VnReview
Hà Nội

Cú sốc khí hậu mới: Nam Cực thiết lập kỷ lục băng tan nhiều nhất chỉ trong một ngày

Băng Nam Cực đã tan chảy một khối lượng lớn nhất chỉ trong một ngày, thiết lập nên một kỷ lục đáng buồn nhất trong lịch sử.

Theo Hệ thống dự báo toàn cầu (GFS) thuộc trung tâm dự báo môi trường quốc gia (NCEP), khoảng 15% bề mặt lục địa Nam Cực đã tan chảy chỉ trong một ngày vào hôm 23/12/2019. Dữ liệu này được lấy từ mô hình nghiên cứu khí tượng và khí hậu Modèle Atmosphérique Régional (MAR).

Xavier Fettweis, một nhà khí hậu học tại Đại học Liège, Bỉ cho rằng, đây là mức độ tan chảy băng cao nhất ở Nam Cực trong thời hiện đại, kể từ năm 1979. Ông cũng cho biết thêm, tình trạng tan băng đang chạm ngưỡng kỷ lục, cao hơn tới 230% so với mức trung bình kể từ tháng 11 năm nay.

Fettweis cho rằng, sự cân bằng về khối lượng băng bề mặt tại Nam Cực đã bị đảo lộn do biến đổi khí hậu. Cụ thể nhiệt độ ở Nam Cực đang ấm hơn đáng kể so với trung bình mọi năm khi bước vào mùa hè. Nhưng Fettweis nhấn mạnh, dữ liệu trên được lấy từ một mô hình dự báo khí hậu chứ chưa hẳn là những quan sát thực tế.

Tình trạng tan băng có thể do nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động. Do đó Fettweis cho rằng sẽ cần chờ thêm từ 2-3 mùa băng tan chảy nữa để biết thực sự điều gì đang xảy ra.

Khối lượng băng tan đạt kỷ lục 15% chỉ trong một ngày

Tình trạng băng tan tập trung chủ yếu ở vùng phía tây và phía bắc của Nam Cực

Khi được hỏi liệu biến đổi khí hậu có đáng trách hay không, Fettweis nói: "Đối với hầu hết các hiện tượng dị thường quan sát được trong những tháng cuối năm trên Trái đất (ví dụ ở Úc), dấu hiệu đến từ tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ khó có thể bỏ qua".

Ông cho biết Nam Cực đã thoát khỏi tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu trong suốt thập kỷ qua nhờ những cơn lốc xoáy vùng cực (polar vortex). Nhưng có lẽ từ bây giờ mọi thứ sẽ thay đổi khi những bất thường về khí hậu sẽ phá hủy mọi thứ.

Eric Holthaus, một nhà khí tượng học tại Viện Môi trường thuộc Đại học Minnesota chia sẻ trên Twitter: "Dữ liệu mới chỉ ra rằng vào đêm Giáng sinh, thời tiết ấm áp bất thường đã khiến băng ở lục địa Nam Cực tan chảy với số lượng nhiều nhất chỉ trong một ngày, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể 15% bề mặt lục địa Nam Cực đã tạm thời tan chảy. Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu".

Các số liệu về biến đổi khí hậu đã và đang khiến cả thế giới phải bàng hoàng về mức độ khủng khiếp của nó. Hồi tháng trước, các nhà khoa học kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động khẩn cấp để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu nếu không muốn mọi thứ vượt tầm kiểm soát và "không thể đảo ngược".

Khi đã vượt qua điểm giới hạn, đó là khi hệ thống khí hậu thay đổi một cách bất thường và không thể dự đoán. Đây từng là nỗi trăn trở của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cách đây hai thập kỷ trước. Vào thời điểm đó, con người đã quá "ngây thơ" khi cho rằng, mọi thứ sẽ thật khủng khiếp nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt ngưỡng 5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng giờ đây sau nhiều năm, chúng ta buộc phải hạ dự đoán xuống chỉ còn 1-2 độ C.

Nam Cực là một trong những khu vực được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Thực tế đã có nhiều bằng chứng cho thấy sự xâm lấn ở biển Amundsen Sea, phía tây Nam Cực đã đạt tới ngưỡng đỉnh điểm.

Nếu băng ở khu vực này bị tan chảy, nó có thể khiến mực nước biển dâng cao khoảng 3 mét trong suốt nhiều thế kỷ. Đặc biệt lưu vực Wilkes ở phía đông Nam Cực có thể phải đối mặt với số phận tương tự. Trong khi đó dải băng ở Greenland cũng có nguy cơ tan chảy nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu chạm ngưỡng 1,5 độ C sớm trước năm 2030.

Tiến Thanh theo Newsweek

Chủ đề khác