VnReview
Hà Nội

Liên Hợp Quốc: Nạn đói đang gia tăng và biến đổi khí hậu, bất công xã hội là nguyên nhân chính

Tổ chức Liên Hợp Quốc vừa phát đi cảnh báo về tình trạng nghèo đói nghiêm trọng đang xảy ra trên hành tinh và một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chính là do biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Liên Hợp Quốc cảnh báo, thế giới đang cho thấy một sự phân chia rất nguy hiểm. Trong khi một bộ phận dân nghèo tại các quốc gia đang phát triển không có thức ăn và phải chịu tác động của biến đổi khí hậu thì người dân tại các nước phát triển lại đang béo phì và chẳng phải chịu tác động gì đáng kể.

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, có khoảng 2 tỷ người đang chết đói vì không có thực phẩm để ăn, đồng thời các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán, sóng nhiệt, mưa lớn đang khiến vấn đề an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn.

Nhưng điều đáng nói là báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra, tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh. Điều này cho thấy hệ thống phân chia thực phẩm của các quốc gia đang gặp quá nhiều vấn đề. Có những người thì thừa thức ăn nhưng có những người lại chẳng có gì để ăn.

Đa số người nghèo đói đều sống ở các nước đang phát triển và xu hướng nghèo đói ngày càng tồi tệ hơn khi phải chịu thêm tác động của biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt dẫn tới giá lương thực tăng, ảnh hưởng đến bữa ăn hàng ngày của mọi người dân.

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia cần chung tay hành động để cải thiện hiệu suất của ngành nông nghiệp nhằm tạo sự công bằng về phân chia thực phẩm cho mọi người và chuẩn bị sẵn các phương án để chống chọi nếu hành tinh ngày càng nóng hơn.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, đơn vị chuyên đưa ra các báo cáo thường niên về thực trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới cho biết, sau nhiều thập kỷ suy giảm, nạn đói đang bùng phát trở lại mạnh hơn vào năm 2015. Cho đến nay tỷ lệ đói vẫn duy trì ở mức 11%.

Theo Gizmodo, nơi chịu tác động tồi tệ nhất là Châu Phi với 20% dân số bị suy dinh dưỡng. Nhưng trên đây mới chỉ nói lên một phần câu chuyện. Báo cáo cho thấy, suy thoái kinh tế là một phần nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng ở các nước thu nhập trung bình, đặc biệt là những nước lấy ngành nông nghiệp làm chủ đạo.

Trong khi đó, những cú sốc về khí hậu và xung đột tôn giáo, văn hóa cũng dẫn tới khủng hoảng lương thực ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Những quốc gia bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu và mất an toàn an ninh lương thực do xung đột trong năm 2018 có thể kể đến Xu-Đăng, Nigeria và Syria.

Khí hậu thay đổi và nền kinh tế kiệt quệ cũng đang khiến người dân tại Mozambique và một số quốc gia Trung Mỹ gặp khốn đốn về lương thực.

Khi gần một nửa thế giới còn đang đói nghèo và thiếu ăn thì tỷ lệ người béo phì ở nhiều nước lại ngày càng tăng

Đáng buồn thay, tỷ lệ người dân béo phì trên toàn thế giới lại đang gia tăng. Đây cũng chính là vật cản đáng lo ngại nhất khi tiêu tốn tới 2 ngàn tỷ USD cho hệ thống chăm sóc sức khỏe trên thế giới. Tuy nhiên ở các quốc gia giàu có, "dịch bệnh" béo phì lại tấn công những người nghèo khổ do họ thường mua các thực phẩm ăn nhanh và rẻ tiền, chứa nhiều dầu mỡ.

Bức ảnh cho thấy tỷ lệ tương phản giữa người nghèo đói và người béo phì ngày càng lớn

Rõ ràng đang có một sự phân phối thực phẩm không công bằng giữa người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Để giúp cân bằng trở lại, tổ chức EAT Lancet Commission kêu gọi mọi người dân nên thay đổi chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh và tiết kiệm hơn. Đồng thời nguồn thực phẩm cũng nên được san sẻ cho các quốc gia nghèo khó.

Tất nhiên sự thay đổi đó là chưa đủ khi nông nghiệp vẫn đang gặp thách thức lớn do biến đổi khí hậu. Nhưng nếu chính phủ các nước có các giải pháp thiết thực, bằng việc tích cực trồng thêm cây xanh, tăng mật độ che phủ rừng và canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững, đây cũng sẽ là ngành giúp cô lập CO2 khỏi bầu khí quyển và bảo vệ sự sống cho loài người.

Tiến Thanh

Chủ đề khác