VnReview
Hà Nội

Các nhà khoa học vừa tạo ra cỗ máy có thể “nuôi sống” gan người 1 tuần ở ngoài cơ thể

Thoạt nghe thông tin này có vẻ giống một bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng các nhà khoa học vừa tạo ra được một cỗ máy có thể giữ cho gan người hiến tặng sống sót trong suốt 1 tuần ở bên ngoài môi trường.

Theo Newsweek, thiết bị có tên Liver4Life đặc biệt có thể sửa chữa nội tạng và các nhà khoa học cho biết, công nghệ đột phá này hứa hẹn sẽ làm tăng số lượng gan hiến tặng phục vụ cho cấy ghép. Đây là sản phẩm hợp tác của các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Đại học Zurich, Viện công nghệ liên bang Thụy Sỹ (ETH Zurich), Trung tâm nghiên cứu Wyss Zurich và Đại học Zurich.

Hiện nay đa số các bộ phận trong cơ thể người chỉ giữ được sự sống khi ở bên ngoài khoảng vài giờ. Đặc biệt các nội tạng như gan chỉ có thể giữ được bên ngoài tối đa 12 tiếng. Trong khi đó, gan lại là một trong những nội tạng có nhu cầu cấy ghép cao nhất. Ước tính một người trưởng thành ở Anh phải đợi trung bình 135 ngày mới có gan hiến tặng phù hợp. Thậm chí tại Mỹ đang có khoảng 17 ngàn người chờ gan mỗi ngày.

Do đó, công nghệ tưới máu được kỳ vọng có thể duy trì sự sống cho nhiều cơ quan hoặc phục hồi chức năng cho các nội tạng bị loại bỏ vì không đạt yêu cầu để cấy ghép.

Theo các nhà khoa học tại Đại học Zurich, Thụy Sỹ, gan của người chết không phù hợp để cấy ghép hoàn toàn có thể hồi sinh và lấy lại được chức năng ban đầu khi được tưới máu nhờ cỗ máy này.

Nền tảng của công nghệ này là một hệ thống tưới máu phức tạp bắt chước các chức năng chính trong cơ thể con người, cụ thể là việc tưới máu nhằm nuôi dưỡng một cơ quan hoặc một mô bằng cách lưu thông qua các mạch máu hoặc một ống dẫn nào đó. Gan của người sẽ được nối với các ống trong máy bơm máu. Máu sẽ được lưu thông liên tục qua gan và máu cũ cũng sẽ được đẩy ra ngoài. Máu cũ bị loại bỏ sẽ tiếp tục đi qua một hệ thống lọc máu giúp loại bỏ chất thải giống như thận.

Cỗ máy này có thể giữ gan ở nhiệt độ cơ thể người (37 độ C). Nhờ đó mà gan được bảo quản bằng cỗ máy này không chỉ khỏe mạnh hơn mà còn giảm đáng kể các triệu chứng như viêm.

Giáo sư Pierre-Alain Clavien, chủ tịch khoa phẫu thuật và cấy ghép tại Bệnh viện Đại học Zurich cho biết: "Sự thành công của hệ thống tưới máu độc đáo này là thành quả sau 4 năm miệt mài nghiên cứu của một nhóm các bác sỹ phẫu thuật, nhà sinh học và kỹ sư. Họ đã mở đường cho nhiều ứng dụng mới trong cấy ghép và thuốc chữa ung thư, giúp các bệnh nhân không có gan để ghép".

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành tưới máu cho nhiều gan. Trong đó có 6/10 gan hỏng và bị từ chối cấy ghép tại tất cả các trung tâm y tế ở Châu Âu đã hồi phục hoàn toàn mọi chức năng chỉ trong vòng 1 tuần sau khi được tưới máu.

Các tế bào trong gan vẫn tiếp tục các chức năng cơ bản như duy trì chuyển hóa năng lượng và tạo protein. Tuy nhiên, gan có biểu hiện co lại trong suốt một tuần. Đến ngày thứ 7, sáu gan còn sống chỉ còn lại khoảng 1/4 kích thước so với ban đầu, nhưng theo nhóm tác giả, đây là dấu hiệu của việc giảm sưng ở gan.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ đang lên kế hoạch sử dụng gan đã được hồi phục chức năng cấy ghép thử nhằm đánh giá hiệu quả.

Nghiên cứu đột phá về thiết bị giữ sự sống cho gan đã được đăng tải trên tạp chí Nature Biotechnology mới đây. Cỗ máy được công nhận là một bước tiến đột phá trong cấy ghép nội tạng.

Mai Huyền

Chủ đề khác