VnReview
Hà Nội

Có nên dùng máy tạo ẩm để phòng virus cúm?

Mùa cúm đang đến gần, các quan chức y tế công cộng vẫn thúc giục bất cứ ai chưa tiêm phòng cúm, hãy đi tiêm. Bởi vì, vắc-xin là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi virus.

Virus cúm thường hoạt động trong điều kiện thời tiết khô, lạnh của mùa đông

Rửa tay sạch sẽ và ở nhà nếu bạn bị ốm. Đó là hai cách quan trọng phòng ngừa cúm và không để cúm lây lan. Nhưng nó cũng chưa phải là giải pháp toàn diện. Nay, có một số "mẹo" được lan truyền, đó là sử dụng máy làm ẩm không khí xung quanh để phòng ngừa cúm.

Có một số bằng chứng liên quan đến hoạt động của cúm trong điều kiện thời tiết khô, lạnh của mùa đông, khiến các nhà khoa học cho rằng không khí khô khiến virus cúm lan rộng trong khi không khí ẩm hơn có thể khiến virus khó lây lan hơn.

Như vậy, sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà hoặc văn phòng có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm không? Trang Consumer Reports đã có bài viết, trong đó chuyên gia tư vấn bạn có nên đưa máy làm ẩm không khí vào kho vũ khí chống cúm hay không.

Mối liên hệ giữa cúm và độ ẩm

Ở những vùng ôn đới trên thế giới, dịch cúm thường xảy ra theo mùa, bắt đầu vào khoảng cuối mùa thu, sang mùa đông. Có một loạt các yếu tố góp phần gây dịch cúm theo mùa, và độ ẩm có thể là một trong số các yếu tố.

Chẳng hạn, trong một nghiên cứu năm 2017 công bố trên tạp chí Plos Computational Biology, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những mùa cúm trong quá khứ và nhận thấy dự đoán về tỷ lệ mắc cúm chính xác hơn khi tính đến độ ẩm.

Các thí nghiệm khác, sử dụng động vật và ma-nơ-canh mô phỏng, đã phát hiện ra rằng virus cúm dễ dàng lây truyền qua không khí khi độ ẩm dưới khoảng 40% hoặc 50%, nhưng ít có khả năng lây truyền khi độ ẩm cao hơn.

Thật ra, bằng chứng ngoài đời thực về phát hiện trên không nhiều, song nghiên cứu đó vẫn rất hấp dẫn. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 trên tạp chí Plos One, các nhà nghiên cứu đã lắp đặt máy tạo độ ẩm trong hai phòng học mầm non và so sánh chúng với hai phòng học không sử dụng máy tạo độ ẩm. Sau vài tuần trong mùa cúm, họ phát hiện ra các mẫu không khí và đồ vật mà những đứa trẻ chạm vào từ căn phòng sử dụng máy làm ẩm ít có khả năng bị nhiễm virus cúm A hơn so với các lớp học không được làm ẩm.

Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra nhận thấy rất ít trẻ em trong các phòng được làm ẩm bị ốm, có các triệu chứng giống như cúm. Nhưng tác giả nghiên cứu Jennifer Reiman, Tiến sĩ, thành viên của Khoa Khoa học Công dân tại Bard College, nói rằng mùa đông năm 2016, năm tiến hành thí nghiệm, lại là một năm dịch cúm mùa nhẹ và tổng số trẻ bị cúm quá thấp, nên không thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc máy làm ẩm thực sự giúp ngăn ngừa cúm.

Có nên làm ẩm không khí để phòng ngừa cúm?

Mặc dù thiếu bằng chứng thuyết phục, sử dụng máy tạo độ ẩm có lẽ là một ý tưởng tốt, Seema Lakdawala, Tiến sĩ, một giáo sư trợ lý tại Đại học Y khoa Pittsburgh nhận định.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của bà đã phát hiện ra rằng mặc dù độ ẩm vừa phải có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến virus cúm, nhưng nó làm cho các hạt virus nặng hơn và nhanh chìm xuống không khí hơn sau khi người bệnh thở, ho hoặc hắt hơi vào phòng.

Vào mùa đông, mọi người thường ở trong nhà, đóng kín cửa, không khí không được lưu thông và chúng ta hít thở những gì mà người khác đã thở ra. Vì vậy, làm ẩm không khí có thể khiến các virus cúm ít bay lơ lửng trong không khí, do đó mọi người ít có khả năng hít phải chúng hơn. Tất nhiên, một khi virus cúm rơi xuống các bề mặt, bạn có thể nhiễm virus, nhưng chính lúc đó, thường xuyên rửa tay sạch sẽ sẽ giúp giảm nguy cơ.

Theo Reiman, giữ độ ẩm trong nhà từ 40 đến 60% có thể là mức hoàn hảo để giảm rủi ro bị cúm. Ngược lại, độ ẩm cao hơn mức đó có thể gây tác dụng ngược: Nghiên cứu ở vùng khí hậu nhiệt đới, nơi mùa cúm diễn ra theo một mô hình khác, cho thấy độ ẩm rất cao và rất thấp đều tạo điều kiện cho virus lây lan.

Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Mỹ, độ ẩm quá cao cũng có thể khuyến khích nấm mốc, vi khuẩn và mạt bụi phát triển. Và để giữ chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, mức độ ẩm nên từ 30-50%.

Hoàng Lan

Chủ đề khác