VnReview
Hà Nội

Sao Thổ vượt Sao Mộc trở thành hành tinh có nhiều vệ tinh xoay quanh nhất trong Hệ Mặt Trời

Sao Thổ, hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt Trời, mới đây đã chính thức được phát hiện có tới có 82 vệ tinh xoay quanh, qua đó vượt qua con số 79 của "người hàng xóm" sao Mộc.

Sao Thổ đã vượt qua sao Mộc, trở thành hành tinh có nhiều vệ tinh nhất trong Hệ Mặt Trời, sau khi các nhà thiên văn học phát hiện thêm 20 khối đá đang xoay quanh hành tinh khí có vành đai này. Nhờ đó, tổng số vệ tinh của sao Thổ đã tăng lên 82, vượt qua con số 79 vệ tinh của sao Mộc, "người hàng xóm" có kích thước lớn hơn nhiều so với hành tinh này.

"Thật thú vị khi phát hiện ra những vệ tinh này," Scott Sheppard, nhà thiên văn học và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Carnegie tại Washington D.C, Mỹ cho biết. "Những vệ tinh này cách hành tinh chủ rất xa." Mỗi vệ tinh có đường kính khoảng 3 dặm (khoảng 4,83 km).

Các nhà khoa học đã phát hiện ra những vệ tinh này sau khi dựng thuật toán để phân tích những bức ảnh được chụp từ nhiều thập niên trước đây với kính viễn vọng Subaru, đặt tại Mauna Kea, Hawaii. Thông qua việc so sánh những bức ảnh được chụp qua nhiều giờ, nhiều này, thuật toán đã phân biệt được đâu là những ngôi sao và thiên hà đang đứng yên, và đâu là những vệ tinh đang di chuyển xung quanh hành tinh chủ.

Ở buổi đầu khi mới hình thành Hệ Mặt Trời, một đám bụi và khí lớn xoay quanh Mặt Trời đã hình thành nên 8 hành tinh lớn mà chúng ta biết ngày nay. Tuy nhiên Sheppard tin rằng một thời gian ngắn sau khi Sao Thổ được hình thành (khoảng 4 tỷ năm trước), những tiểu hành tinh và sao chổi bay ngang qua đã bị lực hấp dẫn của hành tinh này "giữ" lại và chúng quay xung quanh Sao Thổ kể từ đó đến nay.

Tuỳ thuộc vào góc bay của từng vật thể, các sao chổi và tiểu hành tinh đi ngang qua Sao Thổ ở khoảng cách quá gần trong thời kỳ sơ khai của Hệ Mặt Trời đã bị "giữ" lại và bay theo những quỹ đạo rất khác nhau xung quanh hành tinh này. Chỉ có 3 trong số các vệ tinh mới phát hiện có quỹ đạo quay quanh Sao Thổ cùng hướng với hướng vệ tinh đó tự quay quanh chính nó (gọi là vệ tinh "prograde"). 17 vệ tinh còn lại có hướng quay ngược lại (gọi là vệ tinh "retrograde"). Trong số 20 vệ tinh mới được phát hiện, có một vệ tinh có vị trí nằm ở vị trí xa nhất so với tất cả các vệ tinh của hành tinh này.

Các vệ tinh xung quanh Sao Thổ thường được chia làm ba nhóm, theo cách chúng quay xung quanh hành tinh. Hai trong số 20 vệ tinh phát hiện được thuộc nhóm "prograde" quay quanh Sao Thổ theo một góc 46 độ. Những vệ tinh này được đặt tên theo thần thoại Inuit, có thể là những mảnh vỡ của một vệ tinh lớn hơn nhưng đã bị vỡ ra từ rất lâu trong quá khứ.

Những vệ tinh mới phat hiện thuộc nhóm "retrograde" nhiều khả năng còn thuộc một nhóm khác được đặt tên theo thần thoại Norse, và cũng được cho là những mảnh vỡ còn sót lại của một vệ tinh lớn hơn, nhưng đã bị vỡ ra thành nhiều mảnh từ thời kỳ Hệ Mặt Trời mới hình thành và những va chạm diễn ra rất khắc nghiệt.

"Cách phân nhóm vệ tinh này cũng tương tự như với sao Mộc, chứng tỏ trước đây đã từng có những va chạm rất mãnh liệt giữa các vệ tinh của sao Thổ hoặc với các vật thể bên ngoài, chẳng hạn như các tiểu hành tinh và sao chổi bay ngang qua," Sheppard cho biết.

Phát hiện này được công bố bởi Trung tâm nghiên cứu hành tinh nhỏ, thuộc Hiệp hội Thiên văn Quốc tế hôm thứ Hai vừa qua.

Quang Huy

Chủ đề khác