VnReview
Hà Nội

Nam Cực vừa phá vỡ kỷ lục nhiệt độ chưa từng có trong lịch sử

Các nhà khoa học ở Nam Cực vừa ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục mới là 20,75 độ C, phá vỡ kỷ lục 20 độ C đầu tiên ở lục địa lạnh nhất hành tinh.

Nhà khoa học người Brazil Carlos Schaefer chia sẻ với hãng tin;AFP: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiệt độ cao như vậy ở Nam Cực". Ông cảnh báo, thông số trên xuất hiện tại trạm giám sát ở một hòn đảo ngoài khơi phía bắc lục địa Nam Cực hôm 9/2. Tuy nhiên ông khẳng định, nó không có ý nghĩa nhiều với xu hướng biến đổi khí hậu. Bởi nó là nhiệt độ ghi nhận tức thời và không phải là một phần của một bộ dữ liệu lớn.

Tuy nhiên thông tin Nam Cực đã ghi nhận mức nhiệt độ ấm lên tới 20 độ C chắc chắn sẽ làm tăng thêm nỗi sợ hãi về sự nóng lên của hành tinh.

Schaefer, một nhà khoa học về đất cho biết công tác đo nhiệt độ là một phần của dự án nghiên cứu 20 năm về tác động của biến đổi khí hậu với vùng băng vĩnh cửu của Nam Cực. Trước đó, nhiệt độ cao kỷ lục của Nam Cực từng được ghi nhận vào thế kỷ 20.

Schaefer cho rằng, chúng ta không thể sử dụng mức nhiệt độ trên để dự đoán cho những thay đổi về mặt khí hậu trong tương lai. Vì đơn giản đây chỉ là một cột mốc dữ liệu.

Ông nhấn mạnh: "Nó chỉ đơn giản là tín hiệu cho thấy một điều gì đó bất thường đang xảy ra tại khu vực đó". Tuy nhiên ông cũng cho biết thêm, nhiệt độ cao kỷ lục như số liệu vừa ghi nhận chưa từng xuất hiện ở Nam Cực.

Thông tin trên xuất hiện chỉ một tuần sau khi Dịch vụ khí tượng quốc gia của Argentina ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử ở Argentine Antarctica (một khu vực của Nam Cực và là nơi Argentina tuyên bố thuộc quyền sở hữu) là 18,3 độ C vào giữa trưa tại căn cứ ở Esperanza, nằm gần mũi bán đảo Nam Cực.

Kỷ lục trước đó là 17,5 độ C vào ngày 24/3/2015. Argentina đã bắt đầu đo nhiệt độ Nam Cực từ những năm 1961.

Theo Liên Hợp Quốc, thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử và năm 2019 cũng là năm nóng thứ hai từ trước đến nay, sau năm 2016.

Và năm 2020 dự kiến sẽ tiếp tục nối tiếp những năm nóng nhất trong lịch sử. Chỉ mới tháng 1 vừa qua, Cơ quan Ðại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đã xác nhận đây là tháng 1 nóng nhất trong lịch sử loài người.

Với đà gia tăng nhiệt độ tại hai cực của Trái Đất như hiện nay, nguy cơ các dòng sông băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và Nam Cực tan chảy hết sẽ làm tăng mực nước biển, đe dọa các thành phố và quốc gia ven biển hoặc hải đảo trong tương lai không xa.

Mai Huyền

Chủ đề khác