VnReview
Hà Nội

Xử trí khi bệnh nhân lên cơn động kinh

Bệnh động kinh phổ biến hơn bạn nghĩ. Cứ một trong 26 người sẽ được chẩn đoán mắc bệnh này và cơn co giật cũng có thể xảy ra vì những lý do khác. Tổng cộng, cứ 10 người thì có một người sẽ lên cơn co giật ở một thời điểm nào đó. Đây là những gì bạn nên xử trí khi gặp người bị co giật, theo Tổ chức Động kinh (Epilepsy Foundation).

Có 3 từ khóa mà bạn cần phải nhớ: Ở lại, an toàn, bên cạnh.

Hãy ở lại với người co giật

Bạn thấy họ bắt đầu co giật hoặc có lẽ bạn bắt gặp họ khi cơn co giật đã diễn ra được một khoảng thời gian. Lúc này, hãy ở lại với họ để đảm bảo họ an toàn và có thể nói với họ (hoặc là người phản hồi đầu tiên) những gì đã xảy ra. Hãy đếm thời gian co giật và gọi cấp cứu nếu nó kéo dài hơn 5 phút.

Hãy giữ bình tĩnh và trấn an họ. Trong lúc đó, hãy kiểm tra xem người đó có ID y tế hay không (trên điện thoại của họ hoặc bằng một phương tiện khác như vòng đeo tay cảnh báo cứu thương).

Giữ cho họ an toàn

Một người bị co giật có thể bị thương nếu họ ngã hoặc va phải thứ gì đó, vì vậy hãy chắc chắn rằng họ ở trong một môi trường an toàn. Nếu họ đang đi bộ hoặc lang thang xung quanh, hãy dìu họ đến nơi an toàn. Nếu họ có xu hướng té xuống, hãy nhẹ nhàng đỡ họ nằm xuống đất nếu bạn có thể làm điều đó một cách an toàn. Cố gắng dọn sạch các đồ vật xung quanh như vật sắc nhọn hoặc bất cứ thứ gì có thể gây nguy hiểm.

Không ai muốn tỉnh dậy bị bu quanh bởi đám đông, vì vậy hãy nhờ một hoặc hai người giúp nếu bạn cần và giải tán những người còn lại.

Đừng cố ép người bị co giật nằm yên

Điều đó sẽ không ngăn cơn co giật và thậm chí có thể khiến họ tự gây tổn thương bản thân hoặc người khác. Tổ chức lưu ý: "Họ sẽ không cố ý dùng bạo lực khi đang co giật. Nhưng nếu bị kìm giữ lại sẽ khiến họ bối rối và phản ứng mạnh mẽ".

Và tuyệt đối đừng chèn vật gì vào miệng của họ

Thường thì người ta hay sợ người lên cơn động kinh sẽ tự nuốt lưỡi mình, nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Họ có thể cắn lưỡi nhưng việc chèn bất cứ thứ gì vào miệng để ngăn chặn điều đó sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Họ có thể cắn đến gãy răng hoặc thậm chí nuốt cả vật đó. Và nó cũng không an toàn khi cho họ ăn, uống nước hoặc thuốc.

Xoay họ nằm nghiêng

Nếu người đó không tỉnh táo và mất nhận thức, hãy làm cho họ thoải mái. Tổ chức đề nghị nên nới lỏng quần áo và đặt một thứ gì mềm lót dưới đầu của họ. Hãy đặt họ nằm nghiêng để tránh chất lỏng hay bất cứ thứ gì kẹt trong khoang miệng thoát ra ngoài, không gây tắc nghẽn đường thở.

Những gì cần làm sau đó

Người co giật có thể bối rối, sợ hãi hoặc xấu hổ khi tỉnh dậy. Hãy kể với họ những gì đã xảy ra, và đề nghị ở lại với họ cho đến khi họ có thể về nhà hoặc gọi cho một người bạn. Nếu bạn gọi đã cấp cứu, hãy đi cùng để giúp đỡ.

Theo Tổ chức Động kinh, đây là những dấu hiệu bạn cần gọi trợ giúp khẩn cấp:

- Cơn co giật kéo dài hơn 5 phút

- Co giật lặp đi lặp lại

- Khó thở

- Lên cơn co giật khi đang bơi lội hoặc ở trong môi trường nước

- Người đó đang bị thương, mang thai, hoặc bị bệnh khi lên cơn co giật

- Người không trở lại trạng thái bình thường sau cơn co giật

- Trường hợp đây là cơn động kinh đầu tiên mà người đó từng có (theo như hiểu biết của bạn)

- Người đó yêu cầu trợ giúp y tế

Có nhiều loại động kinh khác nhau và cách xử trí với từng loại có thể hơi khác nhau. Một số người có thể hiểu rõ cách sơ cứu. Nhưng nếu bạn không biết điều gì đang xảy ra mà chỉ biết có một người đang bị co giật thì những lời khuyên ở đây sẽ giúp ích trong hoàn cảnh đó. Trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn lo lắng rằng người đó đang gặp nguy hiểm.

Zenda theo Lifehacker

Chủ đề khác