VnReview
Hà Nội

Vì sao động đất ở khu vực biên giới, Hà Nội lại bị rung chấn?

Động đất ở khu vực biên giới, người dân Hà Nội hoảng hồn khi thấy rung chấn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Trung tâm dự báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, hiện tượng rung lắc mà người dân ở các chung cư tại Hà Nội cảm nhận được trong sáng nay là do dư chấn của trận động đất tại Sayabouly (Lào).

Cụ thể, theo ghi nhận của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, vào hồi 23 giờ 50 phút 42 giây (giờ GMT) ngày 20/11 tức 6 giờ 50 phút 42 giây (giờ Hà Nội) ngày 21/11, một trận động đất có độ lớn 6,1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (19,46 độ vĩ Bắc, 101,26 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 38 km. Động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Sayabouly, Lào.

"Đây là trận động đất xảy ra ở biên giới Thái Lan và Lào, nó có độ lớn khá lớn, mạnh khoảng 6,1 độ….",;ông Phương cho hay.

Cũng theo ông Phương, chỉ người dân sống ở những toà nhà cao tầng tại một số khu vực của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc mới cảm nhận được sự rung lắc của dư chấn. Hiện Trung tâm dự báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Vị trí xảy ra trận động đất 6,1 độ richter lúc 6h50 phút sáng nay tại Lào.

Ông Nguyễn Hồng Phương khuyến cáo: "Gần như chắc chắn là Việt Nam không phải lo ngại gì là vì trận động đất mạnh nhất đã xảy ra rồi, dư chấn của nó về sau sẽ càng ngày càng yếu đi… Trận động đất này lan truyền từ xa và chỉ ảnh hưởng những nhà cao tầng… và người dân không nên hoảng loạn và cần tuân thủ các quy tắc sơ tán…".

Lý giải việc động đất xảy ra ở biên giới nhưng Hà Nội lại bị rung chấn, GS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Không chỉ thủ đô, các vùng khác cũng sẽ chịu rung chấn theo quy luật càng gần tâm chấn (nơi xảy ra trận động đất ở Lào) thì càng chịu rung chấn.

Trận động đất này xảy ra trên đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, là hệ thống đới đứt gãy kéo dài từ vùng Tây bắc Việt Nam chạy qua Lào, sang Thái Lan. Đây là đới đứt gãy hoạt động mạnh với nhiều trận động đất tương đối lớn, trong đó có trận động đất 5,3 độ richter tại TP Điện Biên năm 2001. Trận động đất lớn nhất từng ghi nhận ở đới đứt gãy này là 6,3 độ richter.

Khoảng 7h sáng này, nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội bị rung chấn trong khoảng nửa phút.

Theo PGS Cao Đình Triều, mỗi đợt động đất mạnh đều có tiền chấn, chủ chấn và dư chấn. Tiền chấn là các động đất nhỏ hơn xảy ra trước khi chủ chấn (trận động đất mạnh nhất) xảy ra, tiếp theo đó là các dư chấn. Ba giờ đồng hồ trước khi xảy ra trận động đất lúc 6h50 phút sáng nay, một tiền chấn mạnh 5,7 độ richter đã được Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận.

PGS Cao Đình Triều cho rằng cần tiếp tục theo dõi tình hình tại đây. Có hai trường hợp có thể xảy ra. Một là xuất hiện một trận động đất mạnh hơn nữa ở khu vực này nếu như động đất 6,1 độ richter chưa phải là chủ chấn. Trường hợp thứ hai, trận động đất 6,1 độ richter là trận động đất lớn hơn thì tiếp theo đó sẽ còn nhiều dư chấn nhỏ hơn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguy cơ xảy ra động đất tại Hà Nội là không cao. Theo nghiên cứu dự báo động đất và dao động nền ở Việt Nam, Thủ đô Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, nơi đã xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ Richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285).

Hà Nội đang trong thời kỳ yên tĩnh nhưng trong tương lai hoạt động động đất có thể tăng lên và động đất mạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu tác động của động đất mạnh xảy ra ở những vùng đứt gãy lân cận như đứt gãy sông Lô, Đông Triều, Sơn La.

Theo Nhật Tân/Báo Gia đình và Xã hội

Chủ đề khác