VnReview
Hà Nội

Những hiểu lầm chết người về bệnh sốt xuất huyết

Mùa mưa đã đến và bệnh sốt xuất huyết đang xuất hiện và lây lan khá phức tạp tại nhiều địa phương ở nước ta. Các bác sỹ cho biết bệnh sốt xuất huyết không đáng sợ nếu phát hiện và điều trị kịp thời.

Những hiểu lầm chết người về căn bệnh sốt xuất huyết

Theo ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì sốt xuất huyết không phải là một căn bệnh có tính chất "nan y". Nó hoàn toàn có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ đúng phát đồ điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người có nhận thức không đúng về căn bệnh này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Một bài viết trên website của bệnh viện Bạch Mai đã lưu ý mọi người về những ngộ nhận có thể xảy ra đối với bệnh sốt xuất huyết, VnReview xin tổng hợp lại để các bạn tiện theo dõi.

1. Bị sốt xuất huyết một lần sẽ không bị nữa

Bệnh sốt xuất huyết không giới hạn ở bất kỳ độ tuổi nào: người già, trẻ nhỏ hay thanh niên đều có thể mắc sốt xuất huyết. Hiện có 4 týp virut sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể mắc lại (thậm chí lần sau còn có thể nặng hơn lần trước).

Virut gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu bạn nhiễm chủng virut nào thì khả năng cơ thể bạn sẽ hình thành sự miễn dịch suốt đới với chủng đó. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể bị sốt xuất huyết sau này nếu nhiễm phải những chủng virut còn lại.

Các bác sỹ cho biết, về nguyên tắc, một người có thể mắc 4 lần sốt xuất huyết trong cuộc đời. Vì vậy, nếu mắc sốt xuất huyết lần đầu, không đồng nghĩa với bạn không bị sốt xuất huyết nữa trong tương lai. Thay vào đó, bạn còn 3 khả năng bị sốt xuất huyết khi nhiễm 3 chủng virut còn lại.

2. Cứ giảm sốt là hết bệnh

Thông thường, đối với người bị sốt xuất huyết, trong 3 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết và các biến chứng của căn bệnh cũng không xuất hiện trong giai đoạn này. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân vẫn có thể được các cơ sở y tế cho điều trị tại nhà.

Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất khi mắc bệnh sốt xuất huyết. Đa số bệnh nhân sẽ không còn sốt cao trong giai đoạn này nhưng đây lại chính là giai đoạn có thể xuất hiện những biến chứng nặng.

Những hiểu lầm chết người về căn bệnh sốt xuất huyết

Theo bệnh viện Bạch Mai, biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm (đây là lí do vì sao đã hết sốt nhưng các bác sỹ vẫn cho bệnh nhân làm các xét nghiệm thường xuyên mỗi ngày). Khi có kết quả xét nghiệm, bác sỹ sẽ cân nhắc để quyết định xem có truyền dịch cho bệnh nhân hay không.

Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ, có thể chúng ta chỉ quan sát được tình trạng trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Khi thấy những biểu hiện như vậy, phải đến ngay bệnh viện để các bác sỹ xét nghiệm và cho truyền dịch để tránh ảnh hưởng đến tính mạng.

Biến chứng thứ 2: Xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có các biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuât huyết dưới da… Trường hợp này cần được xét nghiệm và các bác sỹ sẽ căn cứ vào trình trạng cụ thể để truyền tiểu cầu nếu cần thiết.

Các bác sỹ lưu ý rằng các bệnh viện địa phương đều có thể xét nghiệm ra và xử lí các trình trạng này. Vì vậy, bệnh nhân không cần thiết phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên vừa mất thời gian vừa có nguy cơ không xử lí kịp, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chỉ khi bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và cho chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến Trung ương để cấp cứu và tiếp tục điều trị.

3. Bị lây bệnh khi tiếp xúc với người mắc sốt xuất huyết

Những hiểu lầm chết người về căn bệnh sốt xuất huyết

Thông qua các nghiên cứu, chuyên gia y tế khẳng định sốt xuất huyết không lây qua hô hấp, tiếp xúc hay dịch tiết. Chỉ khi nào muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó đốt lại chúng ta thì mới có khả năng bị lây bệnh sốt xuất huyết.

4. Tự ý uống thuốc Aspirin và ibuprofen khi bị sốt xuất huyết

Khi có các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... phần lớn người dân thường nghĩ ngay đến cúm hay sốt virut. Nhiều trường hợp thay vì đến bệnh viện khám bệnh, người dân lại tự ý mua thuốc giảm đau như Aspirin và ibuprofen về sử dụng. Hai loại thuốc này sẽ làm giảm cảm giác đau nhức nhưng lại làm cho tình trạng "xuất huyết" của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu nặng, người bệnh có thể bị xuất huyết dạ dày gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những hiểu lầm chết người về căn bệnh sốt xuất huyết

Vì vậy, chúng ta không nên uống 2 loại thuốc kể trên khi có các triệu chứng sốt xuất huyết mà hãy đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh.

5. Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng

Không chỉ ao tù, nước đọng mà muỗi vằn còn cư trú ở những nơi nước trong để lâu trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ…

Những hiểu lầm chết người về căn bệnh sốt xuất huyết

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết lây lan từ muỗi vằn, chúng ta phải thường xuyên làm sạch, thay nước cho các vật dụng, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi và loăng quăng khi cần thiết…

Lưu ý rằng các loại thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi tiến hành phun đồng loạt ở cả cụm dân cư. Cách tốt nhất để phòng chống sốt xuất huyết là diệt loăng quăng, bọ gậy, thường xuyên vệ sinh, đổ bỏ.

Bạch Đằng

Chủ đề khác