VnReview
Hà Nội

Cảnh báo thế hệ trẻ ngày càng lười vận động thể chất

Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phần lớn thanh thiếu niên trên toàn cầu đang lười hoạt động thể chất và điều này chắc chắn gây nguy hiểm cho sức khỏe trong hiện tại và tương lai.

Một thực tại đáng lo hiện nay trên toàn cầu, đó là lứa tuổi thanh thiếu niên từ 11-17 tuổi có vẻ đang lười hoạt động thể chất.

Theo một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện và được công bố trên Tạp chí sức khỏe trẻ em và vị thành niên Lancet mới đây cho biết, hơn 80% thanh thiếu niên, độ tuổi còn đi học trên toàn cầu không đáp ứng được các khuyến nghị về ít nhất 1 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày, bao gồm 85% bé gái và 78% bé trai.

Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu từ 1,6 triệu học sinh từ 11-17 tuổi tại 146 quốc gia trong giai đoạn 2001-2016. Trong đó có thể thấy, nữ giới ít hoạt động thể chất hơn đáng kể so với nam giới.

Tỷ lệ trẻ em trai và gái đáp ứng được các khuyến nghị chỉ chiếm khoảng 29%, tương đương 43/146 quốc gia. Khoảng cách lớn nhất có thể thấy ở Mỹ và Ireland. Hầu hết các quốc gia trong nghiên cứu (107/146 quốc gia) ghi nhận khoảng cách chênh lệch về giới tính ngày càng nới rộng trong giai đoạn 2001-2016.

Năm 2016, Philippines là quốc gia có tỷ lệ nam giới ít hoạt động thể chất cao nhất (93%). Trong khi Hàn Quốc có tỷ lệ nữ giới lười hoạt động cao nhất, lên tới 97%.

Trên toàn cầu, tỷ lệ hoạt động thể chất ở các bé trai giảm nhẹ từ 80% (2001) xuống còn 78% (2016) nhưng không thay đổi ở các bé gái (duy trì ở mức 85%). Các quốc gia có tỷ lệ bé trai lười hoạt động thể chất giảm mạnh nhờ các chính sách và biện pháp kịp thời, ví dụ như Bangladesh, Singapore, Thái Lan, Ireland, Mỹ

Tuy nhiên nhóm tác giả tin rằng, nếu xu hướng vẫn tiếp tục, mục tiêu toàn cầu trong việc giảm tỷ lệ trẻ lười hoạt động thể chất xuống dưới 70% vào năm 2030 sẽ không thể đạt được.

Nhóm tác giả đưa ra ước tính trên nhờ phân tích dữ liệu thu thập được thông qua các cuộc khảo sát ở trường học về mức độ hoạt động thể chất. Đánh giá bao gồm các hoạt động thể chất, ví dụ như thời gian tập luyện, giải trí và thể thao, làm việc nhà, đi bộ và đi xe đạp,…

Sức khỏe của người trẻ đang sa sút nghiêm trọng vì lười hoạt động thể chất

Nhóm tác giả cho biết, mức độ hoạt động thể chất ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại và tương lai của họ. Tiến sĩ Regina Gutkeep cho rằng, các quốc gia cần có chính sách khẩn cấp để tăng cường hoạt động thể chất, đặc biệt thúc đẩy nữ giới tham gia các hoạt động thể chất.

Lợi ích từ một lối sống năng động trong thời kỳ thanh thiếu niên bao gồm cải thiện sức khỏe tim mạch, cơ bắp, xương khớp và tim mạch. Bên cạnh đó ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, hoạt động thể chất tích cực tác động đáng kể đến nhận thức của một người.

Thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên đang sa đà vào các thiết bị điện tử và quên đi các hoạt động thể chất tốt cho sức khỏe

Để đạt được những lợi ích đó, WHO khuyến cáo thanh thiếu niên nên thực hiện các hoạt động thể chất vừa phải hoặc cường độ cao ít nhất 1h/ngày. Khuyến nghị bao gồm việc thúc đẩy mở rộng các chương trình và chính sách thể dục thể thao cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt lãnh đạo các nước cần tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng của hoạt động thể chất đối với sức khỏe của thanh thiếu niên và tất cả người dân.

Nghiên cứu nhấn mạnh, tất cả những người trẻ tuổi có quyền được chơi và được cung cấp những cơ sở vật chất đầy đủ cho hoạt động rèn luyện thể dục thể thao.

Tất nhiên nghiên cứu trên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bao gồm nghiên cứu chỉ bao gồm các thanh thiếu niên còn đi học, do thiếu dữ liệu từ các thanh thiếu niên đã tốt nghiệp. Sở dĩ bởi thanh thiếu niên còn đi học sẽ có thời gian và điều kiện tiếp cận với các bài giáo dục thể chất thường xuyên hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia phụ thộc vào mức độ thu nhập của người dân. Tỷ lệ trẻ lười hoạt động thể chất ở các quốc gia thu nhập thấp chỉ là 36% còn các nước thu nhập cao lên tới 86%.

Tiến Thanh

Chủ đề khác