VnReview
Hà Nội

Các nhà khoa học lừa kẻ săn trộm bằng sừng tê giác giả làm bằng lông ngựa

Các nhà khoa học có thể đánh lừa những kẻ săn trộm bằng cách làm sừng tê giác giả từ lông ngựa.

Các nhà khoa học lừa kẻ săn trộm bằng sừng tê giác giả làm bằng lông ngựa

Theo Bgr, từ rất lâu, tê giác đã ở bên bờ tuyệt chủng do nạn săn bắt trộm để lấy sừng. Một số loại tê giác – ví dụ như tê giác đen - bị tuyệt chủng ở những khu vực mà chúng từng phát triển mạnh. Tình hình là vô cùng cấp bách và những nỗ lực bảo vệ loài động vật này dường như vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học dường như đã tìm ra một giải pháp mới.

Theo một công bố khoa học gần đây, các nhà nghiên cứu đã giải thích cách họ sản xuất sừng tê giác giả bằng lông ngựa. Sừng giả có hình dáng và tạo ra cảm giác y như thật, và thậm chí thành phần hóa học của sừng giả cũng tương tự như sừng thật. Điều này có thể giúp thay đổi mọi thứ trong tương lai.

Những kẻ săn trộm săn tê giác vì thị trường có nhu cầu rất cao về sừng của chúng. Sừng tê giác được sử dụng trong một số nền văn hóa như một thành phần dược liệu, trong khi ở một số nơi khác nó được xem như vật liệu điêu khắc. Nhu cầu sừng tê giác cao đến nỗi nó có thể quy đổi ngang trọng lượng với vàng.

Bất chấp việc nhiều người tin vào công dụng được thổi phồng của sừng tê giác thì thực sự thành phần của nó cũng giống như chất tạo ra tóc của chúng ta. Vì vậy, các nhà khoa học đã chọn lông ngựa thay thế và phát triển một phương pháp kết hợp chặt chẽ chúng lại với nhau. Kết quả, họ tạo ra một cấu trúc giống với sừng tê giác khi nhìn trực quan hoặc thậm chí là kiểm tra qua kính hiển vi.

Các nhà khoa học lừa kẻ săn trộm bằng sừng tê giác giả làm bằng lông ngựa

Trong hình trên, A và C là sừng thật, còn B và D là sừng giả từ lông ngựa. Sừng giả có thể được sử dụng theo tất cả các cách mà sừng thật có thể. Sẽ rất khó dùng mắt thường và các công cụ khoa học để phân biệt được đâu là sừng thật, đâu là sừng giả.

Tất nhiên, ý tưởng này không phải là gắn sừng giả cho tê giác, thay vào đó nó sẽ được tuồn vào thị trường chợ đen. Với nhu cầu điên rồ về sừng tê giác và thị trường hoàn toàn không được kiểm soát, việc trộn sừng giả vào sừng thật có vẻ như sẽ không có vấn đề gì lớn.

Nếu sừng tê giác giả được sản xuất đủ, giá sẽ bắt đầu xuống thấp và từ đây nạn săn trộm có thể sẽ giảm. Cuối cùng, những rủi ro của việc săn trộm những con vật như vậy sẽ bắt đầu lớn hơn những lợi ích mà kẻ săn trộm có thể đạt được. Và nó có thể kéo theo sự sụp đổ của cả thị trường đen về sừng tê giác. Dù sao, điều này cũng mới chỉ dừng lại ở mức hi vọng.

Bạch Đằng

Chủ đề khác