VnReview
Hà Nội

Thiên thạch khiến khủng long tuyệt chủng mạnh bằng 10 tỷ quả bom nguyên tử

Cách đây 66 triệu năm, một tảng đá không gian khổng lồ đã rơi xuống khu vực mà nay gọi là Bán đảo Yucatan ở Mexico. Nó đã gây ra những thay đổi mạnh mẽ trên Trái đất và đột ngột chấm dứt triều đại của khủng long.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu đang tập trung tìm hiểu mức độ phá hủy của tiểu hành tinh này và hậu quả nơi vùng đất phải gánh chịu, một địa điểm hiện được gọi là miệng hố Chicxulub.

Theo BGR, một nghiên cứu mới do Đại học Texas ở Austin (Mỹ) dẫn đầu đã tìm hiểu sâu vào khu vực va chạm và một lượng lớn những mảnh vỡ đã lấp đầy miệng núi lửa ngay sau khi tảng đá rơi xuống.

Kiểm tra kỹ càng các lớp đá kéo dài hàng trăm feet cho thấy miệng núi lửa bị các mảnh vụn lấp đầy ngay trong vòng 24 giờ đầu tiên, với khoảng 130 mét vật liệu. Các lớp vật liệu hoạt động giống như một dòng thời gian, đưa ra những manh mối về cường độ của tác động và sức mạnh tuyệt đối mà đá không gian tạo ra.

Sean Sean Gulick, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, việc ước tính sức mạnh của tác động rất khó bởi vì sự kiện này đã diễn ra quá xa so với lịch sử loài người. Tuy nhiên, trong nỗ lực để mọi người có thể hình dung về sức mạnh này, các nhà nghiên cứu ước tính rằng sức mạnh này tương đương với 10 tỷ quả bom nguyên tử thời Thế chiến II phát nổ đồng thời.

Bất cứ thứ gì thậm chí ở gần khu vực va chạm sẽ bị phá hủy hoàn toàn, bao gồm cả các động vật hoang dã, nhưng sau đó mới là hậu quả sát thương thực sự, khi bụi và các mảnh vụn từ vụ va chạm che phủ toàn hành tinh trong bóng tối, giết chết sự sống thực vật ở quy mô lớn, phá hủy chuỗi thức ăn và gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt trên toàn thế giới.

Hoàng Lan

Chủ đề khác