VnReview
Hà Nội

Để thay đổi cách nghĩ, hãy thay đổi cách bạn nhìn

"Think Different" (Hay nghĩ khác) là nội dung thông điệp quảng cáo nổi tiếng năm 1997 của Apple. Rõ ràng, đó là lời khuyên tuyệt vời với những người sáng tạo, đổi mới và doanh nhân.

Nhưng, cùng với suy nghĩ khác biệt để đưa ra những ý tưởng hay sản phẩm mới mang tính cách mạng, cũng có cách nhìn khác. Những nhà sáng tạo, nhà đổi mới và doanh nhân vĩ đại nhìn thế giới theo những cách khác với cách nhiều người trong chúng ta nhìn vào mọi thứ. Đây là lý do tại sao họ nhìn ra cơ hội mà người khác bỏ lỡ.

Câu chuyện về Velcro được nhiều người biết đến. George de Mestral, một kỹ sư người Thụy Sĩ đã quyết định tìm hiểu kỹ hơn về các quả dại có gai mà anh thấy bám vào quần áo sau khi đi dạo trong rừng. Anh lấy kính hiển vi ra và thấy rằng thiên nhiên đã thiết kế những chiếc móc trên loại quả này, sau đó chúng tự gắn vào các sợi vòng trong quần áo. Và dây khóa Velcro đã ra đời, bao gồm 2 dải băng, một dải chứa hàng nghìn cái móc li ti, dải còn lại thì sở hữu hàng nghìn những vòng tròn cũng nhỏ không kém. (Ngày nay, có cả một lĩnh vực, được gọi "Phỏng sinh học" (Biomimetics), chuyên việc bắt chước tự nhiên để giải quyết các vấn đề của con người.)

Để thay đổi cách nghĩ, hãy thay đổi cách bạn nhìn

So với Velcro câu chuyện của Softsoap ít được biết đến hơn, nhưng cũng nổi tiếng. Một doanh nhân người Mỹ, Robert Taylor, đã quyết định xem xét kỹ hơn về cách các miếng xà phòng thực tế ra sao sau khi được bóc khỏi vỏ hộp và sử dụng trong phòng tắm. Ông nhận thấy có một vũng nước khó chịu trong chiếc kệ đựng xà phòng trong khi nhà tắm sáng đẹp long lanh. Từ đó, phương án ông giải quyết là thay vì dùng bánh xà phòng, xà bông lỏng được bơm từ một chiếc chai xinh đẹp, đây là cách Softsoap, đã thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp xà phòng, ra đời.

Hai doanh nhân xuất sắc đã nhìn mọi thứ khác nhau. Dù thông qua kính hiển vi hay cận cảnh sự vật, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, họ đã thực hiện bước quan trọng để nhìn vào sự quen thuộc theo một cách lạ lẫm. Nhà toán học vĩ đại người Pháp Blaise Pascal đã nói: "Những bộ óc nhỏ bé quan tâm đến những thứ phi thường, còn những bộ óc vĩ đại quan tâm tới những điều bình thường". Có vẻ như ông đã nghĩ đến một điều tương tự: Hãy nhìn vào những gì ngay trước mắt chúng ta, nhưng hãy nhìn theo cách khác hầu hết mọi người.

Có một từ mô tả cho hoạt động này: lạ hóa, hoặc làm cho khác lạ (defamiliarization). Vào đầu thế kỷ XX, nhà lý luận văn học người Nga tên là Viktor Shklovsky đã chỉ ra cách Tolstoy đạt được hiệu quả cao trong các tác phẩm thông qua các kỹ thuật như mô tả các vật thể từ một quan điểm bị bóp méo và từ chối sử dụng tên thông thường cho các vật thể, và nói chung là "làm cho lạ''. Sau đó, đạo diễn vĩ đại người Pháp Jean-Luc Godard đã cách mạng hóa điện ảnh với việc sử dụng các bước nhảy cắt trong Breathless (một bộ phim truyền hình tội phạm của Pháp năm 1960 được viết và đạo diễn bởi Jean-Luc Godard về một tên tội phạm lang thang và bạn gái người Mỹ). Sự đổi mới này có vẻ đã gây trở ngại cho bộ phim vì tại thời điểm đó khán giả quen với mạch phim như một dòng chảy liên tục trơn tru. Rốt cuộc, một dòng chảy liên tục là cách chúng ta trải nghiệm hình ảnh nhờ vào hoạt động của bộ não. Đây là sự quen thuộc. Nhưng Godard đã quyết định phá vỡ dòng chảy này để buộc chúng ta phải tránh xa những giả định thông thường và xem các nhân vật, theo nghĩa đen, xuất hiện thất thường và mất kết nối. Bây giờ, chúng ta cảm nhận được cảm giác cô lập của các nhân vật và cả những nỗ lực của họ - không thành công và bi thảm - để kết nối với nhau. Godard nâng kỹ thuật lạ hóa từ trang sách lên màn hình.

Các ví dụ về những nghệ sĩ vĩ đại này cung cấp cho tất cả mọi người - bao gồm các doanh nhân - một số lời khuyên ngừng nhìn thế giới theo cách quen thuộc và bắt đầu nhìn theo những cách không quen thuộc và rộng rãi hơn. Khi chúng ta nhìn vào thế giới, chúng ta không nên chỉ kiểm tra mà còn kiểm tra với một quan điểm khác biệt có chủ ý. Không chỉ gọi tên cho những gì xung quanh chúng ta, mà nghĩ ra các tên mới. Không chỉ xem xét toàn bộ, mà phá vỡ mọi thứ thành từng mảnh. Những kỹ thuật này có thể giúp chúng ta thấy con đường đến với cái mới và cách mạng, dù là trong nghệ thuật hay trong kinh doanh.

Thám tử Sherlock Holmes đã từng có câu nói nổi tiếng với bác sĩ Watson: "Anh nhìn thấy, nhưng anh không quan sát. Sự khác biệt rất rõ ràng". Nhà tâm lý học và nhà văn Maria Konnikova, trong cuốn sách Mastermind: How to Think Like Sherlock Holmes đưa ra nhiều lời khuyên khác về cách vượt qua sự quen thuộc và thay vào đó là quan sát, thực sự quan sát. Bà viết: "Để quan sát, bạn phải học cách tách biệt tình huống khỏi sự diễn giải, bản thân bạn khỏi những gì bạn đang thấy". Một kỹ thuật để cải thiện khả năng vận hành theo cách này, Konnikova gợi ý nên mô tả một tình huống quan tâm thành tiếng hoặc viết cho một người bạn. Thám tử Holmes đã sử dụng Watson theo cách này để nói qua những quan sát của anh ta khi điều tra một vụ án, và thông thường, chính nhờ bài tập này mà những điểm chính trong vụ án sẽ trở nên rõ ràng. Đây là một kỹ thuật khác để các nghệ sĩ và doanh nhân tham vọng - và tư vấn cho các thám tử - có thể thử.

Bộ não của chúng ta được thiết kế để ngăn chúng ta chú ý quá nhiều. Điều này được thể hiện rõ bằng ảo ảnh quang học gọi là Troxler fading (được đặt theo tên của bác sĩ Thụy Sĩ thế kỷ XIX, người đã phát hiện ra hiệu ứng này). Nếu một hình ảnh ổn định được trình bày trong khu vực của tầm nhìn ngoại vi (vùng nằm ngoài khu trung tâm những gì bạn nhìn thấy rõ), chúng ta thực sự ngừng nhìn thấy nó sau một thời gian. Hiện tượng này - thuật ngữ khoa học thần kinh nói chung là thói quen - có lẽ chỉ ra cách bộ não chúng ta hoạt động. Các nơ-ron ngừng bắn một khi chúng có đủ thông tin về một kích thích không thay đổi. Nhưng điều này không có nghĩa là thói quen luôn là bạn của chúng ta.

Chúng ta có thể nghĩ về nỗ lực không chỉ là nghĩ khác, mà còn nhìn khác, như một cách chống lại xu hướng chìm đắm vào cách nhìn và trải nghiệm quen thuộc. Một cách mà các nghệ sĩ, doanh nhân và nhà sáng tạo vĩ đại đưa ra những hiểu biết cho phép họ thay đổi thế giới là, theo nghĩa đen, họ không nhìn thấy cách mà hầu hết chúng ta làm. Phương pháp của họ dạy chúng ta rằng bằng cách nhìn khác đi, cuối cùng chúng ta có thể thấy những gì chưa ai thấy. Đây là cách tương lai được xây dựng.

Trường Sơn theo Harvard Business Review; 

Chủ đề khác