VnReview
Hà Nội

Y học hiện đại vẫn cần đến những con đỉa

Đối với các bác sỹ vi phẫu – những người giúp bệnh nhân gắn lại ngón tay, tai hay các chi thì đỉa vẫn là một vật dụng y tế vô giá.

Đỉa có lẽ không phải là phương thức trị liệu mà bạn mong muốn nhận được tại bệnh viện: một con đỉa đen, trơn và khát máu được gắp bằng kẹp và đặt trực tiếp lên da của bạn. Tuy nhiên, đôi khi đó lại là những gì bác sỹ cần để điều trị cho bệnh nhân.

Vishal Thanik, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại bệnh viện Bellevue (New York) cho biết: "Nếu bạn từng nhìn thấy con đỉa rồi, trông nó thật gớm ghiếc. Và nếu bạn chưa bao giờ phải sử dụng đến nó thì việc này càng đáng e ngại. Cứ như quay về thời cổ xưa vậy".

Những con "giun hút máu" này có vai trò dự phòng trong y học. Công dụng của đỉa được ghi nhận trong điều trị của người Ai Cập cổ đại đối với các bệnh như chảy máu cam và bệnh gút (tài liệu y học Trung Quốc, Ả Rập, Hy Lạp và La Mã cũng có nhắc đến trị liệu bằng đỉa). Những thế kỷ sau đó, các bác sĩ đã sử dụng khả năng hút máu của đỉa để chữa trị đủ bệnh từ trĩ đến đau đầu, trầm cảm và thậm chí là điếc. Thế kỷ 19 tại châu Âu, việc dùng đỉa trâu (Hirudo hazinalis) phổ biến đến nỗi chúng bị thu bắt đến gần như tuyệt chủng. Tuy nhiên, khi y học bác bỏ quan niệm rằng hầu hết các bệnh là do thừa máu, phải rút bớt thì phương pháp điều trị hút máu bằng đỉa không còn được ưa chuộng.

Mặc dù điều trị bằng đỉa gắn với các thủ thuật y khoa xưa cũ, chúng vẫn có một vị trí quan trọng trong y học hiện đại như một biện pháp điều chỉnh trong các trường hợp lưu thông máu mất cân bằng. Trong khi các bác sĩ thời xưa cho rằng đỉa có thể giúp chữa bệnh động kinh hay những vết bầm tím lớn, thì việc sử dụng đỉa hiện nay chủ yếu giới hạn ở các vi phẫu gắn lại các bộ phận cơ thể như ngón tay, ngón chân, ngón tay cái, tai, môi, thậm chí là da đầu.

Một trong những lần đầu tiên đỉa được sử dụng theo cách này là vào năm 1985 trên một đứa trẻ 5 tuổi bị chó cắn lìa tai. Vài ngày sau khi các bác sĩ phẫu thuật khâu lại tai thì bộ phận này chuyển sang màu xanh đen do tắc nghẽn máu. Sau khi thất bại trong việc loại bỏ máu tụ bằng chất chống đông máu và cả bằng các vết cắt nhỏ, bác sĩ Joseph Upton của Harvard đã dùng tới 2 con đỉa, và cách này có tác dụng ngay lập tức. 20 năm sau, vào năm 2005, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê chuẩn đỉa là vật dụng y tế sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình (cùng với giòi, sinh vật sống đầu tiên được đơn vị này cho phép sử dụng lâm sàng).

Trong khi số liệu thống kê về việc sử dụng đỉa trong y tế tại Mỹ còn khan hiếm, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình cho biết việc này mang lại lợi ích không thể nghi ngờ. Nhân viên bệnh viện và bệnh nhân có thể khắc phục vấn đề khi dùng trực tiếp những sinh vật hút máu kỳ quái này.

Patrick Reavey, phó giáo sư phẫu thuật tạo hình tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester (New York) cho biết: "Ban đầu bệnh nhân thường khá sốc. Không phải tôi khó tính, nhưng con đỉa thì khá đáng sợ. Thật quái dị, bạn biết đấy, nó là một con đỉa".

Hầu hết các bác sĩ hiện nay, ngay cả những người thường xuyên thực hiện các ca phẫu thuật tái tạo, sẽ không dùng đến đỉa. Tuy nhiên, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình ít nhất được đào tạo để sử dụng chúng trong một số trường hợp nhất định, Adnan Prsic, phó giáo sư phẫu thuật tạo hình và tái tạo tại Đại học Y Yale cho biết.

"Chúng tôi có lẽ là những chuyên gia duy nhất sử dụng đỉa trong phẫu thuật. Chúng tôi đã và đang sử dụng chúng trong một thời gian dài", Prsic cho biết.

Không giống như ghép da - bác sĩ phẫu thuật chuyển một tấm da mỏng từ khu vực này của cơ thể sang khu vực khác - quy trình tái tạo bao gồm việc gắn lại nhiều lớp mô và nối lại các mạch máu rộng từ 1 đến 3 mm dưới kính hiển vi, bằng chỉ khâu mảnh hơn cả sợi tóc.

Rachel Lefebvre, bác sĩ phẫu thuật tạo hình bàn tay, phó giáo sư tại Đại học Y khoa Keck (Nam California) cho biết, đó là một công việc hết sức tinh tế.

Ví dụ, để gắn lại một ngón tay bị đứt, bác sĩ phẫu thuật sẽ ghim xương lại với nhau, nối các gân và dây thần kinh bị đứt, lưu thông mạch máu và khâu lại da. Trong một số trường hợp, các động mạch mới được gắn vào sẽ truyền nhiều máu vào ngón tay hơn lượng máu mà tĩnh mạch mới bơm ra, dẫn đến tình trạng ngón tay bị sưng, tụ máu. Sự mất cân bằng trong lưu thông máu có thể khiến ngón tay không thể lành, thậm chí là hư; hỏng.

"Bạn cần phải lấy máu từ ngón tay đó ra bằng cách này hay cách khác và đỉa có tác dụng tuyệt vời trong việc đó", Rochester's Reavey cho biết.

Vì vậy, trong những trường hợp đó, các bác sĩ phẫu thuật và y tá sẽ đặt một con đỉa lên vị trí bị tắc nghẽn để giúp khắc phục. Khi được sử dụng, 300 chiếc răng của đỉa cắn vào da và bắt đầu hút máu. Đỉa có thể tiêu hóa tới 15 ml (khoảng một muỗng canh) máu trong khoảng 40 phút. Khi đã hút đủ, đỉa sẽ nhẹ nhàng rơi ra.

Lefebvre cho biết: "Vai trò của đỉa rất đáng kinh ngạc. Đối với tôi, chúng thật tuyệt vời".

Tuy nhiên trị liệu bằng đỉa không chỉ là hút máu. Nước bọt của đỉa chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc gây mê, thuốc kháng histamine và thuốc giãn mạch. "Đỉa tiết ra những hoạt chất này giống như thuốc vậy", Prsic cho biết.

Ngoài tự nhiên, những chất kể trên giúp đảm bảo những con vật mà đỉa bám vào sẽ không cảm nhận được vết cắn khi đỉa thực hiện hút máu. Còn trong y học, đó là một lợi ích bổ sung.

"Mặc dù hơi đáng sợ nhưng việc hút máu bằng đỉa thường không gây đau đớn cho bệnh nhân", Lefebvre chia sẻ và nói thêm rằng một số bệnh nhân của cô còn đặt tên cho đỉa để cảm thấy thoải mái hơn với người bạn cộng sinh này.

"Người ta nghĩ đỉa sẽ hút rất nhiều máu hoặc sẽ gây ra đau đớn khủng khiếp", Rea Reavey nói. "Chúng khiến bạn nghĩ tới y học thời trung cổ. Nhưng đó là sức mạnh của tiến hóa, đỉa tiến hóa để làm công việc rất cụ thể này và chúng rất giỏi trong việc đó".

Tất nhiên, cũng có một số rủi ro khi sử dụng đỉa.

Đối với một người, việc áp dụng đỉa lâu dài có thể dẫn tới thiếu máu. Bên cạnh đó, đỉa chứa nhiều vi khuẩn trong ruột để tiêu hóa máu, nên những người điều trị bằng đỉa cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Một số tài liệu gần đây đã chỉ ra tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng ở Aeromonas hydrophila, một trong những vi khuẩn được tìm thấy ở đỉa và là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng.

Trong một nghiên cứu kéo dài 5 năm, các chuyên gia phát hiện rằng nhiễm trùng xảy ra ở khoảng 4% những người được điều trị bằng đỉa. Phần lớn trong số khoảng 20 trường hợp có vấn đề liên quan đến đỉa được báo cáo với FDA từ năm 2004 là nhiễm trùng sau khi điều trị bằng đỉa hoặc xác định có Aeromonas kháng kháng sinh trong kho dự trữ đỉa.

Nguy cơ nhiễm trùng là một trong những lý do tại sao việc trị liệu bằng đỉa chỉ được áp dụng như một biện pháp phòng ngừa (chúng ta không thể khử trùng đỉa như đối với dao mổ hay các dụng cụ y tế khác).

Vào tháng 5/2019, Thanik và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm y tế Langone đã công bố nghiên cứu chi tiết một số biện pháp tốt nhất cho việc dùng đỉa trong phẫu thuật tái tạo, thông qua phân tích việc tái tạo 201 ngón tay trong 8 năm. Sau khi định lượng kết quả của hàng trăm trường hợp, các chuyên gia cho rằng 4,5 ngày là khoảng thời gian tốt nhất cho trị liệu bằng đỉa và đề nghị các học viên khác tuân theo hướng dẫn chung là 5 ngày.

Một tài liệu khác đã xem xét lại các nghiên cứu nhằm chuẩn hóa liệu pháp dùng đỉa. Hiện tại, chưa có sự thống nhất giữa cộng đồng y tế về việc nên sử dụng đỉa trong bao lâu hoặc sử dụng bao nhiêu cá thể một lúc.

"Chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề này", Prsic chia sẻ. "Những ca phẫu thuật chấn thương không thể tiến hành ngẫu hứng được, vì vậy chúng tôi dựa vào những dữ liệu mình đã có".

Tuy nhiên, Thanik cho biết ông hy vọng tài liệu của mình sẽ giúp hướng dẫn các bác sĩ trong các tình huống mà trị liệu bằng đỉa có thể hữu ích nhưng không phải là chuẩn.

Hiện nay, việc sử dụng đỉa phổ biến hơn tại các bệnh viện liên kết (với trường y khoa) và trung tâm chấn thương, như tại Bellevue, nơi thường xuyên phẫu thuật tái tạo. Một phân tích của Đại học Michigan năm 2018 trên khoảng 15.000 người bị mất ngón tay từ năm 2001 đến 2014 cho thấy ngày càng nhiều trường hợp được chuyển đến các bệnh viện liên kết ở thành thị. Tại đó, khả năng được gắn lại nhiều hơn gấp đôi (với tỷ lệ thành công trung bình khoảng 80%).

Cũng trong năm 2018, Reavey, Thanik và các đồng nghiệp khác đã phân tích hàng chục nghìn trường hợp cụt ngón tay từ năm 2000 đến 2011 bằng cách sử dụng thông tin lấy từ cơ sở dữ liệu quốc gia. Họ phát hiện phần lớn các bệnh viện thực hiện gắn lại ngón tay chỉ tiến hành khoảng mỗi năm một lần. Số bệnh viện như vậy cũng giảm từ 120 xuống còn 80 trong thời gian 10 năm đó. Một số ít các bệnh viện thực hiện hơn 10 lần việc gắn ngón tay mỗi năm.

"Tại nhiều bệnh viện, họ có thể sử dụng đỉa mỗi năm 1 lần hoặc không sử dụng", Thanik cho biết.

Và ngay cả tại bệnh viện nơi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thường xuyên sử dụng liệu pháp đỉa, họ cũng coi đây là lựa chọn cuối cùng để giữ lại ngón tay hay tai cho bệnh nhân. Lý tưởng nhất là không phải sử dụng đến đỉa. Nhưng trong trường hợp bắt buộc, đó là một lựa chọn hữu ích, Lefebvre nói.

"Có vấn đề phẫu thuật mà tôi không thể xử lý được nhưng lại có sinh vật có thể làm điều đó", cô nói. "Khi tôi thất bại, đỉa là một giải pháp cực kỳ dễ chịu".

Và, như Reavy chỉ ra, đó cũng là hy vọng cuối cùng cho những sinh vật hút máu này. "Điều bất lợi với đỉa, đó là bữa ăn cuối cùng của chúng", anh ấy nói.

Hà Loan theo Popsci

Chủ đề khác