VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu thành công kính áp tròng có thể tự làm ẩm giúp người dùng thoải mái hơn

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra cách giữ ẩm cho kính áp tròng. Đây là một ứng dụng quan trọng vì kính áp tròng có nhược điểm là thường gây khô mắt và khiến nhiều người cảm thấy khó chịu khi đeo.

Mặc dù kính áp tròng có ưu điểm là gọn nhẹ và cũng tiện lợi hơn so với kính. Nhưng chúng có một nhược điểm khá cố hữu, đó là thường gây ra hội chứng khô mắt. Tuy nhiên sự khó chịu này sẽ sớm không còn nữa nhờ một cơ chế giữ ẩm đặc biệt mới vừa được các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra.

Khi đeo kính áp tròng trong thời gian dài, chúng thường làm khô mắt người đeo do làm giảm tần suất chớp mắt, một trong những cơ chế quan trọng để làm ẩm mắt. Ngoài ra kính áp tròng cũng làm tăng độ bốc hơi ẩm của mắt, gây ra viêm giác mác và sự khó chịu.

Để phần nào giải tỏa những khó chịu trên, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Tohoku, Nhật Bản và trưởng nhóm, giáo sư Matsuhiko Nishizawa đã thiết kế ra một loại kính áp tròng thế hệ mới.

Nguyên mẫu kính áp tròng này có thể duy trì một lớp chất lỏng mô phỏng nước mắt ở giữa chính nó và mắt thông qua một hiện tượng có tên là "electroosmotic flow" hay EOF. Trong đó chất lỏng được tạo ra bằng cách đặt một điện áp trên bề mặt có điện tích. Khi có tiếp xúc, một dòng điện sẽ xuất hiện và tác động lên vật liệu hydrogel của kính. Từ đó kính sẽ hút chất lỏng lên từ "bể chứa" nước mắt nằm ở phía sau mí mắt dưới.

Tính đến nay, các nhà khoa học đã cung cấp năng lượng thành công cho kính áp tròng sử dụng "pin sinh học" magiê-oxy và enzyme fructose-oxy gắn trực tiếp. Đây đều là hai loại pin an toàn và không độc hại cho tế bào. Thậm chí, nhóm đang tính đến việc cung cấp năng lượng không dây để giúp tăng độ cứng cho kính và giảm lượng điện áp cần thiết.

Nishizawa cho biết: "Đây là minh chứng đầu tiên cho thấy hiện tượng EOF trong kính áp tròng có thể giữ ẩm cho kính. Trong tương lai, công nghệ này có thể mở rộng cho nhiều ứng dụng khác, chẳng hạn như phân phối thuốc".

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Advanced Materials Technologies mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác