VnReview
Hà Nội

Lắc và bẻ cổ có thể tiềm ẩn hậu quả khôn lường

Mặc dù hành động bẻ cổ mỗi khi cảm thấy mỏi cổ có thể giúp giảm bớt sự căng thẳng ở vùng cổ trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài, nó sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Bạn có thể đã quá quen với những tiếng kêu "rắc rắc" mỗi khi bạn nghiêng cổ hoặc lắc sang hai bên sau một thời gian dài cổ bị giữ ở một tư thế, ví dụ như làm việc bên máy tính hoặc xem phim. Theo trang Mirror, tiếng kêu khi bẻ cổ đó đem tới cho bạn sự thỏa mãn ngay lập tức vì nó làm cổ bạn có cảm giác bớt mỏi hơn.

Tuy nhiên hành động bẻ cổ một cách thường xuyên và lạm dụng quá đà có thể tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ.

Trong thực tế đã có trường hợp bẻ cổ gây ra đột quỵ, ví dụ như trường hợp của cô nhân viên y tế người Úc, 23 tuổi tên Natalie Kunicki. Hồi tháng 4/2019, Kunicki phải nhập viện sau khi thực hiện bẻ cổ lúc đang xem phim trên giường. Cô chẳng mảy may suy nghĩ về âm thanh đó và đi ngủ. Tuy nhiên 15 phút sau, Kunicki tỉnh dậy, không thể di chuyển chân trái và ngã xuống sàn khi cố gắng bước đi.

Sau khi chụp CT, các bác sỹ đã phát hiện thấy cô đã bị đột quỵ và nguyên nhân do vỡ một động mạch chính ở cột sống, dẫn tới hình thành cục máu đông.

Âm thanh "rắc" mà bạn thường nghe thấy là do một vết rạn nhỏ dẫn đến sự tách biệt tạm thời của bề mặt khớp và sự phát triển của các bong bóng khí. Tuy nhiên hành động này có thể làm rách lớp lót bên trong động mạch và hình thành cục máu đông.

Mặc dù máu đông có thể tự tan sau một thời gian nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể di chuyển trong mạch máu và làm tắc nghẽn động mạch, gây ra thiếu máu cục bộ và đột quỵ do não không có nguồn cung oxy.

Vùng cổ là nơi tập trung hai động mạch chính cung cấp máu cho não bộ. Khi chúng ta uốn cong hoặc xoay cổ, những động mạch này bị kéo căng và dễ bị tổn thương.

Bẻ cổ thường xuyên cũng sẽ làm suy yếu các dây chằng giữ khớp giữa các đốt sống. Các dây chằng này cho phép cổ có thể xoay và kéo dãn. Do đó nếu các dây chằng này bị tổn thương, nó có thể ảnh hưởng tới khả năng xoay của cổ và làm động mạnh dễ bị tổn thương hơn.

Nhưng điều này không có nghĩa là đột quỵ là hậu quả phổ biến của việc bẻ cổ. Hãy nhớ rằng, các bác sỹ điều trị hệ vận động như đau cột sống, đau dây thần kinh tọa theo phương pháp chiropractic. Và một trong những thao tác điều trị là bẻ cổ để giảm đau cho bệnh nhân.

Ngoài ra cũng nên nhớ rằng, chỉ có 1/20.000 đến 1/250.000 trường hợp bị rách động mạch do bẻ cổ. Như vậy tỷ lệ người bị tai nạn như Kunicki cũng không nhiều.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên quá lạm dụng việc bẻ cổ như một cách thư giãn. Ngoài ra bạn cũng không nên bẻ cổ một cách quá đột ngột hoặc quá mạnh, bởi nó có thể dẫn tới nguy cơ rách động mạch và hình thành cục máu đông.

Tiến Thanh

Chủ đề khác