VnReview
Hà Nội

Vì sao chỉ số ô nhiễm không khí AirVisual và cơ quan quản lý công bố khác nhau?

Cùng lấy dữ liệu từ một trạm quan trắc nhưng cách đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của AirVisual và các cơ quan chức năng Việt Nam lại khác nhau dẫn đến việc số liệu chênh lệch.

AirVisual do AQI bằng cách nào?

AirVisual thực chất không phải xuất phát từ một tổ chức bảo vệ môi trường nào mà là sản phẩm của công ty IQAir. Đây là một công ty đến từ Thụy Sĩ chuyên về các thiết bị theo dõi chất lượng, màng lọc và máy lọc không khí. Theo những thông tin được công bố thì AirVisual là ứng dụng cung cấp chỉ số AQI rất lớn hiện nay với dữ liệu từ khoảng 10.000 thành phố tại hơn 80 quốc gia.

Những ngày gần đây, trước những thông tin hoang mang về việc Hà Nội có chỉ số AQI cao nhất thế giới cùng lời đồn đoán Thủ đô Việt Nam ô nhiễm nhất thế giới thì AirVisual bỗng 'nổi như cồn' tại Việt Nam. Và cũng từ đây, chúng ta mới có những thông tin từ chính AirVisual cung cấp để hiểu hơn về cách đo chất lượng không khí của đơn vị này.

Cụ thể, theo những thông tin từ AirVisual công bố thì đơn vị này thu thập dữ liệu từ nhiều trạm kiểm soát không khí, trong đó có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (http://moitruongthudo.vn/), Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành.

Tuy nhiên, tại mỗi trạm quan trắc thì AirVisual chỉ lấy dữ liệu từng thành phần không khí riêng để tự tính toán chứ không lấy luôn chỉ số AQI mà trạm quan trắc đó tính. Đồng thời, ứng dụng này tính chỉ số chất lượng không khí (AQI) tổng thể là chỉ số của chất gây ô nhiễm nhiều nhất. Cùng với đó, AirVisual cũng sử dụng công thức tính toán AQI của Mỹ, trình bày dữ liệu theo thời gian thực.

Chỉ số AQI của toàn thành phố được AirVisual tính theo công thức lấy giá trị trung bình của các điểm quan trắc trong thành phố đó. Về bảng xếp hạng các thành phố có AQI cao nhất thì đây chỉ là một dữ liệu để tham khảo. Bởi hiện tại bảng xếp hạng này do AirVisual cung cấp mới có hơn 90 thành phố trong tổng cộng 10.000 thành phố mà ứng dụng này có dữ liệu. Điều này có nghĩa Hà Nội trong một số thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng này thì cũng chỉ là đứng đầu về AQI theo cách tính của AirVisual trong hơn 90 thành phố đó.

Vì sao AQI do AirVisual và cơ quan quản lý công bố lại khác nhau?

Để hiểu được điều này, chúng ta phải biết rằng chỉ số chất lượng không khí AQI được tính theo những cách khác nhau và lấy dữ liệu theo các thông số khác nhau ở từng quốc gia. Trên thế giới hiện nay có 3 cách tính AQI khác nhau, các nước tùy theo điều kiện của mình để áp dụng.

Như tại Anh, Pháp hay Canada, họ không dùng thang điểm từ 0 đến trên 300 như Việt Nam mà dùng thang điểm từ 1 đến trên 10 và người ta gọi đây là cách sử dụng bảng đối chiếu với các thông số dùng để tính là NO2, SO2, O3, CO, PM-10.

Tại Việt Nam hay Úc sử dụng phương pháp sử dụng công thức đơn giản với 5 thang điểm.

Còn tại Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan... người ta dùng công thức phức tạp với 6 thang điểm và sử dụng các thông số: O3, PM-10, PM-2.5, CO, NO2, SO2.

Các ứng dụng hay website cung cấp chỉ số AQI hiện nay thực tế chỉ hiển thị kết quả mà không nói rõ cách tính toán để người dùng có thể hiểu cặn kẽ của vấn đề thì có lẽ chỉ nên dùng để tham khảo.

AirVisual viết 'tâm thư' cho rằng Hà Nội không phải là thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Điều này có nghĩa để ra được chỉ số AQI thì các cơ quan hay ứng dụng đều lấy dữ liệu về chất gây ô nhiễm trong không khí từ các trạm quan trắc nhưng sau đó sử dụng các công thức và thông số khác nhau. Chỉ số AQI do AirVisual công bố trên ứng dụng được đo theo công thức của Mỹ với các thông số được sử dụng là thông số: O3, PM-10, PM-2.5, CO, NO2, SO2. Trong khi đó, chỉ số AQI của Việt Nam được tính theo hướng dẫn tại quyết định 878/QĐ-TCMT với các thông số SO2, CO, NOx, O3, PM10, TSP (bụi lơ lửng). Đây chính là điều căn bản nhất dẫn tới kết quả chênh lệch trong chỉ số AQI của cơ quan chức năng Việt Nam so với AirVisual công bố.

Chính cách tính khác biệt cũng tạo ra sự khác nhau trong thang đo AQI của AirVisual và cơ quan chức năng Việt Nam. Tại Việt Nam, thang đo AQI được chia làm 5 bậc khi thang đo của Mỹ là 6 bậc. Sự khác nhau này đến từ việc mở mức AQI 101 - 200, Tổng cục môi trường quy định là chất lượng không khí kém còn thang đo của Mỹ quy định 101 - 150 là 'không tốt cho người nhạy cảm' còn 151 - 200 là 'không tốt'.

Như vậy, từ việc AirVisual cung cấp thông tin rằng ứng dụng của mình tính theo chỉ số AQI của Mỹ thì có thể thấy về cơ bản cách tính toán khác nhau và các thông số lấy về khác nhau dẫn đến sự khác biệt về số liệu AQI do cơ quan chức năng Việt Nam và AirVisual công bố.

Về phía AirVisual, ngày 6/10 trên website của mình đã thừa nhận Hà Nội không phải thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. "Chúng tôi nhận thấy nhiều người Việt lo ngại khi Hà Nội đứng top 1 trong bảng xếp hạng thành phố ô nhiễm theo thời gian thực của chúng tôi. Chúng tôi muốn mọi người nhận thức rằng điều này không có nghĩa Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới", AirVisual viết.


T.T

Chủ đề khác