VnReview
Hà Nội

Tại sao những người thông minh thường hay nghi ngờ năng lực của bản thân?

Ở những người thông minh, họ thường có suy nghĩ bó buộc bản thân trong một cái khung hoàn hảo. Và đó cũng là một phần lý do họ luôn dằn vặt và nghi ngờ về năng lực của bản thân.

Hãy tưởng tượng một ngày nào đó bạn bắt đầu một công việc mới và mong muốn phát huy tất cả các kỹ năng của mình. Bỗng nhiên, bạn cảm giác thấy một nỗi bất an. Bạn lo ngại người khác sẽ nhìn mình với ánh mắt nghi ngờ. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cho rằng bản thân không đủ năng lực?

Đã có lúc bạn thuyết phục bản thân rằng, cảm giác này rồi sẽ biến mất khi bạn dần quen với công việc. Nhưng vài tháng sau, sự nghi ngờ về chính năng lực của bản thân này trỗi dậy và liên tục dày vò bạn. Cảm giác này hóa ra không phải chỉ là những suy nghĩ thông thường mà là một hội chứng có tên Impostor Syndrome hay Hội chứng kẻ mạo danh.

Hội chứng kẻ mạo danh là gì?

Nhà thơ, nhà văn Charles Bukowski từng có một câu nói bất hủ rằng: "Người ngu ngốc luôn đầy tự tin còn người thông minh lại hay nghi ngờ".

Mặc dù sở hữu trong tay rất nhiều giải thưởng và thành tích, nhưng họ luôn kiên định với bản thân rằng, họ không thông minh. Trên thực tế, họ cho rằng họ đã đánh lừa mọi người và lo sợ bị vạch trần là kẻ lừa đảo hoặc mạo danh.

Theo ScienceAbc, họ liên tục đặt câu hỏi về năng lực của bản thân và cho rằng họ không đủ khả năng làm một việc gì đó, dù rằng năng lực của họ đã được chứng minh. Họ cho rằng, sự thành công của họ không đến từ chính năng lực mà là do các yếu tố bên ngoài, ví dụ như may mắn. Đó là lý do tại sao họ thường từ chối lời khen ngợi hoặc công nhận và hay nghi ngờ về thành quả của bản thân.

Những ai có thể gặp hội chứng kẻ mạo danh?

Hầu như tất cả chúng ta đều nghi ngờ chính mình không lúc này thì lúc khác. Vậy phải chăng tất chúng ta đã trải qua hội chứng kẻ mạo danh?

Nhà tâm lý học Suzanne Imes và Pauline Rose Clance ban đầu sử dụng thuật ngữ này để mô tả phụ nữ da trắng thành công, vì họ cho rằng hội chứng này chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Sau đó người ta phát hiện ra rằng, bất kỳ ai cũng có thể mắc hội chứng này, bất chấp giới tính, chủng tộc, độ tuổi, xu hướng tình dục,…

Một số bằng chứng chỉ ra những người mắc hội chứng kẻ mạo danh là những người có thời thơ ấu chịu nhiều áp lực về thành tích học tập và áp lực xã hội. Những đứa trẻ lớn lên trong các hộ gia đình nơi bố mẹ chúng thường gieo vào đầu chúng những suy nghĩ đại loại như: "Con sau này phải trở thành một thiên tài" hay "Con sau này phải thật tài năng và giỏi giang hơn người khác".

Tuy nhiên thực tế những đứa trẻ này chưa có nhiều trải nghiệm để biết cách đạt được thành công. Chúng thường đem theo những hoài bão và kỳ vọng của bố mẹ khi lớn lên. Cho đến khi chúng phải đối mặt với áp lực xã hội và sự cạnh tranh để đạt thành công, lúc đó những đứa trẻ này càng dễ gặp hội chứng kẻ mạo danh hơn.

Các biểu hiện của hội chứng kẻ mạo danh

Cảm giác như một kẻ mạo danh người thành công khiến người mắc hội chứng luôn sợ hãi và cô đơn. Họ thường đánh đồng giá trị bản thân với những thất bại của họ. Do đó họ thường làm mọi thứ trong khả năng để tránh thất bại, đôi khi họ cũng bỏ lỡ cả những cơ hội tốt để bứt phá. Khi họ đảm nhận một công việc, họ thường chần chừ vì sợ hoàn thành nhiệm vụ và lo ngại sản phẩm cuối cùng không đủ tốt.

Những người mắc hội chứng kẻ mạo danh thường dành hàng giờ để chuẩn bị, lên kế hoạch và suy nghĩ về những hành động có thể dẫn tới sai lầm. Hội chứng này còn khiến một người có xu hướng làm việc quá sức nhằm khỏa lấp thiếu sót của bản thân. Điều này dẫn tới tình trạng mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc, chưa kể là đủ thứ bệnh tật. Mưu cầu sự hoàn hảo khiến họ muốn làm mọi thứ thật nhanh chóng, đầy đủ và họ luôn cảm thấy xấu hổ nếu làm một điều gì đó quá lâu.

Ngay cả khi những người mắc hội chứng này gặp khó khăn, họ cũng không hề yêu cầu sự giúp đỡ. Đơn giản bởi họ sợ rằng, họ không còn hoàn hảo trong mắt mọi người. Sự bất an rõ ràng biểu hiện dễ thấy nhất của người mắc hội chứng kẻ mạo danh. Lâu dần những lo lắng này có thể chạm tới ngưỡng đỉnh điểm, khiến họ chán nản hoặc ngày càng kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần.

Cảm xúc và nỗi sợ hãi của người mắc hội chứng này đôi khi khá mâu thuẫn. Một mặt họ sợ bị phanh phui là một người bất tài, kém cỏi và giả mạo. Nhưng mặt khác, họ coi thường thành tích của bản thân và từ chối lời khen ngợi của mọi người. Cuối cùng họ tự buộc tội chính mình với đủ những tính từ tồi tệ nhất.

Làm thế nào để tránh hội chứng kẻ mạo danh?

Hội chứng kẻ mạo danh rõ ràng khiến một người cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Nhưng nếu biết cách làm chủ nó, bạn hoàn toàn có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực đó. Hãy nhớ những điều quan trọng sau:

1. Bạn đã khẳng định được vị trí của bản thân

Hãy nhớ rằng, bạn có được công việc, vị trí đó chính là nhờ năng lực của bản thân và không ai cho không bạn điều này nếu như bạn không đủ giỏi. Bên tuyển dụng chọn bạn vì họ coi bạn là người tốt nhất cho vị trí công việc đó.

2. Tích cực giảm stress

Dành thời gian cho những thú vui mới, ví dụ như nấu ăn, chụp ảnh, đi dạo, tập thể dục,… sẽ khiến bạn không còn thời gian để nghĩ đến những điều tiêu cực nữa. Hơn hết bạn sẽ cảm thấy, sự nghỉ ngơi này là xứng đáng cho những nỗ lực của bản thân.

3. Hãy đặt kỳ vọng phù hợp với bản thân

Đặt kỳ vọng phù hợp với bản thân và tập trung cho việc đạt được nó đôi khi còn tốt hơn việc chạy theo những mục tiêu viển vông và sự hoàn hảo.

4. Hãy trân trọng những thành tựu của bản thân

Thay vì tìm cách đổ lỗi cho bản thân không đạt được những thứ mong muốn. Tại sao bạn không nghĩ về những thành tựu mà bạn đã gặt hái được và đánh giá xem liệu bản thân mình có xứng đáng hay không. Thành tựu cá nhân chính là động lực giúp bạn đạt được những thành công mới trong tương lai.

5. Thất bại không định nghĩa được tài năng của bạn

Tiếp cận với những thách thức mới sẽ khiến bạn nhận ra rằng, thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học tập. Không có thất bại thì sẽ không có những bài học để bạn tiếp tục cải thiện bản thân. Mặc dù việc chấp nhận thất bại không hề đơn giản nhưng nếu học được điều này, bạn có thể chống lại được hội chứng kẻ mạo danh.

6. Hãy tử tế với chính mình

Khi đối mặt với thất bại, chúng ta thường trở thành "nhà phê bình" nghiêm khắc nhất với bản thân. Tự phê bình có thể là một điều hay nhưng không nên đắm chìm và dằn vặt bản thân quá lâu. Điều quan trọng là hãy tử tế với chính mình. Bạn có thể nhìn những tấm gương trong cuộc sống và hãy chấp nhận rằng, sai lầm xảy ra đối với tất cả mọi người và bạn cũng không phải ngoại lệ.

7. Mọi người cũng sẽ như bạn nếu lâm vào tình trạng này

Thử tưởng tượng, nếu mọi người rơi vào hoàn cảnh của bạn, họ cũng sẽ hiểu được bạn đang phải trải qua điều gì. Tất nhiên để mọi người hiểu được, bạn cần chia sẻ nhiều hơn với người khác, đặc biệt là những người có cùng sở thích, hoàn cảnh và mục tiêu. Chia sẻ nhiều hơn giúp bạn không còn cảm giác cô đơn khi phải chống chọi lại với cái gọi là sự hoàn hảo.

Tóm lại, hãy luôn tin tưởng vào bản thân và hãy cứ làm công việc của mình bằng tất cả lòng nhiệt huyết. Nhưng luôn ghi nhớ rằng, sai lầm có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vậy nên hãy học cách chịu trách nhiệm với những sai lầm đó và tử tế với chính mình. Hãy sở hữu những gì bạn có thể kiểm soát chúng và từ bỏ những thứ bạn không bao giờ làm chủ được nó, nhất là cảm xúc tiêu cực.

Tiến Thanh

Chủ đề khác