VnReview
Hà Nội

Trung Quốc có thể biến máy bay cũ thành máy bay chiến đấu tàng hình?

Bắc Kinh đang cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách làm lại các máy bay chiến đấu già cỗi.

Tuần này, tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông đưa tin Trung Quốc đang nghiên cứu các công nghệ thử nghiệm để làm cho ngay cả các máy bay cũ có thể tránh hầu hết các hệ thống radar (gọi là tàng hình). Các nhà khoa học làm việc trong dự án cho biết công nghệ liên quan đến việc sử dụng "siêu vật liệu" chế tạo thành một lớp bao gồm các cấu trúc siêu nhỏ tương tự như các mạch tích hợp. Siêu vật liệu có thể thay đổi cách sóng vô tuyến bật ra khỏi bề mặt để tạo ra hình ảnh ma hoặc giảm thiểu tiếng vang để radar có thể phát hiện được, giúp che giấu máy bay khi đang bay với hiệu quả cao hơn.

Trung Quốc có thể biến máy bay cũ thành máy bay chiến đấu tàng hình?

Siêu vật liệu này được phát triển tại Phòng thí nghiệm trọng điểm ở Đại học Đông Nam, và hiện đang được thử nghiệm ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Bài báo không xác nhận được loại máy bay nào đang thử nghiệm, nhưng lưu ý rằng Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương là nhà sản xuất J-11 và J-15 - cả hai máy bay chiến đấu đều thiếu khả năng tàng hình.

Siêu vật liệu không phải là loại kỹ thuật đánh lừa radar duy nhất mà nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tham gia. Nhóm nghiên cứu này trước đó đã từng có ý tưởng về một "thiết bị ảo ảnh ma quỷ" có thể làm cho "radar nhận diện các bộ phận của máy bay là nhựa, thay vì kim loại, hoặc nhìn thấy ba máy bay thay vì một".

Về lý thuyết, việc có thể chuyển đổi máy bay không tàng hình thành máy bay tàng hình sẽ đem lại một lợi thế đáng kinh ngạc cho sức mạnh không quân Trung Quốc. Như bài báo lưu ý, Trung Quốc hiện chỉ có khoảng 20 máy bay chiến đấu tàng hình J-20, so với 1.500 loại máy bay chiến đấu thông thường. Nhưng vấn đề là ngay cả J-20 cũng có thể không tàng hình như Trung Quốc đã tuyên bố.

Theo một báo cáo hồi tháng 2/2019, Trung Quốc đã vội vã đưa máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến đầu tiên vào hoạt động trước thời hạn, sử dụng động cơ stopgap (tạm thời), trước những thách thức an ninh gia tăng trong khu vực. Cụ thể, động cơ W-15 được trang bị cho J-20 đã phát nổ trong lần bay thử nghiệm. Bắc Kinh đã không thể khắc phục vấn đề này và do đó, những chiếc J-20 ban đầu đang sử dụng động cơ WS-10B - phiên bản sửa đổi của động cơ máy bay J J-10 và J-11. Tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng của WS-10B không thể cung cấp đủ sức mạnh cho J-20 ở tốc độ siêu âm mà không sử dụng các bộ đốt sau, khiến máy bay không thể tàng hình ở tốc độ đó.

Tất cả điều này dẫn đến một vấn đề khác với việc dùng siêu vật liệu cho các máy bay không tàng hình của Trung Quốc. Cụ thể, tính năng tàng hình phụ thuộc một số đặc điểm của máy bay. Như một trong những nhà phát triển công nghệ tàng hình đầu tiên đưa ra, bốn tính năng quan trọng nhất của tàng hình là "hình dạng, hình dạng, hình dạng và vật liệu". Và như tạp chí Wired đã lưu ý, các thành phần tàng hình khác bao gồm "hóa chất để loại bỏ các vật cản; cảm biến tinh vi; thiết kế đặc biệt, đầu vào động cơ khó phát hiện; sơn chống radar; và các hệ thống làm mát để giảm tín hiệu nhiệt của máy bay". Trong số các vật liệu đó, siêu vật liệu dường như ở một mức độ nào đó bắt chước Vật liệu hấp thụ Radar (RAM). Tuy nhiên, không rõ liệu siêu vật liệu này có thể che đậy một số tính năng không tàng hình khác hay không. Chẳng hạn, nếu các máy bay cũ vẫn đang sử dụng động cơ kém hơn, liệu siêu vật liệu vẫn có thể che giấu tín hiệu nhiệt của chúng? Han Yiping, giám đốc vật lý ứng dụng tại Đại học Xidian, nghi ngờ điều đó.

Bà Han cũng lưu ý những thiếu sót khác của siêu vật liệu. Đầu tiên, hiện tại siêu vật liệu chỉ có hiệu quả đối với một số băng thông vô tuyến nhất định, mặc dù bà không chỉ ra loại nào. Bà cũng nói rằng siêu vật liệu cực kỳ khó sản xuất ở mức độ lớn, mặc dù các báo cáo gần đây của Trung Quốc cho rằng họ đang bắt đầu phát triển việc sử dụng hàng loạt các siêu vật liệu trên đại lục.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất nghiên cứu về siêu vật liệu. Như tờ Financial Times đã ghi nhận, lần đầu tiên siêu vật liệu chiếm được trí tưởng tượng của công chúng vào năm 2006, khi John Pendry của Đại học Hoàng gia xuất bản hai bài báo cho thấy cách tạo ra chiếc áo choàng tàng hình theo phong cách Harry Potter bằng vật liệu được chế tạo đặc biệt. Từ đó, nhiều công ty đã được phát triển công nghệ siêu vật liệu cho mục đích thương mại, bao gồm làm ăng-ten vệ tinh và cảm biến nhẹ hơn và di động hơn. Chẳng hạn, công ty Kymeta, sản xuất ăng-ten cho phép các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa và du thuyền kết nối với internet. Các công ty khác đang tìm cách cải thiện tấm pin mặt trời và radar để tích hợp vào máy bay không người lái.

Tất nhiên, quân đội các quốc gia cũng đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó quân đội Mỹ muốn tạo ra thiết bị ngụy trang có thể đeo được với khả năng thay đổi giống như con tắc kè hoa.

Hồng Thúy

Chủ đề khác