VnReview
Hà Nội

Tỷ lệ giết người đang giảm trên toàn thế giới và nguyên nhân đơn giản vì chúng ta đang già đi

Luận điểm tưởng chừng rất hài hước này lại vô cùng thuyết phục khi kết hợp với các số liệu thống kê và phân tích khoa học.

Người dân Mỹ đang sống vào thời điểm ghi nhận tỷ lệ tội phạm thấp nhất từ trước đến nay và người dân ở nhiều nước cũng như vậy.

Sau nhiều thập kỷ gia tăng tội phạm trong thập niên 1960, thập niên 70 và 80, tỷ lệ giết người ở Mỹ giảm gần 40% trong suốt thập niên 1990 và giữ ở mức thấp đó tới nay.

Hầu hết lời giải thích đều cho rằng, sự suy giảm bạo lực này có công lớn của các chính trị gia và các chính sách luật pháp. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây cho thấy, sự suy giảm tội phạm không chỉ xảy ra ở Mỹ mà là trên khắp thế giới và nguyên nhân thì có rất nhiều.

Sự suy giảm bạo lực trên toàn cầu cho thấy các chính sách pháp luật ở từng quốc gia đã có những tác động tích cực đến tỷ lệ phạm tội giết người. Bên cạnh đó, một nguyên nhân được các nhà nghiên cứu chỉ ra, đó là tình trạng già hóa dân số ở các quốc gia. Việc dân số thế giới già đi nhanh chóng cũng dẫn tới việc tỷ lệ giết người giảm thấp.

Tỷ lệ giết người giảm trên quy mô toàn cầu

Thế giới đã chứng kiến sự suy giảm tỷ lệ giết người trong 3 thập kỷ trước. Trên thực tế các nhà nghiên cứu đã quan sát các mô hình tội phạm giết người ở khắp các quốc gia trên thế giới và nhận thấy, chúng rất giống nhau. Mặc dù các quốc gia có nền văn hóa, tôn giáo, chính sách pháp luật và hệ thống quản trị khác nhau nhưng cả Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Đại Dương đều ghi nhận tỷ lệ phạm tội giết người giảm trong khoảng thời gian tương tự.

Tỷ lệ phạm tội giết người đã giảm mạnh trên thế giới, đặc biệt tại khu vực Bắc Mỹ, Châu Á và Tây Âu kể từ năm 1990 đến năm 2015

Từ năm 1990 đến 2015 ở cả Bắc Mỹ và Tây Âu cho thấy, tỉ lệ nạn nhân bị giết trên 100 ngàn người đã giảm 46%. Trong khi ở Châu Á, số nạn nhân đã giảm 38% và Châu Đại Dương là 22%. Tỷ lệ nạn nhân bị giết giảm mạnh nhất chủ yếu ở các khu vực được cho an toàn nhất trên thế giới. Ví dụ tỷ lệ giết người đang giảm mạnh ở Châu Á và Tây Âu.

Tất nhiên vẫn có hai trường hợp ngoại lệ với xu hướng tích cực trên. Châu Phi và khu vực Mỹ La Tinh vẫn là những nơi ghi nhân tỷ lệ tội phạm giết người khá cao. Trên thực tế kể từ năm 1990 đến nay, Mỹ La Tinh đã ghi nhận tỷ lệ giết người tăng 9%. Điều này cũng dễ hiểu khi người dân ở khu vực này có mức sống chưa cao và tình hình tệ nạn xã hội còn rất nhiều.

Nguyên nhân dẫn tới suy giảm tỷ lệ phạm tội giết người

Các nhà khoa học xã hội đều không chắc chắn về nguyên nhân của sự suy giảm này. Trong khi đó các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và các quan chức lập pháp cho rằng, những nguyên nhân khả dĩ gồm: lượng tù nhân gia tăng, thị trường buôn bán ma túy bị kiểm soát gắt gao, đổi mới trong chính sách, nền kinh tế phát triển, tăng nhập cư và hợp pháp hóa phá thai.

Đặc biệt có một nguyên nhân được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình nhất, chính là tuổi tác của người dân.

Từ năm 1950 đến 2019, độ tuổi trung bình của người dân trên thế giới đã tăng từ 24 lên 31 tuổi. Tình trạng già hóa dân số không chỉ gây áp lực đối với nền kinh tế mà còn là nòi giống và tỷ lệ phạm tội.

Biểu đồ cho thấy tỷ lệ phạm tội giảm dần trong độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi

Thoạt nghe dân số già hóa có vẻ như không liên quan đến tội phạm nhưng thực tế ngược lại, dân số già hóa là động lực làm giảm tội phạm. Nghiên cứu cho thấy, giai đoạn dễ phạm tội chủ yếu là tuổi thanh thiếu niên. Sau đó nguy cơ phạm tội, đặc biệt là giết người giảm dần khi về già. Do đó hầu hết các quốc gia có tỷ lệ tội phạm cao chủ yếu là các quốc gia có đông dân số và dân số chủ yếu là thanh thiếu niên.

Bên cạnh đó nghiên cứu cũng cho thấy, ở các quốc gia có đông người già, trật tự xã hội cũng yên bình hơn.

Theo Quartz, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu giết người từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Văn phòng Liên Hợp Quốc (LHQ) về Ma túy và tội phạm, cộng với dữ liệu của LHQ về độ tuổi của người dân ở các quốc gia.

Sau khi tổng hợp tất cả các đặc điểm liên quan như tỷ lệ nam giới, bất bình đẳng trong xã hội,…nhóm đã phát hiện thấy tỷ lệ dân số của một quốc gia trẻ có độ tuổi từ 15-29 tuổi là tiền đề dự đoán xu hướng tội phạm giết người ở nước đó kể từ năm 1960.

Tại Mỹ, tỷ lệ giết người gia tăng trong những năm 1960 và 1970 song song với tốc độ gia tăng dân số trẻ ở Mỹ lúc bấy giờ. Mặc dù vậy số vụ giết người đã giảm rõ rệt vào những năm 1980, theo xu hướng những đứa trẻ dần trưởng thành.

Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác cũng ghi nhận tỷ lệ giết người giảm mạnh kể từ những năm 1990 song song với sự già hóa dân số, ví dụ như Canada, Áo, Nhật Bản và Ý.

Nghiên cứu trên đã đem tới một góc nhìn hoàn toàn mới về tác động của tuổi tác tới tỷ lệ giết người. Nhưng nghiên cứu trên vẫn còn tồn tại một điểm hạn chế khi bộ dữ liệu chưa được đầy đủ. Cụ thể nhiều quốc gia không cung cấp đủ các dữ liệu đáng tin cậy, đặc biệt về các thông tin như quyền sở hữu súng, tệ nạn ma túy, tội phạm có tổ chức, sức mạnh răn đe của pháp luật và các tổ chức trị an.

Tiến Thanh

Chủ đề khác