VnReview
Hà Nội

Dịch corona nguy hiểm ra sao so với những đại dịch từng xảy ra trong 50 năm qua?

So với các đại dịch nguy hiểm khác từng xảy ra trong quá khứ, dịch viêm phổi cấp do virus corona vẫn chưa hẳn quá nguy hiểm. Nhưng trên hết, chúng ta không được chủ quan nếu không muốn đại dịch này vượt tầm kiểm soát.

Trong một tháng trở lại đây, vấn đề được thế giới quan tâm nhất chính là dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Tốc độ lây lan nhanh chóng và số ca tử vong tăng nhanh từng ngày đang khiến mọi người vô cùng lo lắng. Nhưng nếu xét trên nhiều phương diện, dịch corona có thể chưa phải khủng khiếp nhất nếu so với các đại dịch khác từng xảy ra trong vòng 50 năm qua.

Tính tới nay, đại dịch corona đã lây nhiễm cho khoảng 40.536 người và ít nhất đã có khoảng 910 người tử vong. Số ca tử vong do dịch corona thậm chí đã vượt qua các đại dịch SARS hồi năm 2002.

Sự nguy hiểm của virus corona đã lên tới mức báo động và buộc WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 15/1. Tuy nhiên liệu dịch bệnh này có đáng sợ như thế giới lo ngại? Hãy cùng kiểm chứng qua bảng so sánh dịch corona với các đại dịch khác đã xuất hiện trong 50 năm trở lại đây thông qua biểu đồ thống kê của trang Business Insider. Biểu đồ không bao gồm các loại virus lây truyền qua muỗi như Zika, sốt rét và sốt xuất huyết.

Virus corona là betacoronavirus và được xếp chung nhóm với các virus gây ra đại dịch SARS và MERS. Theo các chuyên gia, virus corona được cho xuất phát từ một chợ buôn bán động vật hoang dã ở Vũ Hán và lây từ dơi sang người.

Theo các số liệu thống kê trong 50 năm qua, ít nhất đã có 10 bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Ước tính có hơn 75% các bệnh mới xuất hiện bắt nguồn từ động vật. Chúng được gọi là zoonotic, có nghĩa là bệnh lây từ động vật sang người.

Hơn 40 năm trước đây, dịch Ebola có nguồn gốc do virus truyền từ dơi ăn quả ở Tây Phi đã giết chết hơn 13,5 ngàn người. Virus Marberg, SARS, MERS và Nipah cũng có nguồn gốc từ loài dơi.

Trong khi đó dịch H7N9 hay H5N9 lại xuất phát từ gia cầm bị nhiễm bệnh trước khi lây sang cho người. Hai đại dịch này đã giết chết tổng cộng hơn 1 ngàn người trên thế giới.

Đại dịch cúm lợn trong giai đoạn 2009-2010 (còn được gọi là H1N1) tất nhiên bắt nguồn từ lợn. Nó đã giết chết ít nhất 284,5 ngàn người và lây lan tới 214 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chỉ trong chưa đầy 1 năm.

Trong khi WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã ngừng theo dõi tổng số ca nhiễm virus H1N1 nhưng theo một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, có khoảng 11% đến 21% dân số thế giới đã nhiễm virus. Trong năm 2010, tổng dân số thế giới khi đó là 6,93 tỷ người. Bước sang năm 2019, WHO báo cáo tỷ lệ tử vong vì dịch H1N1 là 0,02%, một con số khá thấp.

Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh nguy hiểm khác sẽ tiếp tục xuất hiện và lây lan từ động vật sang con người khi dân số ngày một đông. Dân số càng đông, chúng ta càng dễ xâm phạm tới môi trường sống tự nhiên và cũng dễ lây nhiễm những loại virus nguy hiểm chưa từng được biết đến.

Eric Toner, một nhà khoa học cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins chia sẻ: "Các bệnh truyền nhiễm sẽ tiếp tục xuất hiện và tái phát. Tôi nghĩ đó là một phần của thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta đang trong thời đại của dịch bệnh vì quá trình toàn cầu hóa và hành vi xâm lấn môi trường hoang dã của loài người".

Tiến Thanh

Chủ đề khác