VnReview
Hà Nội

Tại sao đôi khi chúng ta cảm thấy buồn chẳng rõ vì lý do gì?

Những nỗi buồn không rõ vì lý do gì hóa ra lại xuất phát từ những lý do rất thực tế và nếu tìm được ra chúng, bạn sẽ biết cách hóa giải nỗi buồn và có được cảm xúc tích cực nhất.

Đã bao giờ bạn cảm thấy muốn ngồi xuống và khóc hàng giờ mà không có lý do nào không? Đây có thể là tình huống khi bạn cảm thấy buồn mà không rõ lý do cụ thể hoặc có quá nhiều lý do dẫn tới việc bạn buồn mà không hề hay biết.

Theo Scienceabc, điểm mấu chốt là nỗi buồn theo kiểu dạng này có thể khiến bạn bị nghiện. Chúng ta thường cảm thấy buồn vì chúng ta nghĩ bản thân xứng đáng bị như vậy và những điều chúng ta đang suy nghĩ không thể thay đổi được.

Liệu nỗi buồn theo kiểu dạng này có được mô tả bằng thuật ngữ khoa học không?

Cho đến nay chưa có một thuật ngữ nào được chấp nhận rộng rãi khi mô tả về cảm giác buồn bã mà không có lý do gì, mặc dù rất nhiều người, bất kể nhóm tuổi hay giới tính đều đã gặp phải.

Tuy nhiên có một thuật ngữ có thể tóm gọn nỗi buồn này trong một từ, đó là Hypophrenia. Thuật ngữ này được định nghĩa là một cảm giác buồn bã mơ hồ mà không có bất kỳ nguyên nhân nào. Vấn đề là định nghĩa khoa học của nó là một dạng tâm thần chậm phát triển mang tính tiêu cực.

Nếu chúng ta buồn mà không có lý do, liệu có một lý do ẩn đằng sau đó mà bạn không biết?

Chúng ta thường không nhận ra rằng, trong tâm tư mỗi người thường chất chứa những trải nghiệm, cảm xúc và gánh nặng trong quá khứ. Tất cả chúng đều được giấu kín trong tiềm thức và khi bị khơi gợi lại, chúng sẽ gây ra trạng thái đau buồn.

Bộ não của chúng ta lưu trữ rất nhiều thông tin và chúng ta không bao giờ biết khi nào một số kích thích thính giác hoặc thị giác sẽ khơi gợi các ký ức đó quay lại. Thậm chí ngay cả khi chúng xuất hiện trở lại, chúng ta không hề nhận thức được những ký ức đó mà đơn thuần chỉ cảm thấy sự nặng nề và một nỗi buồn miên man.

Sự đau buồn mạnh tới mức nó có thể dễ dàng làm bạn mất tập trung và không còn nhớ các hoạt động mình đã làm. Nó có thể khiến bạn suy nghĩ quá mức, trở nên buồn bã, lười biếng hoặc thậm chí suy sụp và bật khóc. Điều oái oăm là trong tâm tưởng, bạn không hề nhận ra nỗi buồn đó đến từ đâu nên càng cảm thấy mệt mỏi và tâm trạng rã rời hơn.

Những ký ức, nỗi buồn nào có thể kích hoạt nỗi buồn không có lý do?

Có rất nhiều kiểu nỗi buồn và mỗi người lai một khác. Mọi người thường cố gắng kết nối nỗi buồn tới một người và tìm hạnh phúc ở một người khác. Họ trở nên phụ thuộc vào một cá nhân đến nỗi quên rằng, họ còn sống cho cuộc đời của riêng họ. Sự phụ thuộc này là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra sự thất vọng và buồn bã.

Niềm tin phải mất nhiều năm để xây dựng nhưng chỉ cần mất vài giây để phá vỡ. Khi lòng tin bị mất và người làm mất nó lại là môt người bạn rất thân hoặc bạn gái/bạn trai, điều đó khiến bạn trở nên rất khó tin tưởng ai đó thêm một lần nữa. Đôi khi nỗi buồn vì sự thiếu tin tưởng mọi người cũng có thể gặm nhấm chúng ta.

Bên cạnh đó, nỗi buồn có thể xuất phát từ việc chúng ta cảm thấy hối tiếc vì một cái gì đó. Chúng ta có thể tiếc vì đã không thấy được ý định của một ai đó từ đầu hay hối hận vì những gì chúng ta đã làm, đã gây ra cho người khác. Chúng ta thậm chí cho rằng, bản thân xứng đáng phải chịu nỗi buồn vô tận như vậy. Sau đó, bạn có xu hướng thu mình lại trong sự cô đơn, dần xa lánh mọi người.

Tới giai đoạn này, bạn sẽ luôn tránh xa mọi người, rời bỏ mạng xã hội, nằm trên giường trong nhiều ngày.; Có một cảm giác trống rỗng trong đầu bạn. Bạn nghĩ rằng, cho dù có mở lòng đến mấy, bạn vẫn luôn cảm thấy cô đơn nên phải tự thu mình lại và cách ly với mọi người. Bạn có thể trải qua cảm giác không ai cần bạn, quan tâm đến sự tồn tại của bạn và rồi họ cũng sẽ rời bạn mà đi.

Nếu bạn là một người nhạy cảm, luôn lo lắng về những gì người khác nói với bạn hoặc cho rằng, tất cả mọi người đều hoàn hảo và họ chẳng cần sự hiện diện của bạn trên cõi đời này. Nếu như vậy thì bạn chẳng cần phải buồn vì điều đó.

Còn nếu bạn là một người chuyên mang lời khuyên cho tất cả mọi người, bạn là người biết cách đồng cảm vì đã đặt bản thân vào tâm trạng, cảm xúc của họ. Bạn luôn nghĩ về nỗi đau và những gì mà người đó đã trải qua. Nhưng với những vấn đề của riêng bản thân, bạn luôn có xu hướng che giấu cảm xúc và không bao giờ quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình.

Bạn luôn cảm thấy nỗi buồn này và giữ tất cả cho riêng mình mà không chia sẻ với bất cứ ai. Đơn giản bởi bộ não bảo bạn rằng, bạn sẽ làm phiền người khác về những vấn đề của riêng bạn.

Có những lý do khác gây ra nỗi buồn như vậy, bao gồm những trải nghiệm đau thương, nhiều trong số đó bắt nguồn từ thời thơ ấu và nó sẽ tiếp tục dày vò bạn mỗi khi bạn suy nghĩ linh tinh về quá khứ.

Một sự kiện đau buồn trong quá khứ, ví dụ việc mất một người thân sẽ khiến nỗi buồn đó của bạn không bao giờ nguôi ngoai được và luôn giấu kín trong tiềm thức.

Nỗi đau buồn mà bạn đang trải qua có thể là những ký ức mà bạn đã chất chứa trong lòng từ rất lâu hoặc có thể do bạn đang mặc cảm về một điều gì đó. Khi bạn nhận ra rằng, bạn bạn đã làm một điều gì đó thật khủng khiếp và không thể thay đổi được nữa, bạn có bao giờ cảm thấy tức giận với chính mình hay không? Nó có khiến bạn luôn tự trách bản thân không?

Sự đau buồn cũng phụ thuộc vào nhận thức. Một cuộc chia tay có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng và cảm giác buồn của một người. Trong khi những người khác có thể vượt qua thành công, còn bạn thì mãi bị những cảm xúc đó đè nén.

Các yếu tố xã hội khác như cha mẹ, đồng nghiệp và thậm chí cả xã hội rộng lớn có thể chi phối, đặt ra những hạn chế, ràng buộc khiến bạn cảm thấy bất lực, buồn bã vì không thể làm chủ được chính mình.

Thậm chí ngay cả khi bạn gặp một người nào đó bi quan, đau buồn, họ cũng có thể lây truyền cảm xúc tiêu cực sang bạn. Chính vì vậy hãy tránh xa những người như vậy hoặc ít nhất không để cảm xúc của bản thân bị ảnh hưởng theo.

Giới tính và tuổi tác ảnh hưởng đến nỗi buồn như thế nào?

Khá thú vị khi nỗi buồn còn có thể do những thay đổi nội tiết tố gây nên. Đặc biệt ở phụ nữ khi họ trải qua chu kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh, tâm tính họ luôn thay đổi rất bất thường. Những thay đổi trong tâm trạng khiến họ luôn cảm thấy buồn. Khi điều này trở nên nghiêm trọng hơn, nó sẽ dẫn đến triệu chứng trầm cảm.

Đàn ông thường có nhiều nỗi buồn nhưng họ hiếm khi để lộ trước mọi người. Và nó có thể là nguyên nhân làm kích hoạt các chất như dopamine và serotonin khiến bạn càng dễ rơi vào trạng thái đau buồn một cách vô thức hơn.

Tuổi tác cũng là một yếu tố dẫn tới những nỗi buồn không rõ lý do. Ví dụ ở tuổi thiếu niên và tuổi già, chúng ta thường dễ trầm cảm hơn. Chỉ cần thiếu đi một sự quan tâm và chăm sóc đủ tốt, những người thuộc nhóm tuổi này sẽ dễ cảm thấy cô đơn và buồn bã hơn.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc an thần hoặc rượu, bia cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới những nỗi buồn của bản thân.

Kết luận

Sau khi xác định những lý do khác nhau dẫn tới nỗi buồn, chúng ta có thể đi tới kết luận rằng, đôi lúc chúng ta cảm thấy buồn mà không rõ lý do, nó có nguyên nhân do những ký ức và những điều mà bạn đã trả qua kích hoạt cảm giác buồn bã đó.

Cách để giải quyết điều này là hãy nói chuyện với một chuyên gia tâm lý hoặc tìm cách giải tỏa căng thẳng và cảm xúc của bản thân thông qua các hoạt động thể thao, xem một bộ phim tích cực hoặc chơi một loại nhạc cụ bất kỳ.

Bạn cũng có thể nói vấn đề của bản thân với một người khác để nhận được sự đồng cảm từ họ, từ đó nỗi buồn cũng sẽ vơi đi phần nào. Hơn hết biết cách chơi với những người bạn sống tích cực và vui vẻ. Điều này cũng có nghĩa, bạn nên tránh càng xa càng tốt những người bạn luôn ủ rũ và có thái độ chán đời.

Với những ký ức đau buồn trong quá khứ, đừng cố khơi gợi lại. Hãy cố gắng đánh lạc hướng bản thân rằng, mọi chuyện đã lùi vào quá khứ và không thể thay đổi được nữa. Những gì có thể thay đổi chỉ có thể là hiện tại và tương lai. Mọi thứ phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn dẫn dắt cuộc sống của chính mình. Cố gắng duy trì những cảm xúc tích cực và học cách chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân để phấn đấu cải thiện nó tốt hơn.

Cuộc sống luôn là một chuỗi dài thử thách và bạn chắc chắn sẽ không muốn đối mặt với sự mất mát và thất bại. Nhưng nếu buộc phải đối diện, hãy mạnh mẽ nhất có thể để vượt qua nó và không để những nỗi buồn cứ mãi gặm nhấm tâm hồn ngày qua ngày.

Mai Huyền

Chủ đề khác