VnReview
Hà Nội

Lí do cảnh phi hành gia Mỹ đặt chân lên mặt trăng không thể bị làm giả

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi con tàu Apollo 11 đưa con người lần đầu lên mặt trăng, nhưng nhiều người vẫn không tin rằng nó thực sự đã xảy ra. Các thuyết âm mưu về sự kiện này đã có từ những năm 1970 và chúng phổ biến hơn bao giờ hết.

Một giả thuyết phổ biến là đạo diễn phim Stanley Kubrick đã giúp NASA dàn dựng các cảnh quay lịch sử trong sáu lần hạ cánh thành công xuống mặt trăng.

Nhưng liệu công nghệ thời đó có đủ để làm như vậy không? Dưới đây là ý kiến của tác giả Howard Berry, Trưởng phòng sản xuất hậu kỳ và lãnh đạo chương trình sản xuất phim và truyền hình MA, Đại học Hertfordshire, vương quốc Anh, được đăng tải trên trang Sciencealert.com. VnReview xin được chuyển ngữ và gửi tới bạn đọc.

Tôi không phải là chuyên gia du hành vũ trụ, kỹ sư hay nhà khoa học. Tôi là một nhà làm phim và giảng viên về hậu kỳ phim, và dù tôi không biết họ đã hạ cánh trên mặt trăng năm 1969 như thế nào nhưng tôi có thể chắc chắn rằng các cảnh quay sẽ không thể là giả.

Video phi hành gia Mỹ đặt chân lên mặt trăng do NASA công bố

Dưới đây là một số giả thuyết phổ biến nhất và lí do vì sao chúng không hề đúng:

‘Đoạn phim các phi hành gia đặt chân lên mặt trăng thực chất được quay trong studio'.

Có hai cách khác nhau để ghi lại những hình ảnh chuyển động. Một là phim - dải vật liệu nhiếp ảnh mà trên đó là một loạt các hình ảnh được phơi bày.

Cách còn lại là video, là một phương pháp điện tử để ghi hình vào các phương tiện khác nhau, chẳng hạn như băng từ. Với video, bạn có thể phát trên một máy thu truyền hình. Một bộ phim chuyển động tiêu chuẩn sẽ ghi lại hình ảnh với 24 khung hình mỗi giây, trong khi truyền hình phát sóng thường là 25 hoặc 30 khung hình, tùy thuộc vào nơi bạn ở trên thế giới.

Nếu bạn vẫn giữ ý kiến cho rằng đoạn phim đó được quay trong studio thì hẳn bạn nên mong nó sẽ có 30 khung hình mỗi giây bởi đó là tiêu chuẩn truyền hình vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng video từ lần hạ cánh xuống mặt trăng đầu tiên được ghi lại với chỉ 10 khung hình mỗi giây trong SSTV (truyền hình quét chậm) bằng một camera đặc biệt.

'Họ đã sử dụng một chiếc máy ảnh Apollo đặc biệt trong studio và sau đó làm chậm các cảnh quay để khiến nó trông giống như có ít trọng lực hơn'.

Một số người có thể cho rằng khi nhìn vào những người chuyển động chậm, họ dường như ở trong một môi trường trọng lực thấp.

Làm chậm phim yêu cầu nhiều khung hình hơn bình thường, vì vậy cần một máy ảnh có khả năng chụp nhiều khung hình hơn trong một giây so với bình thường - điều này được gọi là overcranking. Khi được phát lại ở tốc độ khung hình bình thường, đoạn phim này sẽ phát lại chậm hơn.

Nếu bạn không thể overcranking máy ảnh của mình, mà ghi lại ở tốc độ bình thường thì thay vào đó bạn có thể giả làm chậm cảnh quay, nhưng bạn cần lưu trữ các khung hình và tạo thêm các khung hình mới để làm chậm nó.

Tại thời điểm phát sóng, đĩa từ ghi hình có khả năng lưu trữ các cảnh quay chỉ dài tổng cộng 30 giây, để phát chuyển động chậm thành 90 giây.

Để có một chuyển động chậm dài 143 phút, bạn cần ghi lại và lưu trữ 47 phút các chuỗi hành động trực tiếp, điều này đơn giản là không thể xảy ra.

'Họ có thể đã dùng một máy ghi hình tiên tiến để tạo ra các cảnh quay chuyển động chậm. Mọi người đều biết NASA đã công bố công nghệ đó trước công chúng'.

Chà, có lẽ họ cũng có một máy ghi ghi hình bí mật nhưng cao cấp hơn gần 3.000 lần sao? Thật đáng ghi ngờ.

'Họ đã quay nó và làm chậm đoạn phim. Bạn có thể có nhiều phim như mong muốn để làm điều này. Sau đó, họ chuyển đổi đoạn phim để chiếu trên TV'.

Có một chút logic đấy! Nhưng quay nó trên phim sẽ cần hàng ngàn cuộn phim. Một cuộn phim 35mm điển hình (chứa 24 khung hình mỗi phút) muốn chiếu đoạn clip 11 phút sẽ dài 305m.

Nếu áp dụng điều này cho 12 khung hình mỗi giây (gần bằng 10 khung hình với phim tiêu chuẩn) chạy trong 143 phút (độ dài của đoạn phim Apollo), bạn sẽ cần sáu cuộn rưỡi.

Những cuộn phim này sau đó sẽ cần phải nối lại. Trong quá trình nối phim, vận chuyển các âm bản và rửa ảnh, các hạt bụi bẩn, vết lông hoặc vết trầy xước sẽ ngay lập tức làm lộ bí mật.

Nhưng những dấu vết ấy không hề có, nghĩa là nó không được quay trên phim. Khi xem xét đến các cuộc hạ cánh tiếp theo của Apollo được quay với tốc độ 30 khung hình mỗi giây, thì việc làm giả chúng sẽ khó hơn gấp ba lần. Vì vậy, nhiệm vụ Apollo 11 là dễ dàng nhất.

'Lá cờ trong đoạn phim bay trong gió nhưng trên mặt trăng thì làm gì có gió. Vì vậy, gió rõ ràng là từ một chiếc quạt làm mát bên trong studio. Hoặc nó được quay trong sa mạc'.

Không phải như vậy. Sau khi cờ được buông ra, nó sẽ hạ xuống một cách nhẹ nhàng và sau đó không di chuyển chút nào trong các cảnh quay còn lại. Ngoài ra, trong studio thì gió mạnh cỡ nào chứ?

Không thể phủ nhận rằng trên sa mạc có gió. Nhưng vào tháng 7, sa mạc cũng rất nóng và bạn thường có thể thấy sóng nhiệt xuất hiện trong các cảnh quay được ghi lại. Không có sóng nhiệt trên các cảnh quay đáp xuống mặt trăng, vì vậy nó không được quay trong sa mạc.

Và dù sao đi nữa, lá cờ vẫn luôn bất động.

'Ánh sáng trong đoạn phim rõ ràng là ánh đèn sân khấu. Những cái bóng trông thật kỳ lạ'.

Vâng, đó đích thị là ánh đèn sân khấu, một ánh đèn cách 93 triệu dặm. Và nó được gọi là mặt trời.

Hãy nhìn vào những cái bóng trong đoạn phim. Nếu nguồn sáng là một điểm sáng gần đó, cái bóng sẽ bắt nguồn từ một điểm trung tâm. Nhưng vì nguồn ở rất xa, nên bóng hiện lên song song ở hầu hết các nơi thay vì đổ bóng từ một điểm duy nhất.

Điều đó cho thấy rằng, mặt trời không phải là nguồn chiếu sáng duy nhất - ánh sáng cũng được phản chiếu từ mặt đất. Điều đó có thể khiến một số bóng không hiện lên song song. Nó cũng có nghĩa là chúng ta có thể nhìn thấy các vật thể trong bóng tối.

'Tất cả chúng tôi đều biết tỏng là Stanley Kubrick đã quay nó'.

Stanley Kubrick có thể đã được yêu cầu dàn dựng cảnh đặt chân lên mặt trăng. Nhưng một người cầu toàn như ông sẽ muốn quay nó thực sự trên mặt trăng. Còn gì nữa không?

'Có thể tái tạo khủng long từ muỗi theo cách họ đã làm trong Công viên kỷ Jura, nhưng chính phủ đã giấu việc đó'.

Ok, tôi chịu thua

Zenda

Chủ đề khác