VnReview
Hà Nội

Nếu bạn cảm thấy đói cồn cào, thì đây có thể là lý do

Tại sao chúng ta thường cảm thấy đói dù cơ thể không thực sự cần đến thức ăn. Nếu bạn muốn có một cơ thể khỏe mạnh, thì hãy học cách lắng nghe cơ thể mình. Hãy cùng điểm qua một số ít lý do khiến bạn cảm thấy đói.

Không uống đủ nước

Nước rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Nó giữ cho các cơ quan nội tạng được khỏe mạnh và các chức năng của cơ thể hoạt động một cách trơn tru. Không uống đủ nước có thể dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm cả "một chiếc bụng đói". Vậy, lý do là gì?

Nếu bạn chỉ uống nước khi ăn, cơ thể sẽ gặp bối rối khi phân biệt khát và đói. Kết quả là, bạn có thể sẽ ăn quá mức và không hề cần thiết. Hãy tự hỏi đã bao giờ bạn có thể tăng thêm hai hoặc ba bữa ăn nhẹ một ngày, mặc dù trước đó đã dùng bữa ăn chính? Đây có thể là nguyên nhân.

Một nguyên tắc nhỏ là hãy thử uống một cốc nước đầy khi bạn cảm thấy đói và cảm nhận xem bạn cảm thấy thế nào sau đó. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng uống hai cốc nước trước bữa ăn có thể giúp bạn nạp vào ít hơn tới 600 calo so với mức ăn bình thường. Đây là lý do tại sao nước có liên quan đến phương pháp giảm cân.

Để giữ cho cơ thể luôn đủ nước, hãy tập thói quen mang theo một chai nước ở bất cứ đâu và cố gắng uống 10-15 ly nước theo như khuyên dùng mỗi ngày.

Không dùng đúng loại thực phẩm

Cơ thể chúng ta cần ba chất dinh dưỡng đa lượng chính để duy trì năng lượng đó là carbohydrate, protein và chất béo. Nếu bạn nạp vào đúng liều lượng, chúng có thể giúp bạn kiểm soát cơn đói vì mang đến cảm giác no lâu hơn và vì thế dễ dàng tránh xa các món ăn vặt không lành mạnh. Tuy nhiên, chất xơ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chế độ ăn của bạn. Thực phẩm giàu chất xơ sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa, vì vậy sẽ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu lâu hơn.

Nếu bạn theo dõi lượng thức ăn nạp vào trên bằng các ứng dụng hoặc tạp chí, bạn có thể đảm bảo lượng calo được cân bằng tốt và cung cấp cho bản thân tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để giữ cơ thể khỏe mạnh và cân đối.

Stress

Khi bạn gặp căng thẳng, cơ thể sẽ tự động phản ứng sinh lý gọi là phản ứng tăng nhạy cảm quá độ, gây ra một loạt các triệu chứng liên quan đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Một trong số đó là rối loạn ăn uống. Thủ phạm là hormone chống căng thẳng cortisol mà cơ thể sản sinh để đối phó.

Cortisol làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến. Phản ứng kèm theo là sự thèm muốn và cảm giác đói đeo bám liên tục. Đó là lý do tại sao một số người bị stress cực độ thường ăn rất nhiều và tăng cân chỉ trong một thời gian ngắn.

Mặc dù không có cách nào cụ thể để chống lại tác dụng của cortisol lên cơn thèm ăn, bạn vẫn có thể giải quyết vấn đề ngay từ nguyên nhân. Thiền và tự chăm sóc bản thân là những cách cực kỳ hữu hiệu để giảm mức độ stress, giúp bạn kiểm soát tốt hơn cảm xúc, cơ thể và những gì nạp vào.

Thiếu ngủ

Cũng giống như nước, nếu bạn không ngủ đủ giấc, nó có thể ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống sức khỏe của bạn. Bạn có thể phải trải qua hàng giờ thiếu ngủ, cảm giác kiệt sức, kém tỉnh táo, khó tập trung cũng như đói cồn cào hơn thường lệ. Điều này là do chu kỳ giấc ngủ liên quan đến hai hormone quan trọng, đó là leptin và ghrelin. Leptin ức chế cảm giác đói, trong khi ghrelin lại làm tăng chúng.

Thiếu ngủ tác động đến mọi mặt của sức khỏe, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nó cũng ảnh hưởng đến cơn đói.

Khi bạn mất ngủ, nồng độ leptin giảm xuống còn ghrelin thì tăng lên, khiến tăng cảm giác thèm ăn. Nghiên cứu cho thấy những người không ngủ đủ giấc có khuynh hướng ăn nhiều chất béo gấp đôi so với bình thường. Điều này thường dẫn đến kết quả là thèm ăn liên tục những thực phẩm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Để tránh điều này, hãy cố gắng ngủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Đây là con số được khuyến nghị dành cho người trưởng thành. Nó có thể giúp bạn cải thiện sự minh mẫn và kiểm soát cơn đói.

Tác dụng phụ từ thuốc

Cảm giác thèm ăn cũng là tác dụng phụ phổ biến đến từ một số loại thuốc. Một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống dị ứng và thuốc chống động kinh có thể khiến bạn thường xuyên cảm thấy đói, ngay cả khi cơ thể không hề thiếu hụt lượng calo.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên ngưng điều trị. Nếu nhận thấy có sự thay đổi lớn đối với cân nặng của mình, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ xem liệu có thể thay đổi toa thuốc.

Tình trạng bệnh của bản thân

Nhiều bệnh tật có thể ảnh hưởng đến cơn thèm ăn của bạn. Tiểu đường, cường giáp, béo phì, trầm cảm và hạ đường huyết đều được biết đến là có thể gia tăng mức độ đói và ảnh hưởng đang kể đến cân nặng.

Đôi khi, triệu chứng đầu tiên của tình trạng này là sự thay đổi khẩu vị, thứ thường bị xem nhẹ và coi là một trạng thái tạm thời. Đó là lý do tại sao, nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, tốt nhất là nên kiểm tra để giải quyết mọi nghi ngờ.

Giữ cơ thể đủ nước, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống cân bằng là chìa khóa để có một lối sống khỏe mạnh. Nếu bạn tạo được một thói quen tốt và lắng nghe cơ thể, nó có thể giúp bạn hiểu được điều gì gây ra cơn đói và liệu còn vấn đề sức khỏe nào tồi tệ hơn hay không.

Giang Vu theo;lifesavvy

Chủ đề khác