VnReview
Hà Nội

Cháy rừng Amazon khủng khiếp là vậy nhưng nguồn oxy của Trái Đất sẽ không bị mất đi

Ngay cả khi toàn bộ rừng nhiệt đới Amazon bị thiêu trụi, chúng ta vẫn sẽ ổn mà không lo thiếu oxy để hít thở.

Các vụ cháy rừng Amazon gần đây đã thu hút sự chú ý của người dân toàn cầu trong những ngày gần đây. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro,; người nhậm chức vào năm 2019 đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình về việc giảm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường và tăng cường phát triển nông nghiệp ở Amazon. Và ông dường như đã thực hiện đúng lời hứa đó.

Theo Livescience, tình trạng phá rừng tại Amazon đã tăng mạnh sau khi giảm hơn 80% kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2004. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lý do này. Rừng nhiệt đới chứa nhiều loài thực vật và động vật không tìm thấy ở nơi nào khác. Chúng là nơi trú ẩn quan trọng cho các loài sinh vật và lưu trữ một lượng lớn CO2 của Trái Đất. Cùng với gỗ và các chất hữu cơ, những cánh rừng tại Amazon có thể đóng góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng khí hậu.

Một số cư dân mạng cho rằng, các đám cháy ở Amazon có thể đe dọa nguồn cung oxy cho khí quyển mà chúng ta đang hít thở. Thậm chí tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đăng tải trên Twitter rằng: "Rừng mưa Amazon – lá phổi tạo ra 20% lượng oxy của cả hành tinh chúng ta đang bốc cháy".

Trên thực tế, lời khẳng định trên không hề sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng, nếu không muốn nói là gây ra sự hiểu lầm. Trên thực tế, gần như toàn bộ nguồn oxy cung cấp cho các loài sinh vật thở và duy trì sự cháy, nuôi sống vi khuẩn,…đều đến từ đại dương. Nó có đủ nguồn cung trong ít nhất hàng triệu năm.

Có rất nhiều lý do để chúng ta cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của rừng Amazon nhưng không phải vì lo nguồn cung oxy của Trái Đất sẽ cạn kiệt.

Gần như tất cả oxy tự do trong không khí đều được thực vật tạo ra trong quá trình quang hợp. Khoảng 1/3 quá trình quang hợp xảy ra trong các khu rừng nhiệt đới, phần lớn nằm trong lưu vực sông Amazon.

Nhưng hầu như toàn bộ oxy được tạo ra mỗi năm từ quá trình quang hợp lại bị các sinh vật sống và hỏa hoạn tiêu thụ hết. Ngoài ra, cây cũng liên tục rụng lá và cùng với cành cây, rễ, chúng tạo thành một hệ sinh thái phong phú cho các vi sinh vật, côn trùng và vi khuẩn phát triển. Điều đáng nói là chúng cũng tiêu thụ oxy.

Cây rừng sản xuất ra oxy và vi khuẩn cũng là nguồn tiêu thụ một lượng lớn oxy. Kết quả là nguồn cung oxy từ rừng gần như bằng không vì tạo ra đến đâu là hết đến đó.

Tất cả nhờ "lá phổi" mang tên đại dương

Để oxy tích lũy trong không khí, một số chất hữu cơ mà thực vật tạo ra trong quá trình quang hợp phải được loại bỏ khỏi chu kỳ tuần hoàn trước khi chúng tiêu thụ oxy.

Thông thường điều này có thể xảy ra khi nó nhanh chóng bị chôn vùi ở những nơi không có oxy, phổ biến nhất là trong bùn ở đáy biển hoặc dưới vùng nước đã cạn kiệt oxy. Đây thường là các khu vực có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và có nhiều tảo biển. Khi tảo chết, chúng cùng các mảnh vụn khác chìm xuống dưới đáy, nơi vi khuẩn ăn chúng. Giống như các loại vi khuẩn trên đất liền, vi khuẩn dưới đại dương cũng tiêu thụ oxy để tồn tại. Quá trình này khiến cho nguồn nước xung quanh nhanh chóng bị cạn kiệt oxy.

Vật chất thực vật khi bị chôn vùi dưới đại dương trong một thời gian dài sẽ tạo ra nguồn dầu khí. Một lượng nhỏ thực vật bị chôn vùi trong điều kiện không có oxy sẽ tạo ra các mỏ than bùn dưới đáy biển và ngăn chặn sự phân hủy của vi sinh vật.

Qua hàng triệu năm, lượng oxy còn lại do sự mất cân bằng giữa sự phát triển của vi sinh vật và sự phân hủy tích tụ và tạo thành một nguồn cấp oxy khổng lồ cho các sinh vật trên mặt đất. Nó lơ lửng trong khí quyển và chiếm khoảng 21% thể tích không khí trong hàng triệu năm qua.

Một phần oxy quay trở lại bề mặt hành tinh thông qua các phản ứng hóa học với kim loại, lưu huỳnh và các hợp chất khác trong vỏ Trái Đất. Ví dụ khi sắt tiếp xúc với không khí và hơi nước, nó sẽ phản ứng với oxy trong không khí để tạo ra oxit sắt, một hợp chất thường được gọi là gỉ sét. Quá trình này được gọi là oxy hóa và giúp điều chỉnh nồng độ oxy trong khí quyển.

Mặc dù hiện tượng quang hợp của thực vật cũng đóng góp vào nguồn cung dưỡng khí cho các loài sinh vật trên Trái Đất, trong đó có con người. Nhưng ngay cả khi tất cả các chất hữu cơ trên Trái Đất được đốt cháy cùng lúc, chỉ có chưa đầy 1% oxy của thế giới bị mất đi.

Tóm lại, những nỗ lực bảo vệ rừng Amazon của Brazil là quan trọng trong lúc này nhưng không phải là điều tối cần đối với sự sống của con người. Bởi lẽ nó không đe dọa nguồn oxy trong khí quyển. Nguồn oxy của Trái Đất hiện đủ để giúp con người tồn tại hàng triệu năm. Tuy nhiên tình trạng phá rừng tràn lan ở Brazil và một số nước đang đe dọa tới đa dạng sinh học, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng một số loài và khiến cho tình trạng biến đổi khí hậu thêm tồi tệ hơn.

Tiến Thanh

Chủ đề khác