VnReview
Hà Nội

Sản xuất thuốc bổ từ rác thải nông nghiệp

Người nông dân Australia đang hy vọng không lâu nữa họ sẽ có thể sản xuất ra các viên thuốc bổ từ bông cải xanh và súp lơ. Nhu cầu về các chất bột và chất bổ sung giàu dinh dưỡng sẽ tạo ra một thị trường mới cho các loại rau quả, giúp giải quyết vấn đề rác thải nông nghiệp.

Các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe luôn khuyến cáo chúng ta nên thường xuyên ăn rau xanh vì những lợi ích to lớn của nó đối với sức khỏe con người, trong đó có bông cải xanh (súp lơ xanh) là một loại thực phẩm được ưa chuộng nhất trong các món rau. Và đặc biệt hơn khi mới đây, những người nông dân Australia đã bắt đầu triển khai công trình nghiên cứu nhằm biến các loại rác thải nông nghiệp từ rau, củ, quả sau khi thu hoạch, thành các loại thảo dược có lợi cho sức khỏe con người.

Australia đang hy vọng không lâu nữa sẽ có thể sản xuất ra các viên thuốc bổ từ bông cải xanh và súp lơ

Giải quyết bài toán lãng phí

Đây là ý tưởng của ông John Said, chủ một chuỗi trang trại rộng lớn hơn 2.000ha trên khắp Australia đưa ra. Người chủ trang trại này cho biết: "Chúng tôi luôn đau đáu về tình trạng lãng phí thực phẩm là rau xanh, về vấn đề sản lượng khi thu hoạch. Và những người nông dân trên thế giới, trong đó có cả chúng tôi chưa bao giờ thực sự sở hữu được một thị trường nông sản hay một tiến trình cụ thể để có được biện pháp giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm đó. Nhưng hiện giờ, tôi cho rằng chúng tôi đang có được giải pháp giải quyết tình trạng này".

Cũng theo ông John Said, thông thường các nhà nông cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch nông sản, đặc biệt là hoa màu, có tới 15% các loại rau, củ, quả bị hư hỏng, không sử dụng được buộc phải bỏ đi. Tuy nhiên, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Kỹ nghệ Australia (CSIRO) đã hợp tác với ông John Said, đề nghị cùng xử lý sản lượng bông cải xanh và súp lơ bị hư hỏng sau khi thu hoạch thành thuốc bổ. Bởi theo bà Lucas Sanguansri, người đứng đầu dự án này khẳng định, bông cải xanh và súp lơ là loại rau bổ dưỡng nhất, giàu protein, nhất là bông cải xanh có đến 30% là chất đạm.

Sau khoảng thời gian 18 tháng làm việc liên tục, các nhà khoa học và các nhà nông Australia đã tạo ra được loại bột khô có chứa gần như toàn bộ các chất dinh dưỡng tương tự như trong bông cải xanh bình thường. Tiếp đó, các nhà khoa học đã dùng loại bột này để xản xuất ra các loại đồ ăn nhẹ, thức uống hay các loại thực phẩm bổ sung như cho thêm omega 3 vào các viên thuốc bột bông cải xanh.

"Chúng tôi đã khoanh vùng được các khu vực thải rau, củ, quả trên toàn quốc và sắp tới sẽ tiến hành xây dựng các nhà máy để chế biến những loại nông sản này thành các nguyên liệu để sản xuất thực phẩm và dược phẩm", Pablo Juliano, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Tương lai của công nghệ chế biến rau, quả thành thảo dược

Bên cạnh nghiên cứu để cho ra loại thảo dược mới, CSIRO đã thực hiện một nghiên cứu độc lập liên quan đến việc lãng phí các loại nông sản này. Kết quả cho thấy có đến 1,5 triệu tấn rau, củ, quả bị vứt bỏ sau khi thu hoạch và trước khi được đưa tới các quầy hàng thực phẩm trong siêu thị. Hiện CSIRO đang cho xây dựng 2 nhà máy chế biến nông sản ở Gippsland (bang Victoria) và Townsville (bang Queensland) của Australia.

Ngoài CSIRO, Công ty Kagome chuyên chế biến cà chua và cà rốt tại bang Victoria (Australia) cũng đang theo đuổi ý tưởng trên. Kagome đã xây dựng nhà máy ở bang này với công suất chế biến khoảng hơn 18.000 tấn cà rốt mỗi năm, trong đó có đến ¼ là cà rốt bị loại bỏ. Theo đó, sau khi sản xuất nước ép cà rốt thì chất xơ cà rốt sẽ bị loại bỏ, tuy nhiên công ty đã sử dụng nó để sản xuất các loại bánh nhân thịt và xúc xích (nguyên liệu là bã cà rốt). Và công ty cũng đang chuyển hướng sang sản xuất các loại sản phẩm có giá trị cao hơn như là thực phẩm bổ sung hiện nay.

Hiện tại, các công ty dược phẩm địa phương của Australia đang phải tốn quá nhiều chi phí cho các loại nguyên liệu, và họ đang hướng tới việc dần loại bỏ nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm và thực phẩm mà thay vào đó là các loại nông sản trong nước như bông cải xanh, súp lơ, cà rốt, cà chua…

Như vậy, có thể thấy một ngành công nghiệp mới với rất nhiều tiềm năng đang được hình thành cho người nông dân trồng rau ở Australia, góp phần giải quyết được tình trạng bỏ phí rau, quả sau mỗi mùa thu hoạch như hiện nay.

Về thực phẩm bổ sung, các công ty dược phẩm địa phương ở Australia như Swisse hiện đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu, trong đó có quả nho. Ông Justin Howden thuộc Công ty Swisse cho biết: Trái cây và rau quả trồng tại Australia rất có khả năng thay thế một số mặt hàng nhập khẩu và công ty của ông sẽ đi tiên phong trong việc tạo các dược phẩm mới từ rau, quả.

Theo An Ninh Thủ Đô

Chủ đề khác