VnReview
Hà Nội

Ô nhiễm không khí Hà Nội: Mổ xẻ con số đáng sợ của AirVisual

Trong những ngày vừa qua, thông tin Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Air Visual gây hang mang cho rất nhiều người.

Chỉ số đánh giá chất lượng không khí (AQI) của AirVisual có chính xác?

Ngay sau khi thông tin Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí, cơ quan chức năng của thành phố đã lên tiếng phản hồi xếp hạng đến từ AirVisual là chưa chính xác. Cụ thể, theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải là từ 10 trạm quan trắc như cách làm của cơ quan chức năng. Trạm quan trắc này quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM 2.5, gần trục giao thông chính của Thủ đô và xung quanh có nhiều công trình xây dựng quy mô lớn. Vì vậy, kết quả của AirVisual không đại diện cho toàn thành phố Hà Nội và chỉ mang tính đại diện cho duy nhất 1 điểm quan trắc.

Tuy nhiên, ông Thái cũng thừa nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn Hà Nội những ngày gần đây ở mức kém, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.

Chỉ ít lâu sau đó, đại diện AirVisual cũng đã phản hồi về nhận định của cơ quan chức năng Hà Nội. Theo đó, một người phát ngôn của IQAir AirVisual cho biết tại Hà Nội họ thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, trong đó có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (http://moitruongthudo.vn/), Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VnReview.vn vào ngày 30/9/2019, các dữ liệu về chỉ số chất lượng không khí trên AirVisual không trùng khớp với dữ liệu của các trạm quan trắc thuộc cơ quan nhà nước Việt Nam quản lý mà AirVisual sử dụng (xem ảnh bên dưới). Cụ thể, dữ liệu chỉ số AQI lúc 14h của Air Visual tại các điểm quan trắc của Hà Nội ghi nhận con số từ 153 - 239, cao hơn khá nhiều so với các con số được hiển thị trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của Hà Nội và Cổng thông tin quan trắc môi trường của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc.;

Chỉ số AQI lúc 14h ngày 30/9 tại các trạm quan trắc của Hà Nội được đăng tải trên cổng
thông tin quan trắc môi trường

Chỉ số AQI lúc 14h ngày 30/9 tại Hà Nội của các trạm quan trắc do AirVisual thu thập

Trong số 11 trạm do cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội quản lý thì chỉ có 2/11 trạm là số liệu trên AirVisual trùng khớp (Trạm Thành Công (153) và trạm Hàng Đậu (171)), còn lại là cao hơn khoảng vài chục điểm số. Còn tại trạm quan trắc tại 556 Nguyễn Văn Cừ do Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc quản lý thì số liệu AQI trên website của cơ quan này từ 11h - 15h thường xuyên rơi vào mức 188 - 189 còn số liệu của AirVisual là quanh quẩn mức 239.

Chỉ số AQI tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ do Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc quản lý từ 11h - 15h ngày 30/9 thường dao động ở mức dưới 190 nhưng AirVisual lại hiển thị trên ngưỡng 200

Điều này cho thấy, mặc dù công bố thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí trên địa bàn, trong đó có 10 trạm thuộc chính phủ nhưng số liệu của AirVisual lại thường cao hơn số liệu của các cơ quan quản lý những trạm này công bố. Một số chuyên gia cho rằng điều này là do AirVisual sử dụng thông tin từ các trạm quan trắc kết hợp với số liệu viễn thám (độ chính xác không cao) nên nhiều trường hợp kết quả không có độ chính xác cao. Đại diện của IQAir AirVissual cũng cho biết họ thu thập các chỉ số theo thời gian thực, chất ô nhiễm được đo dựa theo chỉ số chất lượng không khí của Mỹ. Vì vậy, nếu chỉ số của ứng dụng này không trùng khớp với các cơ quan chức năng của Việt Nam thì sẽ có khả năng nó được thu thập rồi tính toán và hiển thị theo cách tính của Mỹ.

Tuy vậy, cần phải biết rằng chỉ số AQI hiện nay ở từng nước lại có một cách tính khác nhau. Chỉ số AQI ở Việt Nam và Mỹ hiện nay có 2 điểm khác biệt cơ bản. Thứ nhất là về cách tính, khi Việt Nam tính sử dụng công thức đơn giản còn Mỹ là dựa vào cách tính phức tạp. Khác biệt thứ 2 là về thông số được sử dụng. Theo quyết định 878/QĐ-TCMT thì Việt Nam hiện tại tính AQI theo các thông số: SO2, CO, NOx, O3, PM10, TSP còn tại Mỹ là O3, PM10, PM2.5, CO, NO2, SO2.

Chính cách tính khác nhau ở từng nước đã khiến chỉ số ở một vị trí có thể khác nhau. Không chỉ vậy, nó cũng sẽ khiến bảng xác định giá trị AQI tương ứng với mức cảnh báo chất lượng không khí khác nhau ở từng nước. Ví dụ như ở Việt Nam hiện bảng này đang là 5 bậc còn ở Mỹ là 6 bậc.

Như vậy có thể thấy chỉ số AQI hiển thị của AirVisual tại Hà Nội dù được công bố là lấy từ dữ liệu của các trạm quan trắc trên địa bàn thành phố nhưng lại không cho kết quả trùng khớp với các số liệu từ phía các cơ quan này đưa ra. Cùng với đó, trên các số liệu AQI của ứng dụng AirVisual đều có ghi dòng 'AQI Mỹ' ngay dưới thông số. Nếu AirVisual áp dụng cách đo đạc AQI của Mỹ vào Việt Nam thì không phù hợp với hiện trạng của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cho rằng các chỉ số AQI trên AirVisual có thể không chính xác và chỉ dùng để tham khảo.

AirVisual là gì?

AirVisual là một ứng dụng miễn phí trực quan hóa chất lượng không khí tại các địa điểm trên toàn cầu. Ứng dụng này thu thập dữ liệu từ các trạm quan trắc tại 10.000 thành phố trên thế giới và được coi là tổ chức tổng hợp lớn nhất về dữ liệu chất lượng không khí. AirVisual thu thập dữ liệu từ các trạm kiểm soát không khí của chính phủ cũng như phi chính phủ và được rất nhiều cơ quan, tổ chức lớn trên thế giới dẫn lại số liệu. Tuy vậy, ứng dụng này thực chất không có các trạm quan trắc mà chỉ thu thập dữ liệu, tổng hợp và hiển thị cho người dùng biết. Hiện AirVisual đã có hơn 1 triệu lượt tải trên Google Play.

Đáng ngạc nhiên là AirVisual không thuộc một tổ chức nào danh tiếng mà lại thuộc một công ty có trụ sở chính ở Thụy Sĩ có tên IQAir. Công ty này được thành lập năm 1963, kinh doanh máy lọc không khí trong phòng, hệ thống làm sạch không khí thương mại, hệ thống làm sạch không khí và sưởi ấm không khí, máy đo nồng độ ô nhiễm không khí... Điều đáng nói là rất nhiều phát biểu của AirVisual thường gắn với việc 'quảng cáo' luôn cho các sản phẩm của IQAir. Như trong phát biểu của AirVisual gần đây về tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam cũng có đoạn: 'Nếu một người mua máy đo nồng độ bụi không khí ngoài trời của AirVisual, họ có thể đăng ký cung cấp dữ liệu cho AirVisual, để dữ liệu đó được phản ánh trong AQI của thành phố'.

Thực tế thì những chỉ số hiển thị mức độ ô nhiễm không khí trên ứng dụng AirVisual công bố đúng là chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo. Bởi mặc dù cho biết lấy dữ liệu từ rất nhiều trạm quan trắc không khí trên thế giới nhưng người dùng gần như không biết cách tính toán của họ là như thế nào. Trên thế giới hiện tại có rất nhiều ứng dụng hoặc website cung cấp chỉ số AQI uy tín và thường thì tại một thời gian và địa điểm mỗi ứng dụng lại cho ra một con số khác nhau, tùy theo cách tính toán của họ. Ví dụ tại một website rất nổi tiếng khác về chia sẻ AQI là Aqicn.org vào lúc 17h ngày 30/9, Hà Nội đúng là có mức AQI rất cao là 188 nhưng vẫn xếp sau khá nhiều địa điểm trên thế giới như Chu Khẩu của Trung Quốc với AQI 222, Sibiu của Romania với AQI 199, Napoli (Ý) với AQI 500, Louisiana của Mỹ với AQI 249... Trong khi đó, theo ứng dụng AirVisual thì AQI của Hà Nội là 163 và xếp thứ 2 thế giới (sau Bangkok) về sự ô nhiễm không khí. Như vậy, có thể thấy mỗi ứng dụng với một cách tính toán khác nhau, dựa vào những tiêu chí khác nhau sẽ cho ra một kết quả chỉ số AQI khác nhau. 

AQI là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và được biểu diễn qua một thang điểm. Trên thế giới hiện nay có 3 cách tính AQI khác nhau, các nước tùy theo điều kiện của mình để áp dụng. Như tại Anh, Pháp hay Canada, họ không dùng thang điểm từ 0 đến trên 300 như Việt Nam mà dùng thang điểm từ 1 đến trên 10 và người ta gọi đây là cách sử dụng bảng đối chiếu với các thông số dùng để tính là NO2, SO2, O3, CO, PM-10. Tại Việt Nam hay Úc sử dụng phương pháp sử dụng công thức đơn giản với 5 thang điểm. Còn tại Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan... người ta dùng công thức phức tạp với 6 thang điểm và sử dụng các thông số: O3, PM-10, PM-2.5, CO, NO2, SO2. Các ứng dụng hay website hiện nay thực tế chỉ hiển thị kết quả mà không nói rõ cách tính toán để người dùng có thể hiểu cặn kẽ của vấn đề thì có lẽ chỉ nên dùng để tham khảo.

Tuy nhiên, dù kết quả của các ứng dụng hay website hiển thị chỉ số AQI chỉ dùng để tham khảo thì không thể phủ nhận rằng không khí tại Hà Nội hiện nay cũng đang là ô nhiễm và gây nguy hại. Bằng chứng là các số liệu từ các cơ quan nhà nước, các ứng dụng độc lập có thể khác nhau nhưng chỉ số AQI chung cho Hà Nội vào các giờ cao điểm luôn ở mức rất cao. Để chống ô nhiễm không khí, chính quyền địa phương cần phải thực hiện ngay các giải pháp như có chế tài và xử nghiêm các công trình xây dựng không đảm bảo việc che chắn, vận chuyển vật liệu xây dựng phát tán cát bụi ra môi trường, tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên; tăng cường phương tiện giao thông công cộng như: xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm và hình thức giao thông không gây ô nhiễm...

T.T

Chủ đề khác