VnReview
Hà Nội

Băng ở Greenland đang tan chảy với tốc độ không tưởng, đe dọa xóa sổ nhiều thành phố ven biển

Sóng nhiệt trong tháng 7 tại Châu Âu đang khiến tốc độ tan băng của Greenland ở mức đáng báo động, thậm chí tốc độ tan băng này từng được dự đoán chỉ có thể xảy ra sau 50 năm nữa.

Vào tuần cuối cùng của tháng 7, tình trạng tan băng ở Greenland đã chạm tới ngưỡng mà các mô hình khí hậu dự đoán sẽ chỉ có thể xảy ra vào năm 2070 và với kịch bản bi quan nhất. Hôm 1/8, Greenland đã mất đi 12,5 tỷ tấn băng, nhiều hơn bất kỳ số liệu nào đã từng được ghi nhận kể từ năm 1950.

Theo tờ Washington Post, tình trạng tan băng ở Greenland đang dần chạm tới ngưỡng rất nguy hiểm và khó có thể đảo ngược. Nếu băng ở Greenland tan hết, mực nước biển sẽ dâng cao và nuốt chửng nhiều thành phố ven biển trên toàn cầu, điều mà các nhà khoa học đã lo ngại từ lâu.

55 tỷ tấn nước chỉ trong vòng 5 ngày

Mùa tan băng ở Bắc Cực bắt đầu vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 8 và cao điểm tan chảy vào tháng 7. Tuy nhiên tình trạng mất băng năm nay là đáng báo động. Từ ngày 30/7 đến 3/8, tình trạng tan băng đã xảy ra trên 90% bề mặt Greenland, qua đó làm thất thoát 55 tỷ tấn nước chỉ trong vòng 5 ngày. Con số này đủ để bao phủ khắp tiểu bang Florida với độ cao 12,7cm.

Tình trạng tan chảy băng ở Greenland đã được ghi nhận kể từ năm 2012 khi gần như toàn bộ dải băng của Greenland bị tan chảy. Năm nay tốc độ tan băng chậm hơn so với năm 2012 nhưng lại sớm hơn 3 tuần so với trung bình mọi năm.

Tan băng xảy ra đúng trong tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Cùng lúc đó, một đợt sóng nhiệt đã tấn công dữ dội các nước Châu Âu và lan sang cả Greenland. Đó là nguyên nhân khiến băng bắt đầu tan chảy và tạo thành các hồ băng lớn và màu tối của các hồ băng khiến nó hấp thụ ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn và làm tan chảy sông băng xung quanh.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nước tan chảy trên bề mặt băng ở phía Tây bắc Greenland. Ảnh chụp vào ngày 30/7

Tình trạng tan băng trên mức trung bình còn xảy ra ở Thụy Sỹ khi các sông băng ở đây đã mất 800 triệu tấn băng trong các đợt nắng nóng tháng 6 và tháng 7. Bán đảo Alaska của Mỹ cũng ghi nhận tình trạng tan băng trong tháng 7.

Băng tan làm lộ ra lớp băng vĩnh cửu, qua đó càng làm giải phóng khí nhà kính mạnh mẽ hơn. Đây rõ ràng là kịch bản mà các nhà khoa học không hề mong muốn. Khí nhà kính thoát ra từ băng sẽ tiếp tục làm Trái Đất nóng lên và tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Theo mô hình khí hậu mô phỏng của nhà nghiên cứu khí hậu Xavier Fettweis tại Đại học Liège, Bỉ, đợt tan băng vừa qua có thể là một sự bất thường đối với Greenland nhưng nó có thể là điều bình thường vào năm 2070 nếu con người không nỗ lực kiềm chế khí thải nhà kính.

Ruth Mottram, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Đan Mạch cho rằng, giai đoạn từ giữa đến cuối thế kỷ sẽ là lúc con người thấy mức độ tan băng đều đặn như vừa qua chứ không còn xảy ra bất thường nữa.

Băng ở Greenland sẽ làm mực nước biển dâng cao và xóa sổ nhiều vùng đất

Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 4/2019, băng tan ở Greenland sẽ làm mực nước biển tăng thêm 1,27cm. Với tốc độ này, toàn bộ dải băng ở Greenland có thể tan chảy hết trong vòng 1 ngàn năm và khiến mực nước biển dâng cao tới 7 mét. Tuy nhiên Mottram không dám chắc về khoảng thời gian dự kiến đó.

Băng tan chảy trong đợt nắng nóng vừa qua ở Kangerlussuaq, Greenland. Ảnh chụp hôm 1/8

Điều các nhà khoa học quan tâm là giữa mốc nhiệt độ trung bình toàn cầu 1,5 độ C và 2 độ C, khi nào thì nhiệt độ sẽ dẫn tới tình trạng tan băng không thể cứu vãn. Mặc dù vậy cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được mốc nhiệt độ đó là bao nhiêu.

Một nghiên cứu gần đây tin rằng, băng ở Greenland đang tiệm cận rất gần điểm giới hạn đó. Thông thường băng sẽ tan chảy vào mùa hè và rồi hình thành vào mùa đông. Nhưng thực tế đang cho thấy, băng đang mất đi quá nhiều vào mùa hè và khi mùa đông đến, quá trình tan băng chỉ đơn giản là tạm hoãn lại chứ không đủ giúp bù đắp lại lượng băng đã mất.

Bắc Cực rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu

Bắc Cực đang nóng lên gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Ở đầu kia của địa cầu, Nam Cực cũng đang ghi nhận tình trạng gia tăng nhiệt độ. Châu lục này đã mất tới 252 tỷ tấn băng mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Mặc dù vậy con số này vẫn thấp hơn 286 tỷ tấn băng mà Greenland mất đi mỗi năm.

Ảnh thực tế nước tan chảy từ các dòng sông băng ở Greenland. Ảnh chụp hôm 1/8

Theo Trung tâm băng tuyết quốc gia Mỹ, Greenland và Nam Cực hiện lưu giữ 99% khối lượng nước ngọt của thế giới dưới dạng các núi băng. Nếu cả hai nơi này đều tan chảy, tiểu bang Florida của Mỹ có khả năng sẽ biến mất vĩnh viễn dưới lòng biển. Thậm chí cả các thành phố như Amsterdam (Hà Lan); Stockholm (Thụy Điển); Buenos Aires (Argentina); Dakar (Senegal) và Cancun (Mexico) sẽ biến mất vĩnh viễn.

Chính vì những kịch bản khốc liệt đó đang gần ngay trước mắt lên chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ hoặc không sẽ chẳng còn gì cho thế hệ tương lai bảo tồn.

Tiến Thanh

Chủ đề khác