VnReview
Hà Nội

Bí mật giúp con bạn nâng cao khả năng kiểm soát bản thân là cho trẻ thấy những tấm gương tự chủ tốt

Là bậc cha mẹ, ai cũng muốn con mình thành đạt. Một trong những yếu tố quyết định thành công của con cái là khả năng kiểm soát;bản thân trong cuộc sống. Liệu có thể tập cho con mình thành thạo sự tự chủ giống như học ngoại ngữ hay xu hướng opera mới? Hay đó là một trong nhiều năng khiếu bẩm sinh như thẩm mỹ thời trang, khiếu kể chuyện cười? Những nghiên cứu mới của các chuyên gia tâm lý đại học Colorado (Mỹ) sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về cách thức phát triển năng lực này ở trẻ.

Thí nghiệm kẹo dẻo và bài học "khổ trước sướng sau": Muốn chống lại cám dỗ, trước tiên hãy tôi luyện cho mình một ý chí vững vàng cái đã!

Quan điểm truyền thống về việc học sự tự chủ

Theo kết quả "thí nghiệm kẹo dẻo" nổi tiếng của nhà tâm lý học Walter Mischel, khả năng tự chủ tương đối ổn định và không dễ học.

Vào cuối những năm 1960 tại trường mẫu giáo Bing của đại học Stanford, một số trẻ mẫu giáo (khoảng 3-5 tuổi) được chọn tham gia một nghiên cứu. Các em được đưa vào phòng trống hoặc ngồi ở bàn với một trong hai sự lựa chọn: có ngay lập tức một viên kẹo dẻo marshmallow, hoặc có hai viên kẹo nếu chờ đến khi người thí nghiệm lấy thêm kẹo từ phòng khác.

Marshmallow là một loại kẹo làm từ đường, nước, gelatine có hình khối vuông, dẻo và mềm xốp như bông gòn. 

Có phải hầu hết trẻ sẽ xem điều đầu tiên là ngu ngốc và chọn chờ đợi để có hai viên kẹo?

Trong thí nghiệm thực tế, người ta để các trẻ ở lại một mình trong phòng lâu tới 15' hoặc tới khi chúng nếm viên kẹo. Thời gian các trẻ "chịu đựng" mà không thử phần thưởng quyến rũ trước mặt chúng có khác nhau. Các nghiên cứu sau này cho thấy chúng càng chờ lâu thì số phận tương lai của chúng càng tốt hơn về các mặt xã hội, cảm xúc, học vấn. Các thí nghiệm khác cũng cho ra những mẫu tương tự: Những người chứng tỏ được mình tự chủ tốt hơn trong thời thơ ấu đều giàu có hơn, khỏe mạnh hơn và tuân thủ luật tốt hơn khi trưởng thành.

Các trẻ cố gắng hết sức để không ăn kẹo trong khi chờ đợi

Chính nhà tâm lý Mischel cũng nhấn mạnh rằng, các trẻ thể hiện tính tự chủ tốt hơn đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau mà chúng ta có thể học được: làm cho mình xao nhãng bằng cách hát, tránh xa viên kẹo, tạo khoảng cách giữa bản thân với viên kẹo bằng cách tưởng tượng nó là một đám mây xốp không ăn được…

Theo một quan điểm bi quan hơn, các trẻ giỏi khả năng tự làm xao lãng chính mình có sự tự chủ tốt hơn ở điểm xuất phát, điều đó giúp chúng kích hoạt những suy nghĩ và hành vi tự xao lãng thay vì chăm chú vào phần thưởng ngọt ngào ngay trước chúng. Dù các trẻ có thể tập luyện để chờ đợi lâu hơn nếu chúng được dạy những loại chiến lược này (theo Mischel), không có bằng chứng cho thấy những can thiệp thực nghiệm đó sẽ thay đổi hành vi tự chủ vốn có tính tự phát của trẻ khi trẻ ra khỏi phòng thí nghiệm.

Thử nghiệm về tác động của nhóm

Theo tác giả Sabine Doebel trong một bài viết trên Conversation, sau thí nghiệm của Mischel, đã có một làn sóng các nghiên cứu mới hơn cho rằng, sự tự chủ là cái có thể học được khi các áp lực xã hội khuyến khích việc học này. Cụ thể, trong một nghiên cứu được công bố năm 2018 của Sabine và giáo sư Yuko Munakata, kết quả cho thấy trẻ sẽ có sự tự chủ nếu chúng nghĩ rằng những người mà chúng đồng nhất cũng làm vậy.

Khi bạn đồng nhất mình với người hoặc cái gì đó, bạn cảm thấy mình giống người/vật và bạn hiểu được người/vật đó hay hoàn cảnh của họ. Ví dụ, khi bạn đồng nhất mình với một nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết là khi bạn nghĩ mình cũng giống anh hùng và hiểu được anh hùng.

Theo Sabine, dù vô cùng hứng thú với việc cải thiện sự tự chủ, cho tới nay các nhà nghiên cứu chỉ có được thành công hạn chế trong việc tìm ra cách rèn luyện sự tự chủ. Phương pháp chung là nhắm vào các quá trình nhận thức được gọi là các chức năng điều hành hỗ trợ sự tự chủ.

Các nhà nghiên cứu đã cho trẻ thực hiện các hoạt động kích hoạt những quá trình này. Rèn luyện có thể đem lại một số cải thiện trong những nhiệm vụ tương tự nhau nhưng thông thường các nhà khoa học lại không thể đúc kết kinh nghiệm trong nhiệm vụ này để áp dụng cho những kết quả khác hay những nhiệm vụ chưa được rèn luyện. Đó là một vấn đề thật sự bởi vì mục tiêu then chốt trong rèn luyện sự tự chủ là để có thể chuyển giao các kỹ năng đã được nâng cao vào trong những tình huống thực tế.

Nhóm nghiên cứu của Sabine đặt vấn đề là các ảnh hưởng nhóm có thể là một yếu tố quan trọng. Chú trọng các quá trình xã hội như các chuẩn mực và giá trị nhóm có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến sự phát triển kỹ năng tự chủ. Và thế là nhóm đã thiết kế một nghiên cứu thử nghiệm ảnh hưởng của hành vi nhóm lên sự tự chủ của trẻ.

Trong thử nghiệm, các trẻ mẫu giáo Mỹ được phân nhóm một cách ngẫu nhiên, ví dụ nhóm xanh được các tác giả cho biết tên nhóm mình là "nhóm xanh" và mặc áo thun màu xanh lá cây. Sau đó, để trẻ tăng cường sự đồng nhất với nhóm của mình, các trẻ được cho biết nhóm của mình đã chờ lấy hai viên kẹo hay ăn ngay, và cũng biết là nhóm kia làm điều ngược lại.

Kết quả là, trong nhóm được cho biết các thành viên nhóm mình đã chờ đợi và nhóm kia không chờ (tạm gọi là nhóm 1) thì các trẻ sẽ chờ lâu hơn so với nhóm được cho biết điều ngược lại-nhóm mình không chờ, còn nhóm kia thì chờ (tạm gọi là nhóm 2). Các trẻ trong nhóm 1 cũng chờ được lâu hơn so với các trẻ khác không được cung cấp thông tin gì về hành vi của nhóm mình.

Vì sao trẻ làm theo nhóm của mình? Trong thí nghiệm theo dõi kế tiếp, các tác giả thấy rằng, các trẻ thuộc về nhóm 1 sẽ ưa thích các cá nhân không tham gia nhóm cũng chờ đợi nhận những thứ như sticker, kẹo cứng, tiền. Điều này có nghĩa là, trẻ không đơn thuần sao chép những gì các bạn trong nhóm cũng làm. Có vẻ như hành vi của nhóm đã ảnh hưởng đến giá trị mà trẻ đặt lên sự tự chủ của mình sau đó.

Khi thử nghiệm được lặp lại trong một nền văn hóa khác là Nhật Bản, kết quả là trẻ Nhật sẽ chọn chờ để lấy thêm sticker nếu chúng tin rằng các bạn cùng nhóm cũng chờ và các bạn nhóm kia thì không. Bất ngờ hơn là trẻ Nhật vẫn làm theo nhóm kể cả khi chúng được cho biết một số lý do sẽ khiến chúng đồng nhất mình với nhóm kia.

Ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài

Nghiên cứu của nhóm Sabine là công trình đầu tiên cho thấy hành vi nhóm sẽ tạo động lực cho những hành vi kiểm soát bản thân của trẻ nhỏ. Việc đồng nhất mình với một nhóm cũng có thể giúp trẻ sử dụng và đánh giá cao sự tự chủ mà bình thường chúng sẽ không làm được khi không có sự đồng nhất.

Những kết luận này cũng trùng khớp với các nghiên cứu kinh điển và các nghiên cứu những năm gần đây về việc các áp lực xã hội có ảnh hưởng đến sự tự chủ ở trẻ em. Trẻ sẽ chờ lâu hơn để có hai viên kẹo nếu chúng nghĩ rằng người sử dụng chúng là tin cậy, xứng đáng được tin tưởng. Trẻ cũng bắt chước hành vi tự chủ của người khác. Kể cả các bé sơ sinh cũng sẽ "làm việc" lâu hơn để đạt được một mục tiêu nếu chúng thấy một người lớn cố gắng đạt được mục tiêu của họ nhiều lần liên tục.

Những kết luận về ảnh hưởng xã hội đến sự tự chủ này sẽ điều chỉnh kiến thức đã biết như thế nào? Kiến thức đã biết là quan điểm về thí nghiệm kẹo dẻo và những thí nghiệm khác có khả năng dự báo những kết quả diễn ra trong cuộc đời sau đó một cách đáng tin cậy. Liệu chúng có mang ý nghĩa là trên thực tế, sự tự chủ không ổn định? Không phải lúc nào cũng vậy.

Có thể bạn chỉ là ai đó thích chờ đợi hoặc tiết kiệm đồ vật. Dù bạn tin hay không thì cũng có những bé 3 tuổi như thế. Điều này không có nghĩa là hành vi của bạn trong một khoảng thời gian cho trước sẽ không phụ thuộc vào các tác động xã hội. Kể cả trẻ em cũng sẽ điều chỉnh các khuynh hướng tự chủ cơ bản theo bối cảnh, ví dụ chúng sẽ tiết kiệm ít hơn khi tiết kiệm lại trở thành điều bất lợi.

Và liệu các tác động xã hội có thể đóng vai trò hình thành một tỉ lệ phần trăm nhất định khuynh hướng mà một người sử dụng sự tự chủ nói chung theo thời gian? Ví dụ, tưởng tượng một đứa trẻ lớn lên giữa các bạn đồng trang lứa thật sự trân trọng, coi trọng giá trị của việc học tốt ở trường và sử dụng sự tự chủ để hoàn thành bài tập về nhà trước khi bỏ đi chơi. Việc tiếp xúc với chuẩn mực nhóm này có thể tác động khiến cho đứa trẻ cũng làm vậy. Ý chính ở đây là, bạn càng tập tự chủ nhiều hơn thì càng quen dùng nó dễ dàng hơn. Sự lặp lại sẽ củng cố các hệ thống nhận thức thần kinh cơ sở hỗ trợ những kỹ năng này.

(Ảnh: Pinterest)

Và cuối cùng, dù bạn già hay trẻ thì nuôi dưỡng sự tự chủ như một chuẩn mực và giá trị cá nhân vẫn có thể là chìa khóa giúp bạn sử dụng và phát triển nó.

Như vậy, sự tự chủ là cái có thể học được? Câu trả lời của Sabine là: Có. Cái có thể là một đặc điểm bẩm sinh thật ra vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các áp lực xã hội. Cha mẹ có thể giúp trẻ xây dựng khả năng này bằng cách cho chúng tiếp xúc với những tấm gương minh họa và coi trọng giá trị của sự tự chủ trong đời thực hoặc các câu chuyện. Người trưởng thành cũng có thể nâng cao tính tự chủ bằng cách dành thời gian bên cạnh những người bạn có sự tự chủ.

Nghiên cứu của nhóm Sabine được công bố trên Sage Journals, cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học của tập đoàn Sage, tập đoàn xuất bản khoa học hàng đầu thế giới. Yuko Munakata là giáo sư khoa tâm lý và thần kinh học đại học Colorado (Mỹ) và giám đốc trung tâm phát triển nhận thức của khoa, còn Sabine Doebel là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở khoa do Yuko hướng dẫn. Công việc của Sabine là nghiên cứu cách thức trẻ em điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình để đạt được mục tiêu.

Hai tác giả của nghiên cứu trong bài, giáo sư Yuko Munakata và tiến sĩ Sabine Doebel (Ảnh: CU Boulder)

Linh Trần (Theo Conversation)

Chủ đề khác