VnReview
Hà Nội

Apple, Huawei thử nghiệm công nghệ pin thay thế pin li-ion

Công nghệ pin li-ion đã có từ lâu và đang tồn tại trên nhiều loại sản phẩm, từ smatphone cho đến xe điện. Rất nhiều nỗ lực hướng đến thay thế công nghệ này, bao gồm một start-up đến từ Trung Quốc.

Được thành lập bởi Hu QiChao năm 2012, SolidEnergy đang phát triển công nghệ pin lithium-metal hướng tới thay thế li-ion hiện tại. So với người tiền nhiệm, công nghệ này hứa hẹn tăng gấp đôi mật độ lưu trữ năng lượng với cùng thể tích. Nhưng cũng giống như nhiều công nghệ mới khác loay hoay tìm cách xuất hiện trên thị trường, cho dù start-up này nói việc sản xuất hàng loạt đã sẵn sàng thì trên quy mô đại trà, tính an toàn vẫn là một dấu hỏi.

Anh Hu, năm nay 27 tuổi, mong muốn có thể dẫn đầu cuộc cách mạng công nghệ pin tiếp theo (ảnh: Forbes)

Hu phát biểu tại một hội nghị công nghệ do MIT tổ chức: "Cuộc cách mạng công nghệ pin sắp diễn ra, và pin lithium-metal sẽ dẫn đầu làn sóng đó". Hồi tháng Chín, Hu được vinh danh là một trong '30 nhà phát minh dưới 30 tuổi'. Đối chiếu với lịch sử, dường như anh ý không phải không có căn cứ. Kể từ khi công nghệ pin axit-chì được phát triển từ năm 1870, cả 5 lần công nghệ pin có đột phá mới đều xảy ra theo chu kỳ dưới 30 năm, và lần nào cũng tăng mật độ lưu trữ lên gấp đôi.

Và bạn còn nhớ không? Đã gần 30 năm kể từ khi Sony thương mại hóa pin li-ion đầu tiên trên thế giới. Tất cả các thiết bị điện tử dùng pin li-ion ngày nay đều là kết quả của cột mốc quan trọng đó. Nếu không phải do Sony thương mại hóa năm 1991, không rõ bộ mặt của giới công nghệ năm 2019 sẽ thay đổi như nào? Tuy nhiên, bước đột phá tiếp theo vẫn đang chờ đợi một công ty có đủ khả năng để dẫn chúng ta đến với kỷ nguyên lưu trữ năng lượng mới.

Công nghệ pin li-ion đã được Sony thương mại hóa lần đầu tiên từ tận năm 1991 (ảnh: Reuters)

Ý tưởng pin lithium-metal thực ra không hề mới, nhưng giống như nhiều công nghệ khác, mối bận tâm về độ an toàn đã cản trở bất kỳ ý tưởng nào thành hiện thực trên quy mô đại trà. Đối với pin lithium-metal, nó càng trở nên nhạy cảm khi loại vật liệu này được biết là có tính phản ứng cao. Khi được sạc, chúng có xu hướng tạo thành các cấu trúc dạng lá kim, có thể đâm vào vách ngăn thậm chí xuyên thủng. Chuyện tiếp theo rất khủng khiếp khi hiện tượng đoản mạch xảy ra, dẫn đến viên pin bắt lửa thậm chí phát nổ.

SolidEnergy đã nảy ra một sáng kiến để dẹp bỏ nguy cơ này. Họ muốn dùng một dung dịch điện phân lỏng để giảm thiểu nguy cơ xảy ra đoản mạch. "Ngay cả công nghệ pin li-ion ngày nay vẫn bắt lửa và gây cháy nổ đó thôi. Chúng ta chỉ việc giảm thiểu nguy cơ gây hại của pin lithium-metal xuống mức nhỏ nhất, ngang với li-ion đang có trên thị trường" - Hu nói. Như vậy, loại pin mới sẽ có dung lượng lưu trữ nhiều hơn hiện nay, trong khi nguy cơ cháy nổ không quá lớn.

Những viên pin;lithium-metal cần chứng minh được mức độ an toàn của chúng để có thể đưa vào thực tế (ảnh: Nikkei)

Hu sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã chuyển tới sống tại New York từ năm 12 tuổi. Nhờ sống ở hai môi trường khác nhau, anh nhận ra nhu cầu khổng lồ của cả hai siêu cường kinh tế với công nghệ lưu trữ năng lượng. Nhà máy đầu tiên của SolidEnergy được xây dựng tại Thượng Hải cuối năm nay, là nền móng để Hu khai thác nhu cầu từ hai quốc gia khi pin li-ion đã không còn thỏa mãn được họ. Nếu thành công, anh hoàn toàn có thể mở ra làn sóng mới, thay đổi ngành công nghệ như Sony đã từng.

Khách hàng của Hu gồm toàn các tên tuổi lớn, Apple, Huawei, DJI và cả một số hãng sản xuất vệ tinh, máy bay không người lái khác. Theo hai người thân cận với vấn đề nói cho Nikkei, các công ty này đang tiếp nhận pin lithium-metal từ SolidEnergy để thử nghiệm tính hiệu quả và an toàn. Chưa ai có ý định đem lên sản phẩm thực tế. Bất chấp những lạc quan của Hu, nhiều nhà quan sát nhận định công nghệ mới vẫn cần thêm vài năm nữa để có mặt trên thị trường. Cần có thời gian để tìm được đường xuất hiện trên những sản phẩm tiêu dùng như smartphone.

Vụ việc của Galaxy Note7 đã tạo nên tâm lý cẩn trọng trước các công nghệ pin mới (ảnh: Business Insider)

William Chueh, phó giáo sư về khoa học vật liệu và kỹ thuật tại Đại học Stanford, thành viên cấp cao tại Viện Năng lượng Precourt, cho biết: "So với ô tô hay các ngành công nghiệp khác, sự cẩn trọng của mọi người khi triển khai công nghệ pin mới lên sản phẩm tiêu dùng thậm chí còn lớn hơn. Đặc biệt được quan tâm sau khi xảy ra tai nạn của mẫu Galaxy Note 7 năm 2016, đã gây tổn hại cả về mặt kinh tế lẫn danh tiếng cho Samsung". Nó giống như một vết nhơ trong lịch sử của hãng khổng lồ được xem là niềm tự hào của Hàn Quốc trên đấu trường công nghệ.

"Vấn đề an toàn của những viên pin được đo lường bằng số tai nạn xảy ra trên mỗi một triệu đơn vị...", ông cho biết. Như vậy, dù đã gây ra vài vụ triệu hồi do nguy cơ cháy nổ, thậm chí cả lỗi nghiêm trọng như vụ Note 7, li-ion vẫn được đánh giá là có mức độ an toàn cao. Theo chuyên gia này, cho đến khi chứng minh được mức độ an toàn ngang ngửa với pin li-ion hiện tại, công nghệ mà Hu hứa hẹn sẽ còn phải thử nghiệm nhiều. Trước khi chuyện đó xảy ra, không công ty nào dám mạo hiểm đặt nó lên bàn tay người dùng.

Cơ sở tại Thượng Hải của SolidEnergy (ảnh: Nikkei)

Đó là lí do mà cơ sở tại Thương Hải lại quan trọng đến vậy. Với quy mô lớn nhất trong số các nơi sản xuất pin lithium-metal, nó sẽ có ích cho việc đo lường mức độ an toàn trên mỗi một triệu viên pin. Hu hứa hẹn họ sẽ sản xuất hàng loạt loại pin mới từ năm 2020. Nhà máy có diện tích 20.000 mét vuông nhưng vẫn còn trống rất nhiều. Theo Tang Yun Fei, giám đốc quản trị nhân lực thì nguyên nhân đến từ việc họ vẫn chưa nhận đủ đơn hàng. Điều này khiến máy móc không được lấp đầy vì không có đủ nhu cầu.

Tuy vậy, Hu nói rằng nhu cầu đang dần tăng lên và vào năm tới, công ty kỳ vọng có thể mở rộng quy mô sản xuất lên vài ngàn tế bào pin mỗi tháng. Anh và các đồng nghiệp đã thử nhiệm công nghệ pin lithium-metal trên máy bay không người lái được vài năm, và bây giờ họ đang hướng tới thứ to lớn hơn: xe điện. Một khi thành công trong việc thay thế pin li-ion, xe điện có thể thu gọn kích thước, giảm trọng lượng trong khi quãng đường đi được lại dài hơn, nhờ vào mật độ lưu trữ nhiềp gấp đôi của pin lithium-metal.


Ambitious Man theo Nikkei

Chủ đề khác