VnReview
Hà Nội

Chống biến đổi khí hậu không phải là lấy tiền ra để che mắt và thoải mái phát thải CO2 tùy ý

Việc bù đắp lượng CO2 phát thải ra khí quyển bằng "tiền" không thể giải quyết được vấn đề và theo các chuyên gia cảnh báo, hậu quả từ cách làm này còn tồi tệ hơn việc công khai xả CO2 ra bầu khí quyển.

Nghiên cứu mới nhất chỉ ra, các chương trình mua bán phát thải CO2 thực sự có thể làm tăng ô nhiễm và gây hại cho cộng đồng bản địa. Đặc biệt các chuyên gia môi trường thuộc Liên Hợp Quốc đang kêu gọi các quốc gia giàu có cần ngừng ngay hoạt động mua bán phát thải CO2 để đổi lấy "lương tâm trong sạch".

Theo Telegraph, Ủy ban Châu Âu đã từng cảnh báo vào năm 2017 rằng, các chương trình mua bán phát thải CO2 và tín dụng carbon không giúp thay đổi tình hình hiện nay. Thậm chí các chương trình này còn có thể giải phóng thêm 3,5 tỷ tấn khí nhà kính vào khí quyền trong năm 2020.

Một nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu cho thấy, 85% các dự án trao đổi phát thải CO2 không đem lại lợi ích thực tế hoặc có thể đo lường được. Tuy nhiên các hãng hàng không vẫn tiếp tục đề xuất gia tăng khí thải để được bù trừ thông qua các chương trình mua bán carbon.

Niklas Hagelberg, một chuyên gia cao cấp thuộc chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc cảnh báo, chương trình trao đổi, mua bán carbon không phải là "thẻ thông hành" để cho bất cứ tổ chức hoặc công ty nào có thể phát thải CO2 thoải mái ra môi trường.

Chia sẻ trên trang blog của website UN Environment, Niklas viết: "Nếu chúng ta nghiêm túc trong việc ngăn chặn những thay đổi thảm khốc đối với hành tinh, chúng ta cần phải giảm 45% lượng khí thải trước năm 2030".

Số lượng cây rừng trồng mới hiện nay khó có thể phát triển đủ nhanh để đạt được những mục tiêu đó. Và các dự án mua bán carbon sẽ không bao giờ kiềm chế được tốc độ phát thải. Trong khi đó dân số toàn cầu ngày càng gia tăng và con người ngày càng tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn.

Những người quan tâm đến biến đổi khí hậu đang rất quan tâm đến cách mọi người mua các khoản tín dụng carbon để tiếp tục đi máy bay, mua xe chạy nhiên liệu hóa thạch và sử dụng điện cho gia đình.

Hàng không là một nguồn phát thải CO2 lớn và ngày càng tăng. Thậm chí theo dự đoán, lượng phát thải từ ngành hàng không thế giới có thể sẽ cao gần bằng toàn bộ lượng khí thải của nước Đức vào năm 2020. Nếu các hãng hàng không tiếp tục mở rộng đội bay và hành trình như hiện nay, họ sẽ đóng góp tới 1/4 lượng khí thải nhà kính vào năm 2050.

Các dự án mua bán carbon bao gồm các chương trình lâm nghiệp, loại bỏ CO2 khỏi khí quyển bằng cách trồng cây cho tới các dự án năng lượng tái tạo, thay thế năng lượng hóa thạch bằng gió và thủy điện đôi khi cũng không có tác dụng. Nhiều chương trình trong số đó cho đến nay vẫn chưa chứng minh được lợi ích.

Ví dụ vì cây hấp thụ CO2 trong suốt cuộc đời và giải phóng chúng khi phân rã hoặc bị đốt cháy, do đó kế hoạch trồng cây vì vậy phải liên tục hoặc đổi mới. Như dự án Fern chỉ ra, không có dự án rừng nào có thể đảm bảo giảm vĩnh viễn CO2.

Nhóm chiến dịch Carbon Market Watch cũng phát hiện ra rằng, một công ty tư nhân ở Uganda đã chặn quyền sử dụng đất đai, đồng thời là nguồn sinh kế quan trọng của cộng đồng địa phương để nhận khoản tín dụng carbon từ việc trồng rừng.

Ở Ấn Độ, một dự án biến rác thành năng lượng với nguồn lấy rác từ các bãi chôn lấp ở Delhi do người dân địa phương quản lý đã giúp giảm phát thải khí nhà kính ít hơn 1/3 so với kế hoạch tái chế trước đó.

Ở Chile và Guatemala, các dự án thủy điện đang làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột đất đai, phá hủy sự gắn kết xã hội và hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Một dự án tại Cộng hòa Công gô cũng bán tín dụng carbon cho hãng hàng không Austrian Airlines và trùng hợp khi nó dẫn tới nạn phá rừng nghiêm trọng. Một dự án khác tại Campuchia cũng cung cấp tín dụng carbon cho Virgin Atlantic và dẫn đến việc nhiều khu rừng bị phá hủy.

Trường nhóm nghiên cứu của Greenpeace UK, tiến sỹ Doug Parr cảnh báo rằng, việc bù đắp phát thải CO2 không phải là một phản ứng có ý nghĩa đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Giáo sư Mary Gagen, một nhà khoa học khí hậu thuộc khoa địa lý tại Đại học Swansea cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng: "Ném tiền ra không phải là cách giải quyết vấn đề". Cô khẳng định, tất cả chúng ta cần phải thay đổi để giảm lượng phát thải CO2.

Một số giải pháp mà mỗi cá nhân có thể thực hiện, đó là bay ít hơn, ở lại lâu hơn và đi du lịch một cách bền vững. Mary tin rằng, mỗi cá nhân có ý thức giảm phát thải CO2 sẽ tạo nên một khối liên kết chung, giúp chống biến đổi khí hậu tốt hơn.

Tiến Thanh

Chủ đề khác