VnReview
Hà Nội

Cát đang dần cạn kiệt, tại sao lại thế?

Cát có thể được tìm thấy ở hầu hết khắp mọi nơi, đặc biệt là tại những sa mạc và bãi biển. Nhưng ít ai biết được rằng nó chính là loại sản vật tự nhiên được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới.

Nghiên cứu: Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiều loài động vật không thích ứng kịp

Giới khoa học cảnh báo con người đừng tham lam khai thác cạn kiệt tài nguyên vũ trụ

Chúng ta đang thiếu cát. Tại sao lại thế?

Ảnh: BBC

Một doanh nhân Nam Phi bị bắn chết vào tháng Chín vừa qua. Hai người dân Ấn Độ bị chết trong một cuộc đấu súng vào tháng Tám. Một nhà hoạt động môi trường người Mexico bị sát hại vào tháng Sáu.

Cho dù ba trường hợp trên đều cách xa nhau về địa lý nhưng chúng lại có cùng một nguyên nhân hiếm gặp. Họ là những nạn nhân xấu số của làn sóng bạo lực bùng phát do những tranh giành về một trong những thứ hàng hóa quan trong nhất nhưng cũng ít được quan tâm nhất của thế kỉ 21: cát.

Nghe thì có vẻ tầm thường, nhưng cát là một trong những vật liệu quan trọng trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nó là nguyên liệu thô chiếm công lớn cho sự hình thành của những thành phố hiện đại. Từ những khối bê tông mà chúng ta sử dụng để xây lên các trung tâm thương mại, văn phòng hay những tòa nhà cho tới số nhựa đường được rải xuống để kết nối các kết cấu kiến trúc trên đều không thể thiếu sự có mặt của cát. Kính ở trên các ô cửa sổ, trên ô tô, trên màn hình điện thoại của chúng ta đều được làm từ cát nung nóng chảy. Từng con chip – thứ đang vận thành máy tính và điện thoại – cùng với hầu hết những thành phần trong các thiết bị điện tử trong nhà bạn cũng có thành phần là cát.

Nhưng vấn đề ở đâu khi mà chúng ta có thể tìm thấy cát ở mọi nơi trên thế giới? Ở những sa mạc rộng lớn vùng Sahara hay Arizona, chúng ta có những đụn cát khổng lồ. Bất kì bãi biển nào trên thế giới cũng đều có cát. Chúng ta cũng có thể mua được chúng tại những cửa hàng ở địa phương. Làm sao chúng ta lại có thể thiếu một thứ tài nguyên dường như vô tận và có sẵn ở bất kì quốc gia nào trên thế giới được chứ? Song, lối suy luận trên hóa ra lại đi ngược với thực tế đang tồn tại.

Chúng ta đang thiếu cát. Tại sao lại thế?

Để xây dựng những tòa nhà và con đường phục vụ cho quá trình đô thị hóa, chúng ta cần một lượng cát khổng lồ (Ảnh: Getty Images)

Cát chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều nhất thế giới chỉ sau nước. Hàng năm, con người sử dụng khoảng 50 tỷ tấn cát và sỏi. Chúng ta có thể phủ kín cả nước Anh bằng số cát này.

Vấn đề lớn nhất là không phải loại cát nào cũng có thể dùng được. Đa số lượng cát chúng ta khai thác được dùng làm làm bê tông, với mục đích này, cát sa mạc hoàn toàn vô dụng bởi vì hình dạng của nó không phù hợp. Do được hình thành từ sự ăn mòn của gió chứ không phải là nước nên chúng quá mịn, tròn và không thể bám lại với nhau giúp tạo thành một kết cấu bê tông ổn định.

Loại cát mà chúng ta cần là loại có nhiều góc cạnh hơn và thường được tìm thấy ở đáy, bờ sông, bãi bồi, hồ nước và bờ biển. Nhu cầu cho loại vật liệu này lớn tới nỗi khắp mọi nơi trên thế giới, người ta đang đục khoét từng con sông và nhiều bờ biển, phá nát đất rừng cùng đất nông nghiệp để khai thác từng hạt cát quý giá. Và tại nhiều quốc gia, các băng đảng tội phạm đã chuyển qua buôn bán loại sản vật này, dần hình thành những "chợ đen" về cát được đánh đổi bởi máu.

Pascal Peduzzi, một nhà nghiên cứu cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết: "Vấn đề liên quan tới cát đáng nhẽ phải nhận được nhiều sự chú ý hơn của mọi người. Chúng ta không thể khai thác 50 tỷ tấn của bất kì loại khoáng sản nào mỗi năm mà không gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới hành tinh và sự sống của con người".

Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng này chính là quá trình đô thị hóa. Mỗi năm, dân số thế giới lại tăng thêm một lượng không hề nhỏ cùng với đó là sự chuyển dịch về mặt cư dân từ nông thông tới thành thị, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Dọc theo châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, các thành phố đang mở rộng với quy mô và tốc độ vượt qua những gì nhân loại từng chứng kiến.

Tính từ năm 1950 cho tới nay, tổng cư dân thành thị đã tăng hơn bốn lần, chạm mốc 4,2 tỷ người. Liên Hợp Quốc còn dự đoán rằng con số trên sẽ tăng thêm 2,5 tỷ nữa chỉ trong 30 năm tới. Với tốc độ này mỗi năm thế giới sẽ có thêm tám thành phố mới có quy mô tương tự với New York, Mỹ.

Chúng ta đang thiếu cát. Tại sao lại thế?

Cát từ những sa mạc như Sahara tuy nhiều là vậy nhưng lại không thể tạo thành kết cấu mà chúng ta cần (Ảnh Alamy)

Để xây dựng đủ số nhà ở và đường đi lại nhằm đáp ứng nhu cầu của số người kể trên, chúng ta sẽ cần tới một lượng cát khổng lồ. Ở Ấn Độ, lượng cát dùng trong thi công đã tăng trên ba lần kể từ thời điểm năm 2000 và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Trong 10 năm qua, lượng cát được sử dụng chỉ tính riêng ở Trung Quốc đã vượt qua tổng số cát mà Mỹ tiêu thụ trong cả thế kỉ 20. Ở Dubai, thành phố nằm bên rìa của một sa mạc khổng lồ, nhu cầu về xây dựng lớn tới nỗi họ đã phải nhập khẩu cát từ Úc. Vâng, không sai đâu, các công ty suất khẩu của Úc đang bán cát cho người Ả Rập.

Nhưng cát không chỉ được sử dụng cho xây dựng và cơ sở hạ tầng, cát còn được dùng để kiến tạo mảnh đất chúng ta đang đi. Từ California tới Hồng Kông, các tàu nạo vét lớn và mạnh chưa từng có đang hút lên hàng triệu tấn cát từ đáy biển mỗi năm để bồi đắp cho vùng bờ biển, tạo ra phần đất mà trước kia vốn chưa từng tồn tại. Hòn đảo hình cây cọ của Dubai có thể được coi là vùng đất nhân tạo lớn nhất được xây dựng trong nhiều năm gần đây.

Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria, đang tiến hành bồi đắp thêm khoảng đất rộng 9.7 km2 lấn về phía bờ biển Đại Tây Dương. Trung Quốc, đất nước có diện tích đất tự nhiên lớn thứ tư trên thế giới cũng đã bồi đắp cho hàng trăm kilomet bờ biển, họ thậm chí còn hoàn thành cả một hòn đảo nhân tạo để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Thứ bất động sản mới này đem lại giá trị rất cao nhưng cái giá mà chúng ta phải trả cũng không hề rẻ. Hoạt động nạo vét đại dương đã làm gây hại cho các rặng san hô ở Kenya, Vịnh Ba Tư và Florida. Nó phá vỡ môi trường sống nơi đây và khuấy trộn nước với cát, điều này đang và sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng nặng nề tới lối sống phụ thuộc vào con nước. Sinh kế của ngư dân Malaysia và Campuchia đã chịu tác động chầm trọng bởi nạo vét cát. Ở Trung Quốc, hoạt động lấn biển đã xóa xổ hoàn toàn những vùng đất ngập nước gần bờ, phá hủy môi trường sống của nhiều loài cá và chim biển cùng với đó là gây ô nhiễm nguồn nước.

Tiếp đến là Singapore, quốc gia đi đầu trong việc lấn biển. Để có thể tăng thêm diện tích sinh sống cho gần sáu triệu cư dân, thành phố đông đúc này đã mở rộng phần lãnh thổ của mình thêm 140 km2 chỉ trong 40 năm qua, phần lớn lượng cát được sử dụng cho kế hoạch này là từ nhập khẩu. Thiệt hại về môi trường đã trở nên nghiêm trọng tới nỗi, các quốc gia lân cận Singapore, trong đó có Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Campuchia, đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu cát cho quốc gia này.

Theo số liệu của một nhóm các nhà nghiên cứu Hà Lan thì, tính từ năm 1985, loài người đã xây thêm 13.563 km2 diện tích đất nhân tạo lấn ra ngoài biển, chỗ đất này đã đủ để "xây" thêm một Jamaica thứ hai. Đa số phần đất nhân tạo này được xây dựng lên bằng một lượng cát khổng lồ.

Chúng ta đang thiếu cát. Tại sao lại thế?

Cát được khai thác với quy mô công nghiệp từ sông, hồ và bãi biễn trên toàn thế giới để đáp ứng cho nhu cầu của loài người (Ảnh: Getty Images)

Hoạt động khai thác cát để làm nguyên vật liệu xây dựng thậm chí còn có sức tàn phá lớn hơn nữa. Đây là phần cát được lấy chủ yếu từ các con sông. Nhờ đó, việc khai thác và vận chuyển cát cũng rất đơn giản. Nhưng hành vi nạo vét đáy sông có thể phá hủy hoàn toàn môi trường sống chiếm giữ bởi các loài sinh vật thuộc tầng đáy. Bởi việc hút cát sẽ làm vẩn đục nước, gây thiếu dưỡng khí cho các loài cá đồng thời chặn đi lượng ánh sáng mặt trời cần thiết để duy trì thảm thực vật dưới nước.

Việc khai thác cát tại các con sông đang góp phần vào sự biến mất dần dần của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là ngôi nhà của hơn 20 triệu người, nó chiếm 50% lượng thực phẩm được cung cấp cho cả Việt Nam, ngoài ra đây còn là vựa lúa gạo chủ yếu đang chu cấp cho cuộc sống tại những phần còn lại của Đông Nam Á. Mỗi ngày, nơi đây bị mất đi phần diện tích đất tương đương với 1,5 sân bóng đá do hiện tượng biến đổi khí hậu kết hợp với mực nước biển dâng. Nhưng bên cạnh đó còn một lí do khác, đó chính là chính con người nơi đây đang cướp đi từng tấc cát của vùng đồng bằng màu mỡ này.

Suốt nhiều thế kỉ qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn được bồi đắp nhờ lượng phù sa mang theo bởi dòng sông Mê Kông chảy từ vùng núi của Trung Á. Nhưng trong những năm gần đây, mỗi quốc gia nằm bên bờ con sông này đang khai thác một lượng cát khổng lồ từ đây. Theo kết quả tìm được bởi ba nhà nghiên cứu người Pháp vào năm 2013, chúng ta chỉ cần dùng khoảng 50 tỷ tấn cát khai thác được trong riêng trong năm 2011 là có thể tạo ra một lớp phủ dày 5 cm lên toàn bộ diện tích của thành phố Denver. Trong khi đó, những năm qua, năm con đập lớn đã được xây trên dòng sông Mê Kông, ngoài ra còn 12 dự án khác cũng đang nằm trên bản kế hoạch của Trung Quốc, Lào và Campuchia. Chúng sẽ tiếp tục làm giảm dòng chảy mang phù sa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nói một cách khác thì phần đất mất đi do sói mòn tự nhiên hằng năm nay sẽ không được bù đắp bằng lượng phù sa từ thượng nguồn. Các nhà nghiên cứu của Chương trình Greater Mekong tại Quỹ Thiên nhiên thế giới (WWF) tin rằng, với tốc độ này thì tính tới cuối thế kỉ 21, một nửa diện tích của vùng đồng bằng này sẽ bị xóa xổ.

Chúng ta đang thiếu cát. Tại sao lại thế?

Khai thác cát từ những mỏ dọc bên bờ sông là hành động tự phá hoại tương lai của chính mình (Ảnh: Getty Images)

Vấn đề chưa dừng lại ở đó, hoạt động nạo vét sông tại Campuchia và Lào đang khiến cho bờ sông bị sạt lở, cuốn theo đó là nhà cửa và đất nông nghiệp của người dân. Nông dân của Myanmar cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự bên bờ sông Ayeyarwady.

Việc khai thác cát từ những con sông đang âm thầm khiến chúng ta phải trả cái giá lên tới nhiều triệu đô la cho những thiệt hại lên cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Các lớp trầm tích dưới đáy sông bị khuấy lên đã làm tắc nghẽn các thiết bị cấp nước. Hoạt động này cũng khiến cho lớp cát ở đáy sông giúp neo giữ và chống đỡ cho phần chân của các cây cầu mất đi. Ở Ghana, hoạt động khai thác cát quá mức đã khiến cho móng của nhiều ngôi nhà bên sông bị lộ ra, gây ra mối lo đổ sập luôn thường trực. Đây không phải là điều chỉ có trong lý thuyết. Năm 2000, một cây cầu ở Đài Loan đã đổ sập do hoạt động khai thác cát. Một năm sau đó tai nạn tương tự đã xảy ra ở Bồ Đào Nha khi một chiếc xe bus đang qua cầu, khiến 70 người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, nhu cầu về cát silic có độ tinh khiết cao để chế tạo thủy tinh và các sản phẩm công nghệ cao khác như tấm pin mặt trời và chip máy tính cũng đang tăng vọt. Ngành công nghiệp khai thác khí đốt của Mỹ cũng đang có nhu cầu lớn về loại cát tinh khiết và có độ bền cao. Kết quả là nhiều mẫu đất nông nghiệp và rừng ở vùng nông thôn của Winconsin đã bị cày nát để khai thác loại sản vật quý hiếm này.

Sự đối đầu mà nguyên nhân chính là cát cũng trở nên ngày một căng thẳng, tới nỗi, ở nhiều nơi loại tài nguyên này đã trở thành món hàng quý giá của các băng đảng tội phạm trên chợ đen. Tại nhiều vùng của châu Mỹ La tinh và châu Phi, trẻ em đang bị ép phải làm việc như những nô lệ trong các mỏ khai thác cát. Để có thể tự do hoạt đông, các băng đảng này thường sử dụng phương pháp phổ biến nhất là hối lộ cảnh sát và quan chức. Nếu thấy cần thiết, chúng thậm chí còn sẵn sàng giết bất kì ai đang cản đường mình.

Chúng ta đang thiếu cát. Tại sao lại thế?

Các băng nhóm tội phạm cũng đã nhận thấy được tiềm năng khổ lồ từ thị trường chợ đen của cát khai thác trái phép (Ảnh: Getty Images)

Jose Luis Álvarez, một nhà hoạt động môi trường ở bang Chiapas, miền Nam của Mexico và cũng là người đã vận động chống lại việc khai thác cát bất hợp pháp trên một con sông của địa phương, đã bị bắn chết vào tháng Sáu. Người ta đã tìm thấy trên thi thể của nạn nhân một lời đe dọa gửi tới gia đình của anh và những nhà hoạt động khác. Hai tháng sau, cảnh sát ở Rajasthan, Ấn Độ đã bị bắn khi đang cố ngăn chặn đoàn xe vận chuyển cát khai thác trái phép. Cuộc đấu súng này đã khiến hai thợ mỏ thiệt mạng và hai cảnh sát phải nhập viện. Đầu năm nay, một thợ mỏ tại Nam Phi đã bị sát hại bằng bảy phát đạn khi đang cố tranh chấp với một nhóm thợ khác.

Trên đây là chỉ là một số những vụ đổ máu do tranh chấp loại tài nguyên này. Những năm trở lại đây, các vụ bạo lực liên quan tới buôn bán cát đã cướp đi nhiều mạng sống ở Kenya, Gambia và Indonesia. Ở Ấn Độ, những băng nhóm mafia cát đã giết và làm bị thương nhiều người. Trong số những nạn nhân của chúng có một giáo viên 81 tuổi, ngoài ra chúng cũng từng đánh tới chết một nhà hoạt động 22 tuổi, thiêu sống một nhà báo và cho xe tải chở cát cán thiệt mạng ba sĩ quan cảnh sát.

Nhận thức về những tác động xấu gây ra bởi nhu cầu về cát của chúng ta đang dần được nâng lên. Nhiều nhà khoa học đang cố gắng tìm ra cách để thay thế cát trong bê tông bằng những loại vật liệu khác như nhựa hoặc vỏ cọ, trấu nghiền vụn và tro than - thứ vật liệu thải ra từ các nhà máy nhiệt điện. Có nhóm thì nghiên cứu về loại bê tông mới sử dụng ít cát hơn, cũng có người thì tìm kiếm những phương thức tái chế bê tông mới hiệu quả hơn.

Ở nhiều nước phương Tây, phần lớn hoạt động khai thác cát trên sông đã bị dừng lại. Tuy nhiên để làm chậm lại hành vi này trên quy mô toàn cầu là một điều rất khó. Mới đây, báo cáo về ngành công nghiệp cát của WWF đã viết: "Ngăn chặn hoặc giảm thiểu những tác động xấu lên các con sông sẽ đòi hỏi ngành xây dựng phải ngừng việc coi đây là một nguồn khai thác nguyên vật liệu. Đây là bước chuyển dịch về tư tưởng xã hội giống với những gì chúng ta đang cần để khắc phục hiện tương biến đối khí hậu. Nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nhận thức về cát và sông, thay đổi cách các thành phố được thiết kế và xây dựng lên".

Chúng ta đang thiếu cát. Tại sao lại thế?

Những bãi biển thiên đường với cát và nắng vàng đang bị đục khoét ở nhiều nơi trên thế giới (Ảnh: Alamy)

Mette Bendixen, một nhà địa lí học nghiên cứu về bờ biển tại Đại học Colorado, hiện đang là một trong số nhiều học giả đứng ra kêu gọi Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải hành động nhiều hơn để hạn chế thiệt hại gây ra bởi hoạt động khai thác cát. Bendixen khẳng định: "Chúng ta phải có nhiều chương trình tổ chức hoạt động giám sát và cần đầu tư nhiều nỗ lực hơn cho việc quản lí".

Bởi hiện chưa có bất kì giấy tờ nào ghi chép lại về hoạt động khai thác cát. Chúng ta không biết được về địa điểm, thời gian khai thác và cả sản lượng hay điều kiện làm việc của các mỏ cát. "Thứ duy nhất mà chúng ta hiểu chính là nhu cầu về cát sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận với số người đang sinh sống trên hành tinh này" – Bendixen.

Trung ND theo BBC

Chủ đề khác