VnReview
Hà Nội

Kỷ lục nối tiếp kỷ lục: Tháng 1/2020 vừa trở thành tháng Một nóng nhất trong lịch sử

Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy, tháng Một vừa qua đã trở thành tháng Một nóng nhất trong lịch sử đo đạc suốt 141 năm qua của cơ quan này.

Dữ liệu do NOAA công bố cũng tương tự dữ liệu do chương trình quan sát khí hậu Châu Âu (Copernicus) công bố hồi tuần trước.

Cụ thể nhiệt độ mặt đất và đại dương toàn cầu trong tháng 1/2020 cao hơn mức trung bình của thế kỷ 20 khoảng 1,14 độ C và không có vùng đất hoặc đại dương nào ghi nhận mức nhiệt độ lạnh kỷ lục trong tháng Một. Đây là tháng Một thứ 44 liên tiếp và tháng thứ 421 liên tiếp có mức nhiệt độ cao hơn mức trung bình của thế kỷ 20.

Theo CNN, mức nhiệt độ trên đã vượt kỷ lục được thiết lập trước đó vào tháng 1/2016 khoảng 0,02 độ C. Đây cũng là một trong 10 tháng Một nóng nhất từng được ghi nhận từ năm 2002. Mức nhiệt độ này được ghi nhận chỉ sau năm 2019 được công nhận là năm nóng thứ hai trong lịch sử.

Theo NOAA, một sóng nhiệt bất thường đã xuất hiện trên khắp nước Nga, Scandinavia và miền đông Canada. Đặc biệt trong tháng 1/2020, thị trấn Örebro ở Thụy Điển đã ghi nhận mức nhiệt độ 10,3 độ C giữa mùa đông. Đây là mức nhiệt độ cao nhất tại đây kể từ năm 1858. Trong khi đó thành phố Boston, Mỹ cũng trải qua tháng 1 nóng nhất với mức nhiệt độ lên tới 23 độ C.

Biểu đồ phân vị nhiệt độ trung bình bề mặt đất liền và đại dương trong tháng 1/2020

Đặc biệt hôm 9/2 vừa qua, các nhà khoa học cũng ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử tại Nam Cực, lên tới 20 độ C, cao hơn mức nhiệt độ 18,3 độ C ghi nhận khoảng 3 ngày trước đó. Các nhà khoa học cho rằng, đây là những con số khó tin và bất thường.

Năm 2015, chính phủ các nước đã đạt được sự đồng thuận trong việc giữ cho nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp với Hiệp định khí hậu Paris. Tuy nhiên sau nhiều biến động, nhất là khi Mỹ rút khỏi hiệp định, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng gian nan hơn.

Khí thải nhà kính đang không ngừng tăng lên và chính phủ các nước vẫn chưa cho thấy những giải pháp mạnh tay hơn nữa để bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại. Theo các nhà khoa học, mục tiêu giờ đây không còn là 2 độ C nữa mà phải giảm xuống 1,5 độ C vì tình thế đang vô cùng cấp bách.

Giới hoạt động môi trường cảnh báo, thế giới phải giảm khoảng 1/2 lượng khí thải vào năm 2030 nếu không muốn thấy thảm họa khí hậu tàn khốc trong tương lai.

Mai Huyền

Chủ đề khác