VnReview
Hà Nội

Nồi cơm tách đường có nên mua?

Hiện nay trên thị trường xuất hiện loại nồi cơm điện được quảng cáo là dành riêng cho người mắc bệnh tiểu đường. Ngay lập tức, rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và tìm mua.

Theo đó, loại nồi này có thể tách được 20 – 30% lượng đường trong cơm mà vẫn giữ lại các chất dinh dưỡng. Nhờ vậy mà người bệnh tiểu đường có thể ăn nhiều cơm mà không lo bị tăng đường huyết. Được biết giá bán một chiếc nồi cơm điện tách đường khỏi gạo có giá khoảng 3-4 triệu đồng, có loại tới 10 triệu đồng.

Theo quảng cáo, loại nồi này sử dụng công nghệ Nhật Bản, tiết kiệm điện năng. Lòng nồi lõi nhôm tráng đá hoa cương 4 lớp chống dính. Nồi có đa chức năng gồm nấu cơm tách đường, hầm, hấp, nấu súp, cháo, luộc gà không cần nước. Công dụng của nồi cơm tách đường là loại bỏ tinh bột xấu trong gạo, loại bỏ đường trong quá trình nấu cơm, giúp hạ đường huyết với người bị tiểu đường, phòng ngừa các bệnh về tiểu đường, béo phì, tim mạch, tai biến do các tinh bột xấu trong gạo gây ra.

Cách nấu cơm bằng nồi cơm điện tách đường khỏi gạo không khác gì với sử dụng nồi cơm thông thường. Gạo được vo sạch cho vào nồi với một lượng nước vừa đủ, sau đó cắm điện và chờ cơm chín. Phần nước thừa có chứa hàm lượng amylopectin bị tách ra sẽ được chuyển vào lõi dưới lõi dưới của nồi cơm, người dùng có thể bỏ đi hoặc tận dụng để nấu canh.

Nồi cơm tách đường có nên mua?

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về cơ chế công nghệ của loại nồi cơm này, PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết: "Loại nồi cơm này sử dụng công nghệ rất đơn giản là chắt bỏ nước cơm trong quá trình nấu để giảm lượng đường. Họ sẽ thiết kế một đường ống làm sao để khi nấu giữa chừng, nước trong nồi cơm sẽ thoát ra ngoài một khay riêng làm cho lượng đường trong cơm giảm đi".

Còn PGS. TS Phạm Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thì cho hay: có khả năng nồi cơm điện tách được đường khỏi gạo nhưng nó cũng đồng thời làm mất đi các chất dinh dưỡng khác có trong gạo đặc biệt là vitamin B. Khi đó, người bệnh ăn cơm được nấu từ loại gạo đã bị tách đường có nguy cơ bị thiếu chất, thiếu hụt năng lượng. "Bởi trong cơm, hàm lượng đường đơn rất ít, nên dù được hòa vào nước cơm thì cũng không đáng bao nhiêu. Chủ yếu là đường "ẩn" dưới dạng tinh bột. Có nghĩa là phải ăn vào cơ thể, được cơ thể tiêu hóa mới chuyển hóa thành đường và gây tăng lượng đường trong máu," TS Phạm Duy Thịnh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để làm mất đi chất bổ dưỡng ở cơm thì có một cách đơn giản nhất là cho cơm vào tủ lạnh qua đêm rồi lấy ra rang lên ăn. Ở nhiệt độ thấp tinh bột bị chuyển thành kháng tinh bột, nó sẽ không được hấp thụ ở ruột non mà nó trở thành chất xơ chỉ tiêu hóa được ở đại tràng. Từ đó, có thể giảm cân, giảm lượng đường trong tinh bột khi ăn cơm. Do đó, tuy loại nồi nấu cơm loại bỏ đường có thể giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường trong quá trình điều trị bệnh, nhưng phải hiểu đây là loại cơm mất đi gần hết dưỡng chất.

Để hạn chế nguy cơ tăng đường huyết khi ăn cơm trắng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng bạn nên áp dụng những mẹo nhỏ đơn giản. Ví dụ như dùng gạo xát rối. Quá trình xát gạo nếu quá kỹ thì sẽ làm mất nhiều chất xơ, do đó nguy cơ làm tăng đường máu cũng sẽ cao hơn gạo xát rối. Nên bắt đầu bữa ăn với rau xanh, chất xơ trong rau củ quả sẽ làm chậm hấp thu đường từ tinh bột, nhờ đó giúp bạn giảm đường máu tốt hơn. Thay vì ăn cơm trắng trường kỳ, bạn có thể xen kẽ với cơm từ gạo lứt, yến mạch, lúa mì… Những thực phẩm này mặc dù vẫn chứa nhiều tinh bột nhưng chúng có nhiều chất xơ hòa tan hơn…

Theo VnEconomy

Chủ đề khác