VnReview
Hà Nội

Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu: 30% bề mặt Trái Đất cần được bảo vệ trước năm 2030

Nếu không nỗ lực bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái trước năm 2030, thế giới có nguy cơ mất đi rất nhiều loài động thực vật và phá hoại thế cân bằng của tự nhiên.

Theo kế hoạch của Liên Hợp Quốc, khoảng 30% bề mặt Trái Đất, bao gồm đất liền và biển sẽ cần được bảo vệ khẩn cấp trước năm 2030. Chỉ có như vậy mới đảm bảo sự tồn tại của hệ sinh thái và cũng chính là bảo vệ cho tương lai loài người.

Theo bản kế hoạch, thế giới cần có những giải pháp để cải thiện khí hậu, bao gồm tích cực trồng lại rừng, bảo vệ vùng đất ngập nước và phục hồi đất. Đặc biệt con người cần tích cực ngăn sự lây lan của các loài xâm lấn, giảm ô nhiễm từ thuốc trừ sâu và rác thải nhựa.

Liên Hợp Quốc đang soạn dự thảo nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp trầm trọng của môi trường và tốc độ tuyệt chủng như hiện nay. Dự thảo này sẽ được gần 200 quốc gia cùng nhau bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2020. Đây cũng là hội nghị lần thứ 15 kể từ năm 1994.

Cho đến nay, các mục tiêu của Liên Hợp Quốc trong việc bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái đã thất bại vì thiếu đi sự giúp đỡ của nhiều chính phủ và sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện của các nước.

Tuy nhiên hành động chưa bao giờ là quá muộn nếu chúng ta quyết tâm. Báo cáo State of Nature hồi năm ngoái của Liên Hợp Quốc có đề cập đến một con số đáng báo động. Trong hai thập kỷ qua, 1 triệu loài thực vật và động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Và thủ phạm không ai khác chính là con người. Trong những thập kỷ gần đây, con người với dân số ngày một đông đang không ngừng ăn thịt, săn bắt và đầu độc nhiều loài vật, đẩy chúng tới bờ vực tuyệt chủng.

Con người sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu không hành động tích cực hơn ngay từ bây giờ

Hồi tuần trước, các nhà khoa học tuyên bố cá mái chèo nước ngọt Trung Quốc, một loài cá từng có quần thể rất lớn trong 200 triệu năm trở lại đây đã chính thức tuyệt chủng. Con người đang phải trả giá cho sự tham lam của mình và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang đẩy muôn loài rơi vào thảm cảnh chung với loài người.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Môi trường của Costa Rica, Carlos Manuel Rodriguez chia sẻ: "Đây là một năm cực kỳ quan trọng để giải quyết các khủng hoảng tự nhiên và khí hậu. Chúng là hai mặt của cùng một đồng tiền và chúng ta phải giải quyết cả hai cuộc khủng hoảng này một cách thật quyết liệt".

Dự thảo mới nhất của Liên Hợp Quốc kêu gọi toàn bộ các quốc gia cần bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền và biển, trong đó có khoảng 10% cần được bảo vệ nghiêm ngặt để giải quyết các điểm nóng về đa dạng sinh học. Các số liệu chính thức dự kiến sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng hơn trong các hội nghị của Liên Hợp Quốc.

Các nhà bảo tồn hy vọng, cuộc họp vào tháng 10 tới tại Côn Minh, Trung Quốc sẽ xuất hiện một khoảnh khắc giống như Hiệp định Paris. Đã đến lúc con người cần quan tâm hơn tới đa dạng sinh học thay vì quá mải mê tìm cách giải quyết khí nhà kính và ngăn tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhiều chuyên gia và các nhà hoạt động môi trường bày tỏ sự hoan nghênh với mục tiêu trên của Liên Hợp Quốc. Nhưng họ cũng tỏ ra hoài nghi với kế hoạch đầy tính tham vọng này, bởi hai nỗ lực trước đó với mục tiêu 10 năm đã không thể đạt được.

Mai Huyền

Chủ đề khác