VnReview
Hà Nội

Chuyện gì đã thực sự xảy ra với máy bay mất tích Malaysia MH370? (phần 2)

Năm năm trước, chiếc máy bay MH370 đã biến mất trên vùng biển Ấn Độ Dương, chôn vùi cùng nó nhiều bí ẩn mà giới chức trách Malaysia không muốn công bố.

Phần 1: Chuyện gì đã thực sự xảy ra với máy bay mất tích Malaysia MH370?

VnReview tiếp tục chuyển ngữ phần 2 bài điều tra của báo The Atlantic về chuyến máy mất tích bí ẩn MH370 của Malaysia. Đây là vụ mất tích máy bay đến nay được coi là bí ẩn nhất của ngành hàng không thế giới.

Malaysia MH370: Đi đâu, về đâu? (Phần II)

3. Mạch nguồn

Bờ biển Ấn Độ Dương có hàng chục nghìn kilomet bờ biển và vô số hòn đảo. Khi Blaine Gibson bắt đầu tìm kiếm những mảnh vỡ, ông ấy chưa hề có sẵn bất kì kế hoạch nào. Đầu tiên ông đã bay đến Myanmar bởi đây là nơi trước đó ông muốn hướng tới, sau đó Blaine tới bờ biển để hỏi những dân làng nơi đây xem liệu đâu là nơi mà những mảnh vỡ có thể sẽ dạt vào nhất. Họ chỉ cho ông một số bãi biển, và một ngư dân đã chấp nhận đưa ông tới những vị trí ấy. Blaine đã tìm thấy một số mảnh vỡ nhưng dường như không có thứ gì đến từ một chiếc máy bay cả. Trước khi rời đi, ông nhắc dân làng nên để ý và để lại số điện thoại liên lạc của mình. Sau đó ông cũng đã tới Maldives, Rodrigues và Mauritius nhưng đều không thu được kết quả như mong đợi.

Tuy nhiên, sau 16 tháng tìm kiếm, vào ngày 29/7/2015, một nhóm người dọn dẹp bờ biển trên đảo Réunion của Pháp đã tìm thấy một mảnh của chiếc máy bay dài 1,8 mét bị dạt vào bờ. Người quản lí của đội dọn dẹp này, tên là Johnny Bègue, nhận ra rằng đây rất có thể là mảnh vỡ của một chiếc máy bay nhưng lúc đó ông không thể nhớ ra được là chiếc nào. Lúc ấy, Johnny đã tính tới việc lấy đây làm một đài tưởng niệm song ông đã đổi ý và báo cho một đài phát thanh địa phương về thứ mình vừa tìm thấy. Sau đó một nhóm cảnh sát đã xuất hiện và đưa mảnh vỡ này đi. Nó nhanh chóng được xác định là một phần của chiếc Boeing 777, mà cụ thể hơn là một cánh lái kết hợp gắn vào phần đuôi của cánh bay bay. Công tác kiểm tra số sê-ri sau đó đã chắc chắn rằng đây là một mảnh vỡ của chiếc MH370.

Đây chính là bằng chứng vật lí để xác thực cho những kết luận đúc kết từ tín hiệu điện từ thu được, rằng chiếc máy bay này đã đâm thẳng xuống vùng biển Ấn Độ Dương, tại một vị trí mà không ai biết, cách bờ Đông của đảo Réunion hàng nghìn cây số. Sự xuất hiện của mảnh vỡ này cũng chính là thứ phá vỡ những niềm tin rằng những hành khách trên chiếc MH370 có thể vẫn còn sống. Nó đến như một cơn sốc đối với thân nhân của những nạn nhân cho dù họ đã chuẩn bị thế nào đi chăng nữa. Grace Nathan khi ấy đã hết sức tuyệt vọng. Phải mất nhiều tuần trôi qua, tâm trí cô mới dần trở lại sau cú sốc ấy.

Sau đó, Gibson đã bay tới Réunion và tìm thấy Johnny Bègue trên bãi biển. Bègue là một người thân thiện, ông đã cho Blaine thấy nơi mảnh vỡ được tìm thấy. Gibson cũng đã thực hiện tìm kiếm những mảnh vỡ khác nhưng không thấy bất cứ thứ gì như đã mong đợi bởi vì chính phủ Pháp trước đó đã tiến hành một cuộc tìm kiếm và cũng không hề có kết quả. Phải mất rất nhiều thời gian để những mảnh vỡ có thể trôi dạt từ phía Đông qua phía Tây của Ấn Độ Dương, song phần cánh lái kết hợp có thể trôi nhanh hơn những mảnh vỡ khác bởi nó có thể nổi một phần lên trên mặt nước, phần nổi lên này sẽ hoạt động như một cánh buồm, giúp đẩy mảnh vỡ đi nhanh hơn.

Một phóng viên tại đảo Réunion đã phỏng vấn Gibson để viết một câu chuyện về chuyến viếng thăm của "nhà điều tra" độc lập người Mỹ này. Khi ấy, Gibson mặc một chiếc áo phông. Sau đó ông bay sang Úc, đây là nơi ông sẽ nói chuyện với hai nhà hải dương học là Charitha Pattiaratchi từ Đại học Tây Úc và David Griffin, người đang làm việc cho một trung tâm nghiên cứu của chính phủ tại Hobart và đồng thời là người được giao nhiệm vụ tư vấn cho Cục An toàn Giao thông Úc, cơ quan chủ trì trong việc tìm kiếm chiếc MH370. Hai người này đều là những chuyên gia về dòng hải lưu và gió của vùng biển Ấn Độ Dương. Đặc biệt, Griffin còn đã dành nhiều năm để theo dõi những phao nổi từ đó giúp ông có thể mô hình hóa những đặc tính của con đường trôi dạt của mảnh vỡ máy bay đã trôi vào bờ biển Réunion nhằm tìm cách thu hẹp phạm vi địa lí của công tác tìm kiếm dưới đáy biển. Mong muốn của Gibson lúc ấy dễ dàng hơn nhiều: ông chỉ đơn giản là muốn biết được vị trí có khả năng cao nhất mà các mảnh vỡ có thể dạt vào bờ. Câu trả lời mà ông nhận được chính là bờ biển phía Đông Bắc của Madagascar và bờ biển của Mozambique.

Blaine đã chọn Mozambique làm điểm đến tiếp theo bởi đây là nơi ông chưa từng đến, ông có thể coi đây là quốc gia thứ 177 mình đặt chân tới. Ông chọn một thị trấn tên là Vilanculos bởi nó có vẻ an toàn với nhiều bãi biển đẹp. Sau khi tới đây vào tháng 2/2016, ông đã xin lời tư vấn của những ngư dân địa phương và được cho biết về một bãi cát tên là Paluma nằm ngoài rặng san hô. Đây là nơi mà ngư dân thường tới để lấy lưới và phao trôi từ biển Ấn Độ Dương vào. Gibson liền trả tiền cho một người tên là Suleman để đưa ông tới đó. Họ tìm thấy đủ mọi loại rác thải ở đây, chủ yếu là nhựa. Bất ngờ, Suleman phát hiện ra một mảnh vỡ hình tam giác màu xám dài khoảng 60 cen-ti-mét và gọi Gibson qua để xác nhận xem đây liệu có phải mảnh vỡ của chiếc MH370 hay không. Mảnh vật liệu được tìm thấy là một phần của cấu trúc có dạng tổ ong, một mặt có in dòng chữ "không được bước lên". Ban đầu, Gibson không cho rằng đây là một mảnh vỡ từ một chiếc máy bay lớn. Ông ấy kể: "Lúc ấy óc phân tích của tôi đã cho rằng đây không thể là một mảnh từ chiếc máy bay ấy, nhưng trực giác tôi lại ngược lại. Sau đó chúng tôi phải đưa thuyền trở về. Khi ấy đã có hai chú cá heo – loài cá biểu trưng cho tính cách của mẹ tôi - xuất hiện và dẫn lối cho chúng tôi ra khỏi khu vực bãi cát ấy. Ngay khi vừa thấy chúng, tôi đã nghĩ: ‘Có khi đây là linh hồn của chiếc máy bay'".

Trực giác của Gibson lúc ấy hóa ra lại đúng. Mảnh vỡ họ thu được là từ bảng điều khiển cân bằng ngang và được xác định gần như chắc chắn là từ chiếc MH370. Gibson đã bay tới thủ đô Maputo để trao những mảnh vỡ này cho lãnh sự Úc. Sau đó ông bay tới Kuala Lumpur, vừa đúng ngày kỉ niệm hai năm vụ mất tích. Lần này, ông được chào đón như một người bạn.

Tháng 6/2016, Gibson chuyển sự chú ý của mình lên vùng biển Đông Bắc xa xôi của Madagascar. Hóa ra nơi đây là mạch nguồn của những mảnh vỡ. Gibson kể rằng ngay trong ngày đầu tìm kiếm, ông đã tìm ra tới ba mảnh vỡ và sau đó là hai mảnh trong vài ngày tiếp theo. Một tuần sau, trên bãi biển cách đó gần 13 cây số, ba mảnh vỡ khác đã được chuyển tới ông. Chuyện cứ thế mà lan rộng ra, thông tin về việc ông sẽ trả tiền cho bất cứ ai tìm được mảnh vỡ của chiếc MH370 cũng từ ấy được nhiều người biết đến. Ông kể rằng có lần mình đã trả 40 USD cho một mảnh vỡ, đấy là số tiền mà cả ngôi làng ở đây có thể kiếm được sau một ngày dài làm việc.

Rất nhiều mảnh vỡ được tìm thấy được xác định rằng không liên quan tới chiếc MH370. Nhưng trong số hàng chục những mảnh vụn xác định hoặc đang trong nghi ngờ là của chiếc máy bay này, Gibson chính là người đã đóng góp 1/3 số mảnh vỡ ấy dù rằng nhiều mảnh vỡ vẫn cần phải được điều tra thêm nữa. Tầm ảnh hưởng của Gibson lớn tới mức mà David Griffin vừa biết ơn vừa lo lắng rằng số mảnh vỡ mà Gibson tìm thấy có thể kéo lệch các số liệu thống kê về phía Bắc Madagascar. David thậm chí còn đặt tên cho mối lo này là "Hiệu ứng Gibson".

Nhưng sự thật là sau năm năm tìm kiếm, vẫn chưa ai có thể lần ngược lại vị trí chiếc máy bay từ nơi những mảnh vỡ được tìm thấy. Với một tâm lí cởi mở, Gibson vẫn còn giữ hi vọng rằng một ngày nào đó ông sẽ tìm thấy những mảnh vỡ mới, thứ có thể giải thích cho sự mất tích của chiếc máy bay ví dụ như cháy chập đường dây diện dẫn tới hỏa hoạn, hoặc bằng chứng của một vụ tấn công tên lửa dù rằng những thông tin về hành trình bay đã gạt bỏ mọi khả năng trên. Những gì mà Gibson tìm ra là những mảnh vỡ đủ để chứng minh rằng những phân tích về tín hiệu đã cho ra kết quả chính xác.

Chiếc máy bay đã bay liên tục trong sáu tiếng cho tới khi nó bỗng nhiên lao thẳng xuống biển. Thậm chí là chẳng ai trong buồng lái kia đã cố gắng để hạ cánh một cách nhẹ nhàng. Nó vỡ nát ra thành hàng triệu mảnh. Nhưng Gibson nghĩ, có lẽ phải có một khả năng khác. Có lẽ một ngày nào đó, ông sẽ tìm thấy một ghi chú nguệch ngoạc giấu trong vỏ chai rỗng, được ghi lại bởi ai đó trong khoảng khắc cuối cùng của anh ta trên chiếc bay sắp bị hủy diệt. Trên nhiều bãi biển, Gibson đã tìm thấy vài chiếc ba lô, một số lượng lớn ví, tất cả đều trống rỗng. Lần duy nhất ông tìm thấy một ghi chú trên biển chính là một bức thư viết bằng tiếng Malaysia mà nếu dịch ra thì nó sẽ có nghĩa là: "Gửi tới ai có liên quan. Bạn yêu dấu của tôi à, hãy đến gặp tôi ở nhà trọ sau đó nhé!".

Malaysia MH370: Đi đâu, về đâu? (Phần II)

A – 1 giờ 21 phút sáng, ngày 8/3/2014: Khi đang bay trên Biển Đông, gần một điểm giao hàng không giữa Malaysia và Việt Nam, MH370 đã biến mất khỏi radar của kiểm soát không lưu và quay đầu về phía Tây Nam, bay ngược trở lại Bán đảo Malay.

B – Gần một tiếng sau: sau khi bay về phía Tây Bắc qua eo biển Malacca, chiếc máy bay chiếc máy bay thực hiện "lần đổi hướng cuối cùng", từ đó MH370 bay theo hướng Nam. Hành trình mới này của chiếc máy bay đều được mô phỏng lại từ dữ liệu vệ tinh.

C– Tháng 4/2014: công cuộc dò tìm trên mặt nước đã chính thức kết thúc để tiến tới công tác rà soát đáy biển. Những phân tích về dữ liệu vệ tinh cho thấy rằng vị trí có thể của chiếc MH370 trong lần kết nối cuối cùng với vệ tinh là một hình vòng cung.

D– Tháng 7/2015: mảnh vỡ đầu tiên từ chiếc MH370 – phần cánh lái kết hợp – đã được tìm thấy trên hòn đảo Réunion. Những mảnh vỡ khác đã được xác nhận hoặc được nghi vấn cao là của chiếc máy bay đã được tìm thấy rải rác trên một khoảng rộng những bãi biển ở phía Tây của Ấn Độ Dương (những điểm khoanh tròn màu đỏ).

4. Những phỏng đoán

Đã có ba cuộc tìm kiếm chính thức được thực hiện kể từ khi chiếc MH370 mất tích. Cuộc tìm kiếm đầu tiên đồng thời là cuộc tìm kiếm khắt khe và tốn kém nhất chính là công tác tìm kiếm đáy biển bằng những kỹ thuật tiên tiến của Úc, tập chung vào việc xác định các mảnh vỡ chính của chiếc máy bay nhằm thu hồi bản ghi âm buồng lái cùng với dữ liệu bay. Công tác tìm kiếm bao gồm nhiều tính toán về hiệu suất của máy bay, những bản phân tích về dữ liệu radar và vệ tinh, nghiên cứu về sự trôi dạt trên đại dương, các phân tích thống kê và cả những thử nghiệm vật lí thực hiện trên số mảnh vỡ được tìm thấy ở phía Đông của châu Phi mà phần nhiều là nhờ vào công của Blaine Gibson.

Cuộc tìm kiếm này đòi hỏi nhiều hoạt động hàng hải trên vùng biển hiểm trở nhất của thế giới. Đóng vai trò hỗ trợ cho công tác này là đội ngũ những kĩ sư và nhà khoa học tình nguyện, những người này đã tìm thấy nhau qua mạng Internet. Họ tự gọi mình là Independent Group và hoạt động hiệu quả tới mức người Úc đã tận dụng những nghiên cứu của nhóm này và cảm ơn cho những hiểu biết của họ. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử của công tác điều tra tai nạn. Tuy nhiên sau hơn ba năm và khoảng 160 triệu USD chi phí, cuộc điều tìm kiếm của người Úc đã kết thúc mà không thu được bất cứ kết quả khả quan nào.

Sau đó công tác tìm kiếm này được đảm nhiệm bởi một công ty Mỹ có tên là Ocean Infinity hợp tác với chính phủ Malaysia theo một bản hợp đồng "không thấy không trả tiền" vào năm 2018. Bước tìm kiếm mới này sử dụng các phương tiện giám sát dưới nước tiên tiến và bao phủ một phần mới trong cánh cung thứ bảy, đây cũng là phần có khả năng tìm thấy chiếc MH370 nhất theo Independent Group. Tiếc là vài tháng sau, việc tìm kiếm cũng kết thúc trong thất bại.

Công tác điều tra chính thức thứ hai được thực hiện bởi cảnh sát Malaysia bằng việc kiểm tra lí lịch của tất cả hành khách trên chuyến bay cũng như một số bạn bè của nạn nhân. Thật khó để biết được xem phía cảnh sát đã điều tra được những gì vì ngay từ đầu nó đã không hề được tiết lộ đầy đủ. Bản báo cáo điều tra được đóng dấu "tài liệu mật" và thậm chí còn bị giữ lại bởi những cơ quan điều tra Malaysia khác. Nhưng sau khi bị rò rỉ, những bất cập của công tác điều tra đã trở nên rõ ràng. Cụ thể là nó đã không việc tiết lộ tất cả những sự thật về phi công trưởng Zaharie. Chẳng ai ngạc nghiên về hành động này.

Bởi thủ tướng Malaysia lúc đó là một người đàn ông khó tính tên là Najib Razak, người được đồn thổi về hành vi tham nhũng. Báo chí ở Malaysia thì bị kiếm duyệt. Những ai được cho là thành phần gây rối sẽ đều bị biến mất một cách kì lạ. Các quan chức chính quyền nước này cũng phải tự cẩn trọng bởi họ còn sự nghiệp và gia đình của riêng mình để bảo vệ. Và hiển nhiên là những quyết định của chính phủ nước này ngay từ đầu đã không phải để theo đuổi việc tìm kiếm MH370, đây chính là sự yếu kém của Malaysia Airlines và chính phủ nước này.

Cuộc điều tra chính thức thứ ba là một cuộc điều tra tai nạn nhằm tìm hiểu nguyên nhân có thể đã để xảy ra vụ tai nạn chứ không phải bởi móc về trách nhiệm pháp lí bởi một nhóm cá nhân đa quốc gia. Công tác điều tra được chủ trì bởi một đội ngũ làm việc cho chính phủ Malaysia và ngay từ đầu nó đã là một mớ hỗn độn từ khi thành lập. Cảnh sát và quân đội chẳng thèm đến xỉa đến công tác điều tra này. Các bộ trưởng trong chính phủ thì coi đây là một rủi ro. Các chuyên gia nước ngoài được cử đến để hỗ trợ đã dần rút lui nhanh như khi họ đến. Nhắc tới một giao thức hàng không quốc tế quy định những điều tra về tai nạn, một chuyên gia người Mỹ đã nói với tôi rằng: "Phụ lục 13 được thiết kế để điều tra tai nạn ở các quốc gia có nền dân chủ mạnh mẽ, nhưng khi được áp dụng cho một quốc gia có chế độ bất ổn và chuyên quyền như Malaysia, với một hãng hàng không vừa thuộc sở hữu bởi chính phủ vừa là uy tín của một quốc gia thì nó không thể phát huy được mục đích đã được thiết kế".

Chú thích: Phụ lục 13 là một trong nhiều điều khoản quy định bởi bản Công ước về hàng không dân dụng quốc tế được kí kết vào năm 1944 tại Chicago. Đây là phần phụ lục giúp quy định, hướng dẫn về công tác điều tra tai nạn máy bay – theo Wikipedia.

Một người theo dõi sát sao về quá trình tìm kiếm chiếc MH370 cho biết rằng: "Rõ ràng là mục tiêu chính của người Malaysia là làm cho thảm họa này biến mất. Ngay từ đầu đã có những thiên vị chống lại sự cởi mở và minh bạch, không phải vì họ đang che giấu một bí mật đen tối sâu thẳm nào đó mà bởi vị họ không biết được sự thật nằm ở đâu. Họ còn lo sợ rằng có thể một bí mật nào đó bị moi ra sẽ làm họ bẽ mặt. Có phải họ đang cố ý che đậy không? Đúng, họ đang che giấu cho những gì mà bản thân họ cũng chẳng biết".

Cuộc điều tra rồi cũng tới hồi kết, để lại sau đó là bản báo cáo dài 495 trang giấy với nội dung "viết cho có" để thỏa mãn những yêu cầu của Phụ lục 13. Trong đó nhồi nhét đầy những mô tả đã biết về hệ thống trên chiếc Boeing 777, rõ ràng nó đều là những thông tin lấy ra từ bản hướng dẫn sử dụng của Boeing và chẳng có chút giá trị nào về mặt kĩ thuật. Mà thật vậy, các báo cáo trước đó của người Úc đã bao gồm đầy đủ về dữ liệu vệ tinh và các phân tích trôi dạt trên đại dương. Ngược lại, bản báo cáo của người Malaysia không hơn không kém gì một mớ giấy tờ để minh oan, có lẽ vì một nửa số lí lẽ trong ấy đều là đổ lỗi cho phía Việt Nam và biện minh rằng những điều phối viên Malaysia có quyền điều hành bị giới hạn trong vùng không phận quá nhỏ, toàn chuyện chính trị. Đây chính là bản mô tả thẳng thắn nhất về những yếu kém trong công tác kiểm soát không lưu. Bản báo cáo trên được công bố vào tháng 7/2018, hơn bốn năm kể từ ngày chiếc máy bay mất tích. Và kết luận cuối cùng nhất chính là các đội ngũ điều tra đã không thể xác định được nguyên nhân của vụ mất tích này.

Kết luận này đã tiếp tục mời gọi những suy luận bao gồm cả những suy đoán không có cơ sở. Dữ liệu vệ tinh đã đưa ra những bằng chứng hoàn hảo nhất về lộ trình bay của chiếc MH370, đây là loại dữ liệu khó có thể bác bỏ được. Nhưng dường như người ta lại không chấp nhận câu chuyện với số liệu cụ thể là những con số. Từ việc chiếc máy bay mất tích, đã có vô vàn những giả thuyết được đưa ra và khuyếch đại bởi các phương tiện truyền thông xã hội, hầu hết chúng bỏ qua dữ liệu vệ tinh hoặc thậm chí là cả những dữ liệu về radar, máy bay, hồ sơ kiểm soát không lưu hay cả những lí thuyết cơ bản về địa lí địa cầu.

Ví dụ như một người phụ nữ quốc tịch Anh với nghề nghiệp chính là bói bài Tarot hiện đang đi lang thang khắp miền Nam châu Á cùng chồng mình. Cô này đã chia sẻ lên trên trang blog của mình dưới cái tên là Saucy Sailoress rằng vào đêm chiếc MH370 mất tích, họ đang ở trên bãi biển Andaman, khi ấy cô đã phát hiện ra một tên lửa hành trình giống như đang lao thẳng tới vị trí của cô. Nhưng rồi sau đó, quả tên lửa ấy lộ rõ thành một chiếc máy bay với buồng lái được chiếu sáng đầy đủ đang bao phủ trong sắc cam kì lạ và có khói bốc lên. Cô tạm thời kết luận rằng đó là một sứ mệnh đánh bom liều chết nào đó nhắm vào hạm đội ngoài biển của Trung Quốc. Nhưng vài ngày sau đó, khi đã nhận được thông tin về vụ MH370, cô đã nhìn ra được mối liên hệ. Câu chuyện cô kể trên đây là điều chẳng thể có thật, nhưng dù sao thì cũng đã có người tin cô.

Không chỉ vậy, một người Úc trong nhiều năm trời đã tuyên bố rằng mình đã tìm thấy chiếc MH370 bằng Google Earth ở vùng nước nông và còn nguyên vẹn. Anh này đã từ chối cung cấp vị trí chính xác bởi anh ta đang thực hiện gây quỹ cho một cuộc thám hiểm. Trên Internet, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những tuyên bố kiểu như đã tìm thấy chiếc MH370 trong rừng rậm Campuchia, hay trên một con sông ở Indonesia, hay là giả thiết về việc nó rơi vào một nứt gãy thời gian hoặc một lỗ đen nào đó. Thậm chí còn có thông tin cho rằng nó chiếc máy bay đã được sử dụng để thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia nhưng không thành công do đã bị bắn hạ trước đó. Gần đây trên mạng lại rộ lên thông tin phi công trưởng Zaharie đã được phát hiện là còn sống và hiện đang nằm trong một bệnh viện ở Đài Loan với chứng mất trí nhớ. Chính phủ Malaysia đã tức giận và ngay lập tức phủ định thông tin trên. Đây là thông tin được đăng tải trên một trang web châm biếm thô bạo. Trước đó trang này còn đăng tải về việc một du khách Mỹ và hai người Sherpa khác đã bị tấn công tình dục bởi một sinh vật có hình dạng giống yeti ở Nepal.

Một cây viết ở New York tên là Jeff Wise đã đưa ra giả thiết rằng một trong những hệ thống máy móc trên máy bay đã được lập trình lại để cung cấp dữ liệu sai lệch, MH370 không hề hướng xuống phía Nam mà thực chất nó đã bay lên về phía Bắc, hướng về Kazakhstan nhằm đánh lạc hướng công tác điều tra. Wise gọi đây là kế "dương Đông kích Tây" và tập chung nghiên cứu xoay quanh viễn cảnh này, thậm chí mới đây anh còn phát hành một ebook để mô tả về giả thuyết của mình. Wise tin rằng người Nga đã đánh cắp chiếc máy bay để khiến cả thế giới phân tâm khỏi hoạt động thôn tính Crimea đang được âm thầm tiến hành. Song một điểm yếu trong những lập luận của Jeff Wise là nếu chiếc máy bay đã bay tới Kazakhstan thì tại sao người ta lại tìm thấy những mảnh vỡ của nó ở vùng biển Ấn Độ Dương. Đây là câu hỏi mà Wise chưa bao giờ trả lời được.

Khi bắt đầu thực hiện những tìm kiếm của mình, Blaine Gibson là một người ít tiếp xúc với mạng xã hội, và nó chính là thứ khiến ông phải bất ngờ. Ông kể rằng, khi mình tìm thấy mảnh vỡ đầu tiên, đã có một làn sóng tiêu cực nổi lên, chúng dần dần nhân rộng thêm, đặc biệt là khi ông hướng mục tiêu tìm kiếm của mình sang những bãi biển ở Madagascar. Những người này bị kích động bởi những sự kiện gì chẳng đáng chú ý. Mỗi cá nhân họ như một cái vòi tuôn ra những thứ độc hại. Có người cho rằng Gibson đang cố gắng lợi dụng gia đình các nạn nhân, gán cho ông đủ thứ danh hiệu nào là một kẻ lừa đảo, một con chó săn, một kẻ nghiện ma túy, một đặc vụ Nga, Mỹ, một kẻ bịp bợm. Không chỉ dừng lại ở những lời bàn tán, ông còn nhận được nhiều lời đe dọa trên mạng xã hội, bạn bè của ông cũng nhận được không ít những cuộc gọi làm phiền.

Có tin nhắn yêu cầu ông ngay lập tức dừng việc tìm kiếm những mảnh vỡ, nếu không thì ông sẽ phải rời Madagascar trong một chiếc quan tài. Có người còn đe dọa rằng ông sẽ phải chết vì nhiễm độc poloni. Còn rất nhiều những nội dung đe dọa khác nhắm vào người đàn ông này. Thực sự Gibson chưa hề chuẩn bị cho những gì ông đang phải chịu đựng và hoàn không biết làm thế nào để bỏ ngoài tai những lời lẽ ấy. Trong quãng thời gian tôi ở gần Gibson tại Kuala Lumpur, ông ấy đã theo sát một cuộc công kích trên mạng nhờ vào sự hỗ trợ của một người bạn ở London. Ông ấy kể: "Có lần tôi đã chia sẻ những gì mình làm trên Twitter, đó là một sai lầm. Cơ bản mà nói thì những người này chẳng khác gì những kẻ khủng bố trong thế giới ảo. Và tôi phải công nhận rằng họ đã thành công". Gibson đã bị tổn thương bởi những lời lẽ khó nghe ấy.

Từ 2017, Gibson đã hoàn thiện một cơ chế chính thức trong việc chuyển giao các mảnh vỡ ông tìm được, những mảnh vỡ này sẽ được ông mang tới cho chính quyền Madagascar, sau đó chúng sẽ được chuyển cho lãnh sự Malaysia và được đóng gói để gửi về Kuala Lumpur cho mục đích kiểm tra và lưu trữ. Vào ngày 24/8 cùng năm, một lãnh sự danh dự đã bị bắn khi đang ngồi trong xe bởi một sát thủ, tên này sau đó đã trốn thoát thành công bằng xe máy. Tuy nhiên, một nguồn tin tiếng Pháp đã cáo buộc rằng vị lãnh sự này có quá khứ mờ ám, và việc người này bị ám sát không hề liên quan gì tới vụ MH370. Nhưng Gibson không tin vào kết luận của trang tin trên. Cho tới nay, một cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.

Malaysia MH370: Đi đâu, về đâu? (Phần II)

Hiện tại, Gibson cố hết sức trong không tiết lộ địa điểm hoặc kế hoạch du lịch của bản thân, bởi vậy, ông cũng tránh sử dụng email và liên lạc qua điện thoại. Thay vào đó ông dùng Skype và WhatsApp vì tính năng mã hóa. Gibson còn có thói quen thay đổi thẻ SIM. Ông còn tin rằng đôi khi mình bị theo dõi và chụp chộm. Việc ông là người duy nhất có thể tìm ra những mảnh vỡ của chiếc MH370 là điều không thể tranh cãi, nhưng khó có thể tin rằng người ta sẽ giết ông chỉ vì những mảnh vỡ này. Và nếu đây là sự thật thì hẳn là chiếc MH370 phải đang ẩn giấu những manh mối về nhiều bí mật đen tối và những mưu đồ mang tầm cỡ quốc tế nào đó. Song những bằng chứng ở hiện tại thì lại không hướng chúng ta tới bất kì toan tính nào.

(còn tiếp)

Trung ND

Chủ đề khác