VnReview
Hà Nội

Điều hòa cũ không chỉ làm thủng tầng ozon mà còn làm tan băng ở Bắc Cực

Không chỉ phá hủy tầng ozon, các loại chất làm lạnh độc hại ngày xưa như CFC và HCFC cũng gián tiếp làm tăng nhiệt độ tại Bắc Cực trong suốt hơn 50 năm qua.

Lỗ thủng tầng ozon có nguyên nhân chủ yếu do khí CFC phát ra từ máy điều hòa không khí và tủ lạnh đời cũ. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy, chính khí CFC cũng đã gián tiếp dẫn tới sự nóng lên của Bắc Cực trong suốt giai đoạn từ 1955-2005.

Sử dụng một số mô hình khí hậu để tìm hiểu mức độ hóa chất công nghiệp ảnh hưởng đến sự gia tăng nhiệt độ ở Bắc Cực và tình trạng băng tan, các nhà khoa học đã phát hiện thấy nhiều sự thật bất ngờ.

Theo Gizmodo, các nhà nghiên cứu chọn năm 1955 là điểm khởi đầu vì việc sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozon như chlorofluorocarbons (CFC) và hydrochlorofluorocarbons (HCFC) như một chất làm lạnh chính đang tăng mạnh trong thời điểm đó.

Nhóm nghiên cứu chia ra hai kịch bản. Kịch bản đầu tiên, khí thải được định lượng theo lượng phát thải trong suốt 50 năm qua. Trong khi đó kịch bản còn lại sẽ duy trì các chất suy giảm tầng ozon này ở mức năm 1955.

Kết quả cho thấy với cả hai kịch bản, nhiệt độ trung bình toàn cầu đều tăng 0,59 độ C. Tuy nhiên với kịch bản khí thải không chứa các hóa chất này, mức tăng chỉ là 0,39 độ C. Điều đó có nghĩa rằng, những hóa chất này chịu một phần trách nhiệm cho sự nóng lên toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên ở Bắc Cực, tình trạng nóng lên toàn cầu thực sự gây ra những tác động nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi có sự xuất hiện của CFC và HCFC. Nhiệt độ ở Bắc Cực đã tăng 1,59 độ C trong suốt 50 năm qua dưới tác động của các loại hóa chất độc hại làm suy giảm tầng ozon. Mặc dù vậy nếu duy trì mức phát thải như năm 1955, nhiệt độ Bắc Cực chỉ tăng thêm 0,8 độ C, một mức giảm rõ rệt.

Lỗ thủng tầng ozon đã có lúc vượt ngoài tầm kiểm soát của con người

Rõ ràng những biện pháp ngăn chặn khí thải nhà kính, trong đó có các hóa chất độc hại cho tầng ozon không thể đủ. Bằng chứng là nhiệt độ Trái Đất đang ngày càng tăng do hệ quả từ một thời gian dài, con người phá hủy tầng ozon.

Các nhà khoa học nhận định, một nửa lượng băng Bắc Cực đã mất trong tháng 9/2019 và đây cũng là tháng ghi nhận lượng băng Bắc Cực mất nhiều nhất trong suốt hơn 50 năm qua.

Nghị định thư Montreal được phê chuẩn vào năm 1989 nhằm đối phó với vấn nạn thủng tầng ozon đang ngày càng tồi tệ. Mục đích của nghị định thư này là loại bỏ càng sớm càng tốt các hóa chất làm lạnh đang hàng ngày đầu độc tầng ozon. Tính đến nay, tầng ozon đã phục hồi phần nào và có khả năng "lành lặn" hoàn toàn vào cuối thế kỷ này, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng nóng lên tại Bắc Cực.

Tuy nhiên những chất thay thế cho chất làm lạnh như CFC hay HCFC vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho tầng ozon nếu như con người không tiếp tục tìm kiếm những chất làm lạnh mới thân thiện hơn với môi trường.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Climate Change mới đây.

Mai Huyền

Chủ đề khác