VnReview
Hà Nội

Chúng ta sắp phải đối mặt với một “đại dịch nhựa” đe dọa tấn công cả thế giới

Một thế giới ngập tràn nhựa sắp không chỉ còn là dự đoán khi nó có nguy cơ trở thành sự thật nếu các công ty dầu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất đồ nhựa.

Khi thế giới đang ngày càng quan tâm hơn tới vấn nạn rác thải nhựa và tác động của nó với môi trường, người tiêu dùng cũng chủ động hơn trong việc tìm tới túi vải, ống hút kim loại và chai nước có thể tái sử dụng. Nhưng ngược lại, ngành công nghiệp hóa dầu đang đổ hàng tỷ đô vào các nhà máy mới nhằm sản xuất ngày càng nhiều nhựa hơn.

Theo Wired, các công ty như ExxonMobil, Shell và Saudi Aramco đang tăng cường sản xuất nhựa từ dầu, khí đốt và các sản phẩm phụ khác. Mục đích của các công ty này nhằm chống lại phản ứng thái quá của người tiêu dùng trước việc giảm nhu cầu sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), hóa dầu - lĩnh vực chuyên sản xuất nhựa và cá hóa phẩm hiện chiếm 14% lượng dầu cung ứng và dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ dầu vào năm 2050. Mới đây Diễn đàn kinh tế thế giới cũng dự đoán, sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới.

Trong bối cảnh thế giới đang cố gắng chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới. Đây là lúc các công ty dầu khí bắt đầu phải tìm hướng tăng trưởng mới.

Shell đang xây dựng một nhà máy ở bang Pennsylvania với trị giá 6 tỷ USD. Đây là nơi chuyên cracking etan thành ethylen, một hóa chất sử dụng trong nhiều loại nhựa. Hãng dự kiến sẽ sản xuất khoảng 1,6 triệu tấn nhựa mỗi năm sau khi mở cửa nhà máy vào đầu năm 2020. Sản phẩm của Shell không chỉ còn là các bao bì, bọc nhựa các mặt hàng đơn giản mà còn liên quan đến các bộ phận cho xe hơi và máy bay.

Kể từ năm 2010 tới nay, các công ty đã đầu tư hơn 200 tỷ USD cho 333 dự án sản xuất nhựa và hóa chất tại Mỹ, bao gồm mở rộng cơ sở sản xuất và xây nhà máy mới. Tuy nhiên tới năm 2020 này, mọi thứ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Cụ thể năm 2020 có rất nhiều các cơ sở vẫn đang trong quá trình cấp phép. Judith Enck, người sáng lập Beyond Chemicals và là cựu giám đốc khu vực thuộc Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ khẳng định, nếu 1/4 trong số các nhà máy cracking này này được xây dựng, tương lai của con người sẽ ngập tràn toàn đồ nhựa.

Mặc dù nhựa thường được coi là vấn đề riêng biệt với biến đổi khí hậu nhưng thực tế chỉ riêng quá trình sản xuất và hậu tái chế đã đủ cấu thành lên "tội" phá hủy môi trường và phát thải khí nhà kính.

Khí thải phát ra từ nhựa có thể đến từ mọi "chu kỳ" của chúng, bao gồm giai đoạn sử dụng dầu khí để sản xuất, sau đó quá trình cracking etan đòi hỏi một nguồn điện lớn lấy từ các nhà máy điện than.

Khí thải từ việc tái chế nhựa, cụ thể là đốt rác thải nhựa còn nhiều hơn cả nhà máy nhiệt điện

Trung tâm luật môi trường quốc tế Mỹ phát hiện, lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến nhựa hiện chỉ dưới 900 triệu tấn CO2/năm. Tuy nhiên con số này có thể tăng lên tới 1,3 tỷ tấn, tương đương lượng phát thải CO2 của 300 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030. Trung tâm này dự báo, nếu sản lượng nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, nhựa sẽ chiếm 10-13% lượng khí thải CO2 cho phép nếu thế giới vẫn giữ được nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này.

Ước tính 12% lượng nhựa bị đốt cháy giải phóng ra đủ mọi loại khí nhà kính, bao gồm các chất độc nguy hiểm như dioxin và kim loại nặng. Ngành công nghiệp đang thúc đẩy việc đốt rác để sản xuất điện và nó được mô tả như một nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây cho thấy, nhựa khi bị đốt giải phóng ra rất nhiều khí nhà kính và nó sẽ trở thành một nguồn phát thải rất lớn và khó kiểm soát.

Keith Christman, giám đốc điều hành thị trường nhựa tại Hội đồng Hóa học Mỹ lại có một góc nhìn khác, ngành công nghiệp đang đưa ra lập luận rằng, nhựa đem lại nhiều lợi ích bao gồm cả môi trường. Nó làm cho xe hơi nhẹ hơn và do đó giảm sức cản. Hay nhựa giúp cách nhiệt cho nhà, giảm chất thải bằng cách kéo dài tuổi thọ của thực phẩm và giữ các vật tư y tế luôn sạch sẽ,…

Christman tin rằng, nhựa vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò bảo vệ sức khỏe và xã hội loài người. Nhưng ông cho rằng, chìa khóa ở đây chính là bối cảnh. Nếu bạn không sử dụng nhựa, liệu bạn sẽ sử dụng thứ gì để thay thế. Việc thay thế bằng thép, thủy tinh, nhôm đều có những mặt hạn chế, thậm chí chúng có thể tạo ra lượng CO2 lớn hơn cả nhựa. Christman nhấn mạnh, nhiều người đang nói quá nhiều về loại nhựa dùng một lần nhưng thực tế thì cũng có nhiều loại nhựa có thể dùng lâu dài.

Tiện lợi chính là căn nguyên khiến đồ nhựa dùng một lần vẫn còn đất sống

Sự tiện lợi chắc chắn là lý do hàng đầu khiến người ta không thể rời xa nhựa. Mọi người thường thích ăn hay uống cái gì đó thật nhanh và ở mọi lúc mọi nơi. Đó là nguyên nhân hàng đầu khiến đồ nhựa trở nên phổ biến tại các quốc gia giàu có. Và tại các thị trường mới nổi, vấn nạn nhựa càng trở nên rắc rối hơn khi cơ sở hạ tầng chưa đủ khả năng để xử lý chúng.

Ở các thị trường ở Châu Á, các công ty thường bán các sản phẩm như dầu gội, xà phòng hay kem dưỡng da trong các gói riêng lẻ bằng nhựa. Nhưng hạ tầng quản lý chất thải yếu kém tại quốc gia đó khiến những thứ tiện lợi như đã nói ở trên chính là mầm mống cho vấn nạn rác thải nhựa. Nhưng chưa hết chính những quốc gia phát triển mới là những nơi dùng nhiều đồ nhựa nhất. Ước tính lượng người sử dụng đồ nhựa tại Mỹ, tính trên đầu người nhiều hơn gấp chục lần so với Ấn Độ, gấp 5 lần so với Indonesia và gấp gần 3 lần so với Trung Quốc.

Ngoài tác động tới khí hậu, hóa dầu còn có thể giải phóng các độc tố khác vào không khí như 1,3-Butadiene, benzen và toluene. Đây đều là những hóa chất độc hại có thể gây ung thư và các căn bệnh khác.

Cháy nổ cũng là một vấn đề khá đau đầu liên quan đến dầu mỏ và nhựa. Một ngày trước lễ Tạ Ơn, một nhà máy hóa chất dầu khí ở Texas đã phát nổ, buộc 50 ngàn người phải sơ tán. Một tuần sau, các nhà chức trách tiếp tục đưa ra cảnh báo khi máy theo dõi không khí phát hiện nồng độ chất gây ung thư 1,3 Butadiene tăng cao. Đó cũng là vụ cháy hóa dầu lớn thứ 4 trong năm 2019 ở tiểu bang Texas.

Dù biết những tác hại của các nhà máy hóa dầu nhưng chúng ta không thể chối bỏ được một thực tế rằng, những nhà máy này đang đem lại việc làm cho nhiều người. Đó cũng là lý do tiểu bang Pennsylvania đã cấp cho nhà máy Shell một khoản giảm thuế trị giá 1,6 tỷ USD. Trong khi đó các quan chức ở Ohio và West Virginia rất mong muốn Shell xây dựng thêm nhà máy cracking etan.

Dù muốn hay không, chúng ta cũng sẽ phải chống lại đại dịch nhựa

Nhiều quốc gia và các liên minh lớn đã sớm ban hành các cơ chế nhằm đối phó với rác thải nhựa. Liên minh Châu Âu đang cấm các mặt hàng nhựa sử dụng một lần bao gồm dao kéo, đĩa, ống hút, cốc và hộp đựng thực phẩm từ năm 2021. Tám tiểu bang của Mỹ và 34 quốc gia ở Châu Phi cũng đã lên kế hoạch cấm nhựa trong vài năm tới. Mới đây nhất, Thái Lan cũng đã ban hành lệnh cấm túi nhựa sử dụng một lần tại các cửa hàng lớn trong năm 2020 và hướng tới cấm hoàn toàn trong năm 2021.

Mặc dù đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhưng nhu cầu về nhựa tại các quốc gia đang phát triển và các nước giàu vẫn còn rất lớn. Peter Levi, tác giả chính của báo cáo về tương lai của hóa dầu năm 2018 của IEA dự báo, tăng trưởng về nhu cầu nhựa hàng năm là 4%. Sản lượng nhựa hàng năm cũng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, một phần do sức hút của các loại nhựa giá rẻ và tính linh hoạt của nó.

Do đó nếu muốn thay thế được túi nhựa nói riêng hay đồ nhựa nói chung, con người cần phải tìm được một vật liệu thay thế khác đủ rẻ và có chức năng tương tự.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, nhu cầu lớn về nhựa đôi khi không đến từ người tiêu dùng mà lại đến từ các công ty chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm tiêu dùng và nhiều lĩnh vực khác. Các công ty này thường dùng nhựa để gói bọc thực phẩm, hàng hóa.

Hội đồng Hóa học Mỹ đặt mục tiêu tất cả nhựa phải được tái chế hoặc thu hồi vào năm 2040. Mặc dù vậy nhiều nhà phân tích nghi ngờ về tính thực tiễn của nó. Trong khi đó EU ngoài lệnh cấm loại đồ nhựa sử dụng một lần cũng yêu cầu 25% số chai nhựa phải được tái chế trước năm 2025.

Một báo cáo trước đây của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cho thấy, việc tái chế nhựa không hề đơn giản như dự báo của các nhà hoạch định chính sách. Tái chế nhựa đòi hỏi những kỹ thuật rất phức tạp và tiêu tốn tài nguyên. Và khi Trung Quốc đóng cửa thị trường, không nhận rác thải nhựa tái chế trong năm 2018 cũng là lúc những núi rác thải nhựa bắt đầu cao dần ở các nước phát triển.

Robin Waters, giám đốc phân tích về nhựa của IHS Markit cho rằng, vật liệu tái chế không đóng góp nổi ít nhất từ 10-12% trong quy trình sản xuất nhựa. Do đó nhựa tái chế thực tế cũng chẳng đem lại lợi ích là bao.

Steven Feit, một luật sư tại Trung tâm luật môi trường quốc tế cảnh báo, một khi chúng ta để các công ty tiếp tục xây dựng các nhà máy cracking ethan mới, họ sẽ muốn duy trì hoạt động để tối đa hóa doanh thu. Vì vậy mối quan tâm tiếp theo là tìm ra được cách sản xuất nhựa mới, ít gây hại cho môi trường. Con người đang ngày càng sử dụng nhiều nhựa hơn để đựng và đóng gói mọi thứ. Và có lẽ chỉ khi quy trình sản xuất gặp trục trặc hoặc tìm được một loại vật liệu khác nhẹ, bền bỉ như nhựa, chúng ta mới có thể mong giảm lượng nhựa thải ra môi trường.

Tiến Thanh

Chủ đề khác