VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu: Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiều loài động vật không thích ứng kịp

Đến cả con người còn đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với hiện tượng Trái Đất nóng lên, do đó rất khó để các loài động vật nhạy cảm với môi trường sống có thể tồn tại nếu hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Biến đổi khí hậu đã và đang thay đổi quy luật vận hành của cả hành tinh này. Khi đại dương và các cánh rừng bị phá hủy, hệ sinh thái cũng vì thế mà bị tác động nghiêm trọng. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có khoảng 1 triệu loài trong số 8 triệu loài đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới.

Tuy nhiên vẫn có những hy vọng cho các loài sinh vật. Một số loài sẽ thay đổi tập quán sinh sản, lối sống để thích nghi với môi trường và tình trạng nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Một số loài thậm chí có thể tiến hóa để đối phó với khí hậu thay đổi bằng cách thu nhỏ kích thước.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học hiện chưa thể biết làm sao để các loài này có thể thích nghi được. Một bài báo mới nhất đăng tải trên tạp chí Nature Communications với sự tham gia của hơn 60 nhà nghiên cứu đã đem tới một thước đo rõ ràng hơn cho vấn đề này. Bằng cách sàng lọc hơn 10 ngàn tóm tắt khoa học và trích xuất dữ liệu từ 71 nghiên cứu về 17 loài ở 13 quốc gia, các nhà khoa học phát hiện thấy tình trạng hỗn loạn khí hậu do con người gây ra đang ngày càng dữ dội hơn. Một số loài dường như đang học cách thích nghi nhưng không đủ nhanh để theo kịp sự thay đổi. Trong khi đó, một số loài thì cam chịu.

Để xác định một loài có đang thích nghi với khí hậu thay đổi hay không, chúng ta thường nhìn vào hai điều, đó là hình thái học và hiện tượng học. Hình thái học đề cập đến những thay đổi về mặt sinh lý như xu hướng thu nhỏ kích thước kể trên. Hiện tượng học mặt khác lại liên quan đến thời gian của các sự kiện diễn ra trong cuộc sống như sinh sản và di cư. Phần lớn các nghiên cứu hiện có liên quan đến hiện tượng học.

Đối tượng trong nghiên cứu là loài chim vì chúng tương đối dễ quan sát. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành làm tổ cho chim và tạo không gian để những con chim trưởng thành có thể đẻ trứng và quan sát chu kỳ sinh sản của chúng. Từ đó, nhóm nghiên cứu có thể phát hiện tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài sinh vật như thế nào.

Loài chim đang phải học cách sinh sản và kiếm ăn sớm hơn do nhiệt độ toàn cầu gia tăng khiến mùa đông-xuân ấm hơn

Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, 17 loài chim mà họ theo dõi dường như đang thay đổi. Trưởng nhóm nghiên cứu, Viktoriia Radchuk thuộc Viện nghiên cứu động vật và động vật hoang dã Leibniz, Đức cho biết, các loài chim ở Bắc bán cầu đang phản ứng thích nghi ở mức trung bình, mặc dù những phản ứng thích nghi này không đủ để quần thể chim có thể tồn tại lâu dài.

Nói cách khác, những con chim đơn giản có thể thích nghi với môi trường nhưng rất khó để chúng bắt kịp nếu những thay đổi diễn ra quá nhanh. Chúng thường sẽ đẻ trứng và ấp nở sớm hơn vào cuối mùa xuân khi nhiệt độ bắt đầu tăng lên nhanh. Nhưng sự thay đổi đó là chưa đủ.

Radchuk khẳng định: "Chúng tôi đã chứng minh rằng, nhiệt độ ở các vùng ôn đới tăng cao có liên quan đến sự dịch chuyển sớm hơn của các sự kiện sinh học".

Sự sống trên Trái Đất rất đa dạng và các loài buộc phải thích nghi để tồn tại. Nhiệt độ có thể tăng hoặc giảm, một loài có thể di chuyển đến một môi trường sống mới và tiến hóa để trở nên khác biệt hơn theo thời gian. Tuy nhiên những gì mà con người đã gây ra cho hành tinh này là không thể kể hết được.

Radchuk cho biết, thế giới đang phải trải qua sự thay đổi nhiệt độ nhanh hơn gấp 1 ngàn lần chúng ta từng thấy trong thời kỳ đồ đá. Tuy nhiên, có một giới hạn đối với khả năng thích nghi và độ trễ cũng vì thế ngày càng lớn. Điều đó đồng nghĩa rằng, sự thích nghi của muôn loài sẽ khó có thể theo kịp nếu những thay đổi không xảy ra chậm lại.

Mark Reynolds, nhà khoa học dẫn dầu chương trình bảo tồn chim di cư của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (Nature Conservancy) cho biết: "Tôi nghĩ kết quả của bài báo này thực sự đã cảnh báo chúng ta về thái độ hành xử với Trái Đất. Chúng ta không nên hy vọng rằng các loài có thể thích ứng kịp với biến đổi khí hậu và chúng ta chẳng cần phải làm gì".

Loài gấu Bắc Cực đang không còn nơi để sinh sống và kiếm ăn do băng ở hai cực đang tan nhanh chóng mặt

Trái Đất sở hữu một hệ sinh thái phức tạp và các loài đều phải sống và săn mồi để tồn tại. Hệ sinh thái ấy tuy đa dạng nhưng luôn có mối liên kết lẫn nhau. Do đó chỉ cần một mắt xích rất nhỏ trong đó bị tuyệt chủng, cả một hệ sinh thái phong phú sẽ bị sụp đổ ngay lập tức.

Sự đa dạng của hệ sinh thái cũng khiến các nghiên cứu đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu với môi trường ngày càng khó khăn hơn do môi trường đang thay đổi quá nhanh.

Peter Roopnarine, người phụ trách địa chất và cổ sinh vật học tại Viện hàn lâm Khoa học California, Mỹ chia sẻ: "Hệ sinh thái không giống như mạng Internet, càng không giống như mạng lưới điện. Nó là những hệ thống có cấu trúc và cấu hình cụ thể. Nhưng đáng tiếc chúng ta lại không có nhiều tài liệu và hiểu biết về nó".

Nếu côn trùng bắt đầu sinh sản sớm hơn trong năm do nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng cao, chim sẽ phải thay đổi chu kỳ sinh sản của chúng và những con chim săn mồi cũng phải thay đổi lối sống theo.

Theo nhóm nghiên cứu, các loài có xu hướng sinh sản nhanh hơn có khả năng thích nghi tốt hơn. Đó là lý do tại sao vi khuẩn có thể nhanh chóng tiến hóa để chống lại thuốc kháng sinh. Vi khuẩn sinh sôi nảy nở với tốc độ rất nhanh và nếu một con vi khuẩn may mắn sở hữu gen di truyền có thể kháng thuốc kháng sinh, chúng sẽ tiếp tục tạo ra các thế hệ vi khuẩn kháng thuốc khác trong tương lai. Nhưng với những loài có chu kỳ sinh sản kéo dài hơn, nguy cơ tuyệt chủng sẽ rất cao.

Điều khó hiểu trong nghiên cứu này là so với các loài động vật khác, loài chim tương đối dễ thích nghi với các điều kiện môi trường sống khác nhau, ví dụ như thay đổi thời gian di cư. Nhưng với những loài vật ít di chuyển như ếch, điều đó xảy ra chậm hơn rất nhiều.

Tiến Thanh

Chủ đề khác