do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho chiến tranh.

Nếu quân đội Mỹ được coi là một quốc gia thì chỉ riêng việc sử dụng nhiên liệu đã biến nước này trở thành quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 47 trên thế giới, nằm giữa Peru và Bồ Đào Nha.

Theo thống kê, quân đội Mỹ đã mua khoảng 269,23 thùng dầu/ngày và thải ra hơn 25 kiloton khí CO2 thông qua hoạt động đốt cháy nhiên liệu. Không quân Mỹ cũng chi ra số tiền lên tới 4,9 tỷ USD chỉ để mua nhiên liệu. Con số này của Hải quân Mỹ là 2,8 tỷ USD, tiếp theo là lục quân với 947 triệu USD và thủy quân lục chiến là 36 triệu USD.

Nếu như nước Mỹ có khoảng 25,7 triệu xe hơi thì quân đội Mỹ có số lượng xe vận chuyển gấp 10 lần số đó, tức khoảng 257 triệu chiếc.

Mặc dù Bộ quốc phòng Mỹ đã giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch kể từ đầu những năm 2000 nhưng đây vẫn là tổ chức tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới.

Không phải ngẫu nhiên khi khí thải từ hoạt động quân sự của quân đội Mỹ thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu biến đổi khí hậu. Thật khó để có được dữ liệu nhất quán từ Lầu Năm Góc và các cơ quan chính phủ Mỹ. Trên thực tế, Mỹ từng khăng khăng đòi miễn trừ các báo cáo khí thải nhà kính do quân đội nước này thải ra kể từ Nghị định thư Tokyo 1997.

Lỗ hổng này sau đó đã bị lấp lại tại Hiệp định Paris hồi năm 2015. Tuy nhiên, với việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp định này, cường quốc hàng đầu thế giới lại có lý do để tiếp tục che giấu lượng khí thải nhà kính thực sự do quân đội Mỹ gây ra cho thế giới.

Mỹ cần phải thể hiện rõ trách nhiệm của quân đội nước này đã gây ra cho khí hậu Trái Đất

Theo trang The Conversation, nghiên cứu trên sử dụng dữ liệu từ Cơ quan hậu cần quốc phòng Mỹ (DLA) sau hàng loạt các yêu cầu của giới nghiên cứu và dựa trên Đạo luật tự do thông tin của Mỹ. DLA được giao nhiệm vụ quản lý chuỗi cung ứng của quân đội Mỹ, bao gồm cả việc mua và phân phối nhiên liệu hydrocarbon.

Quân đội Mỹ từ lâu đã hiểu rằng, họ không thể tránh khỏi các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu do chính họ gây ra. Nhưng họ cũng không thể làm khác vì hiện nay còn có quá nhiều rủi ro an ninh với Mỹ cần quân đội đứng ra giải quyết. Tuy nhiên, quân đội nước này đang có những biện pháp tích cực để cải thiện tình hình.

Một số căn cứ quân sự của Mỹ đã dự phòng các giải pháp nhằm chống tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng tích cực tìm các nguồn năng lượng thay thế như nhiên liệu sinh học. Mặc dù vậy, chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu nhiên liệu khổng lồ của quân đội Mỹ.

Chính sách khí hậu của quân đội Mỹ thực tế vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn. Tuy đang nỗ lực "xanh hóa" nhưng quân đội Mỹ vẫn là một trong những nguồn tiêu thụ nhiên liệu hydrocarbon lớn nhất thế giới. Rất nhiều vũ khí, phương tiện di chuyển của quân đội nước này vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Biến đổi khí hậu đã trở thành một chủ đề nóng hổi trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Các ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ như thượng nghị sỹ Elizabeth Warren và các thành viên quốc hội như Alexandria Ocasio-Cortez đang kêu gọi các sáng kiến khí hậu lớn như Green New Deal. Nhưng để các chính sách khí hậu mới có hiệu quả, Mỹ cần phải giải quyết vấn đề khí thải nhà kính do quân đội nước này gây ra. Chỉ có như vậy, nước Mỹ mới có thể dễ dàng đưa ra được các chính sách đối nội phù hợp và tỏ ra thiện chí khi tham gia các hiệp ước khí hậu toàn cầu.

Nghiên cứu một lần nữa cho thấy để chống lại biến đổi khí hậu, Mỹ sẽ phải sớm tiết giảm phần lớn bộ máy quân sự. Có lẽ không có hành vi nào gây hại lớn cho Trái Đất như chiến tranh và hoạt động quân sự. Việc cắt giảm đáng kể ngân sách Lầu Năm Góc và giảm nguy cơ chiến tranh chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên thế giới, qua đó giúp bảo vệ Trái Đất khỏi khí thải nhà kính.

Thay vì chi hàng tỷ đô cho hoạt động quân sự, Mỹ hoàn toàn có thể dùng số tiền đó để xây dựng các hệ thống điện tái tạo, nghiên cứu công nghệ chống biến đổi khí hậu mới hay ít ra cũng đủ để phủ xanh nhiều vùng đất trên thế giới thông qua sáng kiến Green New Deal. Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đang nhận thức rõ sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu, Mỹ sẽ phải thể hiện rõ vai trò là đầu tàu kinh tế thế giới và trách nhiệm đối với những tác động khí hậu mà nước này gây ra suốt nhiều thập kỷ qua. Trên hết, tài trợ cho các sáng kiến, quỹ bảo vệ Trái Đất còn tốt hơn nhiều việc chi tiền mua nhiên liệu phục vụ hoạt động quân sự.

Tiến Thanh

Chủ đề khác