VnReview
Hà Nội

Cà phê liệu có phải là chìa khóa chữa béo phì

Các nhà khoa học từ trường đại học Nottingham đã khám phá ra rằng cà phê có thể là chìa khóa chữa béo phì và tiểu đường.

Được công bố trên tạp chí Scientific Reports, đây được xem như một trong những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện ở người để tìm ra các thành phần ảnh hưởng trực tiếp đến các chức năng của "mỡ nâu", một thành phần quan trọng trong cơ thể con người đóng vai trò trong việc đốt cháy calo nhanh như thế nào.

Mô mỡ màu nâu (BAT) hay gọi tắt là mỡ nâu, là một trong hai loại chất béo được tìm thấy ở người và động vật có vú. Ban đầu mỡ nâu được cho rằng chỉ có ở trẻ sơ sinh và một số động vật có vú ngủ đông. Nhưng trong vài năm gần đây, người ta phát hiện ra ở người trưởng thành cũng có mỡ nâu. Chức năng chính của nó là tạo nhiệt cho cơ thể bằng cách đốt cháy calo (trái ngược với mỡ trắng - là kết quả của việc thừa calo).

Do đó những người có chỉ số cơ thể (BMI) thấp hơn thì sẽ có lượng mỡ nâu cao. Giáo sư Michael Symonds, đến từ khoa Y thuộc Đại học Nottingham, người đồng thời trực tiếp nghiên cứu cho biết: "Mỡ nâu hoạt động khác so với các chất béo còn lại trong cơ thể người và sẽ tạo ra nhiệt bằng cách đốt cháy chất béo và chất ngọt khi cơ thể bị lạnh. Với việc tăng cường hoạt động, nó sẽ giúp cải thiện, kiểm soát lượng đường trong máu cũng như cải thiện lượng chất béo trong máu và đốt cháy calo, giúp giảm cân. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa ai có thể tìm ra cách để kích thích hoạt động của mỡ nâu ở người.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ở người cho thấy 1 ly cà phê có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của mỡ nâu. Ý nghĩa đằng sau kết quả thử nghiệm của chúng tôi là rất lớn, bởi béo phì là mối quan tâm hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng, cũng như bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng. Có thể nói, mỡ nâu chính là giải pháp của mọi vấn đề".

Nhóm nghiên cứu bắt đầu với một loạt các thử nghiệm về tế bào gốc để xem rằng liệu chất caffeine có giúp kích thích chất mỡ nâu hay không. Và khi họ tìm ra liều lượng phù hợp, họ sẽ chuyển sang thử nghiệm trên người để xem kết quả có giống nhau hay không.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật hình ảnh nhiệt để theo dõi lượng mỡ nâu trong cơ thể. Kỹ thuật này giúp họ xác định được ví trí của mỡ nâu trong cơ thể và đánh giá khả năng sinh nhiệt mà không cần mổ xẻ.

"Từ những thí nghiệm trước đó, chúng tôi đã tìm ra rằng mỡ nâu chủ yếu nằm ở vùng cổ, vì vậy có nhiều câu hỏi được đặt ra rằng nếu ai đó say xỉn thì liệu mỡ nâu có nóng và tỏa nhiệt hay không", giáo sư Symonds nói.

Hiện tại, kết quả rất khả quan và nhóm nghiên cứu cần xác định thêm rằng liệu caffeine có phải là thành phần có tác dụng kích thích chất béo nâu hay không, cũng như đang tìm xem có thành phần nào khác có thể kích thích mỡ nâu ngoài caffeine hay không. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đang dự tính bổ sung thêm nồng độ caffeine cho thí nghiệm để kiểm tra xem hiệu quả mang đến có giống nhau hay không.

Một khi họ đã tìm được đâu là thành phần có tác dụng kể trên, nhiều khả năng chúng sẽ được dùng như một phần của chế độ kiểm soát cân nặng hoặc chương trình điều chỉnh lượng glucose giúp ngăn ngừa tiểu đường.

Ngô Hiếu

Chủ đề khác