VnReview
Hà Nội

Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh vi khuẩn 'ăn thịt người'

Bệnh vi khuẩn 'ăn thịt người' là một bệnh truyền nhiễm, rất nguy hiểm, khó nhận biết triệu chứng và gây ra mức độ tử vong cao cho những người mắc phải.

Bệnh Whitmore là gì?

Bệnh Whitmore hay còn được gọi với tên bệnh melioidosis dân dã hơn là bệnh vi khuẩn 'ăn thịt người', là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có tên Burkholderia pseudomallei (B. Pseudomallei) gây ra. Loại vi khuẩn này được tìm thấy trong nước và đất bị ô nhiễm, lây lan sang người hoặc động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bị ô nhiễm. Hiện nay loại tác nhân gây bệnh này đang bị một số nơi coi là tiềm năng cho chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường xuất hiện ở những nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và Bắc Úc. Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước và đất bị ô nhiễm con người còn có thể mắc Whitmore nếu hít phải bụi bẩn, uống nước bị nhiễm vi khuẩn mà không được khử trùng. Đặc biệt hơn, nếu có vết thương hở trên cơ thể mà tiếp xúc với nguồn đất và nước có vi khuẩn B. Pseudomallei thì khả năng nhiễm bệnh Whitmore là cực kỳ cao. Loại vi khuẩn gây bệnh kể trên có khả năng sống rất dai, tồn tài nhiều năm liền trong môi trường bị ô nhiễm.

Vi khuẩn 'ăn thịt người' đang có dấu hiệu gia tăng ở Việt Nam

Dấu hiệu của bệnh Whitmore

Khi vào cơ thể, diễn biến của bệnh Whitmore rất nhanh và có thể khiến con người tử vong chỉ sau 48h nhập viện. Các triệu chứng của bệnh này rất mơ hồ và có thể khiến người ta dễ nhầm lẫn sang các bệnh khác. Để chẩn đoán được bệnh vi khuẩn 'ăn thịt người', các bác sĩ phải nhờ đến sự trợ giúp của các xét nghiệm máu, nước tiểu, đờm và tổn thương trên da bệnh nhân. Hiện nay, bệnh có thể ở các vị trí khác nhau với các triệu chứng khác nhau tùy khu vực vi khuẩn gây ảnh hưởng. Chính vì vậy, các bác sĩ thường phát hiện Whitmore qua những triệu chứng sau đây:

Nhiễm trùng phổi: Tác động của nhiễm trùng phổi có thể gây từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng. Do đó, bệnh nhân có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực, đau nhức nói chung.

Nhiễm trùng khu trú: Tác động của loại nhiễm trùng này có thể gây đau hoặc sưng một vùng nhất định, sốt, loét hoặc áp xe trên hoặc ngay bên dưới da... Triệu chứng có thể bắt đầu bằng những nốt u cục cứng màu trắng hoặc xám trở nên mềm và viêm sau đó thì nó trông giống như những vết thương do bị vi khuẩn ăn thịt gây ra.

Nhiễm trùng rải rác: Ở loại nhiễm trùng này, vi khuẩn lây lan từ da qua máu rồi trở thành một loại bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt. Các triệu chứng của nhiễm trùng rải rác có thể bao gồm sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau dầu và co giật.

Nhiễm trùng máu: Triệu chứng của loại nhiễm trùng này là sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng.

Bệnh Whitmore có lây nhiễm không?

Theo các nhà khoa học thì bệnh Whitmore không lây từ người sang người. Đặc tính vi khuẩn sống ở đất và nước bị ô nhiễm khiến các trường hợp mắc bệnh không phải là hiếm nhưng nó không gây ra dịch.

Hiện nay, các nhà khoa học chưa phát minh ra được vắc xin phòng bệnh Whitmore. Nó thường xuất hiện ở các vùng nhiệt đới gió mùa. Tại Thái Lan, tỷ lệ mắc bệnh Whitmore trong dân số là 14,9/100.000 dân. Ca mắc bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là năm 1911 còn ở Việt Nam là năm 1936.

Cấu trúc gen của vi khuẩn 'ăn thịt người' là rất phức tạp

Phương pháp điều trị bệnh Whitmore

Việc điều trị bệnh Whitmore là khá khó khăn, rất tốn kém và phải đúng phác đồ. Thông thường, để điều trị căn bệnh này, bệnh nhân sẽ trải qua 2 giai đoạn gồm:

Giai đoạn 1: Sử dụng kháng sinh liều cao trong vòng ít nhất 2 tuần (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch). Cá biệt có trường hợp phải sử dụng kháng sinh đến 8 tuần.

Giai đoạn 2: Người bệnh sẽ phải dùng 1 trong 2 kháng sinh đường uống trong 3 - 6 tháng nữa mới khỏi.

Cách phòng tránh bệnh Whitmore

Việc phòng tránh bệnh Whitmore xoay quanh chuyện bạn phải giảm thiểu tối đa nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn.

Với những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương (như người bị AIDS, ung thư, người trải qua hóa trị liệu...), vết thương hở ở da, tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính thì cần phải tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là các khu vực trang trại.

Với những người làm việc trong ngành nông nghiệp cần phải mặc đồ phù hợp, đi đầy đủ giày hoặc ủng và quần áo để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào chân, tay.

Nhân viên y tế cần phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa vi khuẩn tiêu chuẩn, bao gồm cả việc sử dụng khẩu trang, găng tay và áo chòang để ngăn ngừa nhiễm trùng.

T.T

Chủ đề khác