VnReview
Hà Nội

Kiến thức đã có sẵn trong mỗi con người khi chúng ta ra đời hay được hình thành qua kinh nghiệm?

Kiến thức đã có sẵn trong mỗi con người khi chúng ta ra đời hay được hình thành;qua kinh nghiệm? Đây là một câu hỏi lớn về nguồn gốc kiến thức mà khoa học còn đang tranh cãi. Một trong những người đầu tiên tranh luận về vấn đề này là Socrates, triết gia vĩ đại đã khai sinh ra nền triết học phương Tây.

Hãy học cách nói "tôi không biết" nếu bạn muốn trở nên thông minh hơn

Google phát hành ứng dụng Socratic, giúp học sinh, sinh viên giải bài tập, ôn thi

Theo Socratic Method, những tài liệu lịch sử chi tiết và quan trọng nhất về Socrates là các cuộc đối thoại của Socrates được viết lại bởi Plato, học trò xuất sắc nhất của ông.

Một trong những cuộc đối thoại nổi tiếng nhất của Socrates là một đối thoại nằm ở phần giữa Meno, một tác phẩm của Plato ra đời năm 380 trước công nguyên. Đứng trước yêu cầu của nhân vật Meno cần Socrates chứng minh cho luận điểm "mọi sự học là sự hồi tưởng" mà Socrates ủng hộ mạnh mẽ, Socrates bảo Meno cho gọi một cậu bé nô lệ. Sau khi thấy rằng cậu chưa từng học toán, ông ra cho cậu một bài toán hình học.

(Ảnh: Slide Player)

Socrates hỏi cậu bé nô lệ làm cách nào để có hình vuông với diện tích gấp đôi hình vuông ban đầu có chiều dài cạnh bằng 2 (diện tích 4). Hai câu trả lời đầu tiên khá tự tin của cậu bé là bằng cách gấp đôi và gấp rưỡi chiều dài các cạnh đều bị Socrates bác bỏ: gấp đôi chiều dài cạnh sẽ tạo ra một hình vuông mới 4x4 lớn hơn hình cũ bốn lần (diện tích 16), còn gấp rưỡi thì hình gốc sẽ thành một hình vuông 3x3 (diện tích 9). Khi cậu bé từ bỏ và tuyên bố thua cuộc, Socrates hướng dẫn cậu bằng những câu hỏi đơn giản từng-bước-một để tìm ra câu trả lời đúng là: dùng đường chéo của hình vuông gốc làm cơ sở cho hình vuông mới.

Kiến thức mới từ đâu đến?

Socrates cho rằng, khả năng đi tới chân lý và nhận ra chân lý của cậu bé nô lệ đã chứng minh rằng cậu đã có kiến thức bên trong mình, các câu hỏi của ông chỉ đơn thuần "khơi gợi nó", giúp cậu hồi tưởng (recollection) dễ dàng hơn. Theo ông, bởi vì cậu bé không tiếp thu kiến thức đó trong đời này, cậu phải học được nó vào lúc nào đó trước đây. Trên thực tế, ông cho rằng cậu ta luôn luôn biết điều đó, và ý này chỉ ra rằng linh hồn là bất tử. Ngoài ra, điều được chứng minh về hình học cũng đúng với mọi nhánh kiến thức khác: bằng một cách nào đó, linh hồn đã sở hữu chân lý về tất cả mọi thứ.

Một số suy diễn của Socrates rõ ràng là những suy nghĩ thái quá. Vì sao chúng ta phải tin rằng khả năng lập luận toán bẩm sinh lại cho thấy linh hồn là bất tử? Vì sao chúng ta phải tin rằng chúng ta đã sở hữu bên trong mình tri thức kinh nghiệm về những thứ như thuyết tiến hóa, lịch sử Hy Lạp? Trong thực tế, chính bản thân Socrates cũng thừa nhận ông không thể chắc chắn về một số kết luận của mình. Tuy nhiên, dễ nhận ra là, Socrates tin rằng ví dụ về người nô lệ đã chứng minh được một cái gì đó. Có đúng vậy không, và nếu đúng thì đó là gì?

Theo một quan điểm, đoạn đối thoại với cậu bé nô lệ chứng minh rằng chúng ta có những ý tưởng bẩm sinh, theo nghĩa đen là loại kiến thức được sinh ra cùng với chúng ta. Đây là một trong những học thuyết gây tranh cãi nhất trong lịch sử triết học. Nhà toán học và triết gia Pháp Réne Descartes nổi tiếng với câu nói "Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại", người chịu ảnh hưởng rõ rệt của Plato, ủng hộ quan điểm này. Descartes lập luận bằng một ví dụ là: Thượng Đế (God) in dấu ý tưởng của chính mình trên mỗi tâm trí mà ông tạo ra. Bởi vì mọi con người đều sở hữu ý tưởng này, đức tin vào Thượng Đế có sẵn với tất cả chúng ta. Và bởi vì ý tưởng về Thượng Đế là ý tưởng về một sự tồn tại hoàn hảo vô hạn, có thể có những tri thức khác dựa trên những khái niệm về sự vô hạn và hoàn hảo, những khái niệm mà chúng ta có thể không bao giờ đạt được bằng trải nghiệm.

Học thuyết về những ý tưởng bẩm sinh liên quan chặt chẽ tới triết lý cấp tiến của những nhà tư tưởng như Descartes và Leibniz (1646-1716), một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất ở châu Âu thế kỷ 17, 18 và được xem là thiên tài "phổ quát cuối cùng". Quan điểm này lại bị bác bỏ bởi John Locke, người đầu tiên trong những nhà thực nghiệm lớn ở Anh. Tập một Bài luận của Locke về hiểu biết con người (Book One of Locke's Essay on Human Understanding) là một luận điểm nổi tiếng đi ngược lại toàn bộ học thuyết linh hồn. Theo Locke, khi sinh ra, tâm trí chúng ta là một chiếc đĩa trống, mọi thứ mà chúng ta biết đều nhờ học qua kinh nghiệm.

Từ thế kỷ 17, chủ nghĩa hoài nghi của các nhà thực nghiệm học về quan điểm bẩm sinh nói chung được ủng hộ nhiều hơn. Tuy vậy, trong thế kỷ 20, một phiên bản của học thuyết này đã được khởi xướng bởi Noam Chomsky, nhà ngôn ngữ học và triết gia nổi tiếng Mỹ được xem là cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại.

Theo đó, Chomsky ấn tượng với thành tích đáng chú ý của trẻ em khi học ngôn ngữ. Trong vòng ba năm, hầu hết trẻ đều thành thạo tiếng mẹ đẻ tới mức có thể sáng tạo ra vô số câu mới. Năng lực này đã vượt xa những gì chúng có thể học được thuần túy bằng việc lắng nghe những gì người khác nói: đầu ra vượt quá đầu vào. Chomsky cho rằng, kết quả trên là do năng lực học ngôn ngữ bẩm sinh, một loại năng lực liên quan tới việc trực nhận cấu trúc chìm mà mọi ngôn ngữ con người đều chia sẻ. Cấu trúc chìm này được Noam đặt tên là universal grammar (ngữ pháp phổ quát, ngữ pháp đại đồng) hay productivity grammar (ngữ pháp tạo sinh): với một tập hữu hạn các từ ngữ và một tập hữu hạn các quy tắc ngữ pháp, con người có thể tạo ra vô số câu, kể cả những câu mà họ chưa từng nói hoặc nghe thấy trước đó.

Những chân lý biết được qua suy luận

Dù quan điểm cụ thể về kiến thức bẩm sinh được trình bày trong Memo chỉ có vài người chấp nhận hôm nay, có một quan điểm khác mang tính khái quát cao hơn vẫn được phổ biến rộng rãi là quan điểm về priori - tiên nghiệm, là những thứ mà chúng ta biết trước khi trải nghiệm thực tế, những kiến thức được khám phá ra bằng lý lẽ trước khi nhận ra bằng kinh nghiệm. Đặc biệt, toán học là một ngành tiêu biểu về loại kiến thức tiên nghiệm này. Chúng ta không đi tới các định lý hình học hay số học bằng cách thực hiện nghiên cứu thực nghiệm mà chúng ta tìm ra loại chân lý này chỉ bằng cách lập luận. Socrates có thể chứng minh định lý của mình bằng cách dùng que vẽ ra sơ đồ trên cát nhưng chúng ta có thể hiểu ngay rằng định lý đó có tính phổ quát và đúng trong mọi tình huống. Nó áp dụng cho tất cả mọi hình vuông dù kích thước lớn cỡ nào, được làm bằng vật liệu gì, tồn tại khi nào hay ở đâu.

Một số ví dụ về tiên nghiệm (Ảnh: Paul Austin Murphy's) 

Trong ảnh trên là một số ví dụ về tiên nghiệm, những kiến thức chúng ta có thể biết nhờ suy luận chứ không qua trải nghiệm hay các giác quan:

- Nếu Socrates có nhiều rượu hơn Plato và Plato có nhiều rượu hơn Aristotle thì Socrates có nhiều rượu hơn Aristotle.

- Số năm (5) là một số nguyên tố.

- Anh em trai là những người con cùng cha/cùng mẹ là nam giới.

Nhiều độc giả phàn nàn rằng, thật ra cậu bé nô lệ không tự mình phát hiện được cách gấp đôi diện tích hình vuông. Socrates mới là người hướng dẫn cậu đi tới câu trả lời qua các câu hỏi dẫn dắt.

Điều này đúng. Cậu bé có thể sẽ không đi tới câu trả lời bằng chính sức mình. Nhưng sự phản bác này đã bỏ qua một luận điểm sâu hơn: cậu bé không đơn thuần học một công thức mà cậu lặp lại một cách thiếu hiểu biết. Khi cậu đồng ý rằng một giả thiết nhất định là đúng hay một suy luận là hợp lý, cậu làm điều đó vì đã tự mình nắm bắt được sự thật về vấn đề. Do đó, về nguyên tắc, cậu ấy có thể phát hiện ra định lý đang khiến cậu thắc mắc chỉ bằng cách tư duy thật chăm chỉ, và nhiều người khác nữa cũng có thể làm được như vậy.

Socrates và khoa học hiện đại 

Với sự hướng dẫn của Socrates, ngay cả một cậu bé nô lệ không biết gì về toán vẫn có thể phát hiện ra chân lý chỉ bằng cách tư duy thật chăm chỉ, như vậy tất cả chúng ta cũng có thể làm điều đó! Cách Socrates giúp cậu bé nô lệ giải bài toán trên là một minh họa về phương pháp đặt câu hỏi Socrates, một phương pháp dạy học tích cực ở phương Tây đã được nhiều quốc gia áp dụng từ lâu trong lịch sử để phát triển khả năng tư duy, tự mình khám phá kiến thức của người học. 

"Tôi không thể dạy ai đó bất kỳ điều gì. Tôi chỉ có thể làm cho họ suy nghĩ". Người thầy trong các đoạn đối thoại của Socrates phủ nhận, không  trình bày thẳng kiến thức của mình về một môn học nào đó mà dẫn đắt các học trò đi tới câu trả lời hoặc ý tưởng đúng. Những triết lý của Socrates từ cách đây hơn 2000 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đáng để chúng ta suy ngẫm về vai trò người thầy, người học trong học tập. 

Nhà hiền triết vĩ đại Socrates sống ở thế kỷ thứ 4 trước công nguyên (sinh năm 469/470, mất năm 399 trước công nguyên), thuộc về thời Hy Lạp cổ đại. Tuy được xem là một trong những người khai sinh ra nền triết học phương Tây nhưng người đời sau biết rất ít về ông trong vai trò một triết gia, một nhân vật lịch sử. Nguồn dẫn chứng tốt nhất về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại đến từ các nhà văn cổ điển sau ông như các học trò Plato, Xenophone, nhà viết kịch Aristophanes sống cùng thời với ông. Tác phẩm của những nhà văn trên cho thấy triết gia Hy Lạp cổ đã có những đóng góp quan trọng về triết học, tri thức học (epistermology) và logic học.

Đóng góp chính của Socrates cho triết học phương Tây là phương pháp đặt câu hỏi (inquiry-truy vấn, gợi mở) Socrate, còn gọi là phương pháp elenchus. Phương pháp Socrate là sự phân tích biện chứng một vấn đề thành một loạt câu hỏi để tìm kiếm câu trả lời chính. Phương pháp đặt câu hỏi Socrate là một trong những phương pháp phổ biến nhất được dùng để trả lời những vấn đề nền tảng của triết học và cũng là một công cụ trong nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, Socrates còn có đóng góp gián tiếp cho khoa học hiện đại ở chỗ ông là thầy của Plato, còn Plato là thầy của Archimedes. Trong lịch sử Plato và Archimedes đều là những triết gia vĩ đại, những nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã có công đặt nền tảng cho triết học phương Tây, bao gồm cả toán học, logic học và triết học tự nhiên-viên gạch nền móng của khoa học ngày nay.

Linh Trần theo Thoughtco

Chủ đề khác