VnReview
Hà Nội

Đây là lý do 18 tháng nữa mới có vắc-xin phòng virus corona

Khi virus tiếp tục lây nhiễm sang nhiều người, nó đang bắt đầu ổn định dần và có thể sẽ tự đột biến để tồn tại trong tương lai. Điều này chắc chắn sẽ khiến việc nghiên cứu và chế tạo vắc-xin chống lại virus corona càng thêm gian nan.

Trung Quốc đã chia sẻ công khai chuỗi mã hóa RNA của virus SARS-CoV-2, tên gọi chính thức của chủng virus corona mới gây ra bệnh COVID-19. Và đó chỉ là khởi đầu cho những nỗ lực phát triển vắc-xin trên khắp thế giới, bao gồm ở cả các trường đại học Mỹ và Châu Âu.

Vào cuối tháng 1/2020, virus corona lần đầu tiên được nuôi cấy thành công ở bên ngoài Trung Quốc do Viện nghiên cứu Doherty Melbourne thực hiện (Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới từ hôm 7/2). Đây cũng là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ở quốc gia khác có thể tiếp cận với mẫu virus sống. Với mẫu virus này, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm thú y Úc ở Geelong đã bắt đầu hiểu hơn về đặc điểm của virus này. Đây cũng là bước đi quan trọng hướng tới phát triển vắc-xin chống virus corona trên toàn cầu.

Trong quá khứ, vắc-xin thường phải mất 2-5 năm để phát triển và thương mại hóa trên người. Nhưng với nỗ lực toàn cầu không biết mệt mỏi hiện nay, thời gian phát triển vắc-xin cho người đã ngắn hơn rất nhiều. Tuy nhiên ngay cả khi tốc độ đã được rút ngắn, chúng ta vẫn phải mất ít nhất 18 tháng nữa để phát triển thành công.

Đây là lý do tại sao chúng ta phải hợp tác để chống lại virus corona?

Theo TheConversation, không có một tổ chức nào có đủ khả năng tự phát triển vắc-xin trên người. Đầu tiên chúng ta phải hiểu các đặc điểm hành vi của virus trên người. Và để làm được điều đó, chúng ta phải mô hình hóa chúng trên động vật.

Tiếp theo chúng ta sẽ phải chứng minh vắc-xin đủ an toàn và có thể kích hoạt các bộ phận trong cơ thể miễn dịch với virus mà không gây ra phản ứng phụ. Sau đó, các nhà khoa học sẽ phải thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật.

Loại vắc-xin vượt qua vòng thử nghiệm này sẽ được các trung tâm, tổ chức y tế cân nhắc để thử nghiệm trên người. Tuy nhiên cho đến lúc đó, chúng ta vẫn chưa thể xác định ai sẽ là người được chỉ định thử nghiệm loại vắc-xin đó.

Có thể thấy, mỗi giai đoạn phát triển vắc-xin đều phải đối mặt với rất nhiều thách thức tiềm năng.

Dưới đây là một số thách thức mà các nhà khoa học đang phải đối mặt:

Hồi cuối tháng 1, liên minh quốc tế phòng chống dịch bệnh Coalition for Epidemic Preparedness Innovations (CEPI) đã khởi động ba chương trình phát triển vắc-xin chống lại virus corona. Trong đó các chương trình nhắm tới việc xác định các đặc điểm của virus và sau đó thử nghiệm tiền lâm sàng với các mẫu vắc-xin tiềm năng.

Trong khi Viện nghiên cứu Doherty ở Melbourne đã cô lập thành công virus corona. Nhưng bước tiếp theo sẽ khó khăn hơn nhiều khi phải tạo một số lượng lớn virus để tiếp tục nghiên cứu. Tất nhiên việc nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm phải đảm bảo điều kiện đặc biệt an toàn và vô trùng.

Hình ảnh mô phỏng virus corona

Thách thức tiếp theo mà chúng ta phải đối mặt đó là phát triển và xác nhận các mô hình sinh học phù hợp với virus. Đó sẽ là các mô hình động vật và từ đó, các nhà khoa học sẽ có manh mối để xác định cách virus corona tấn công cơ thể người.

Mặc dù vậy vẫn có một tín hiệu lạc quan khi các nhà khoa học đã có kinh nghiệm nghiên cứu virus gây ra dịch SARS. SARS là một trong những căn bệnh hô hấp do chủng virus corona gây ra hồi năm 2002-2003. Virus gây ra SARS và SARS-CoV-2 ;có tới 80-90% mã di truyền giống nhau. Vì vậy việc nắm trong tay những thông tin liên quan đến dịch SARS sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu trong việc tìm ra cơ chế tấn công của SARS-CoV-2.

Vắc-xin sẽ có ích gì nếu không may virus đột biến?

Các nhà khoa học không loại trừ khả năng SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục biến đổi để tồn tại và ngày càng nguy hiểm hơn. SARS-CoV-2 là một loại virus động vật nhưng nó đã đột biến, học cách thích nghi với môi trường và từ đó lây sang cho con người. Thậm chí giờ đây nó còn học được cách lây truyền từ người sang người.

Khi chúng lây nhiễm cho con người theo cấp số nhân tức là virus đang trải qua giai đoạn ổn định. Nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy quá trình đột biến sắp xảy ra. Tuy nhiên quá trình đột biến này có thể khác nhau ở từng khu vực khác nhau trên thế giới vì nhiều lý do, ví dụ như mật độ dân số.

Do đó điều quan trọng là các nhà khoa học phải chung tay hợp tác để tạo ra loại vắc-xin tốt nhất, đủ khả năng chống lại mọi biến thể của SARS-CoV-2.

Những thách thức phía trước

Một thách thức không nhỏ khác đó là sản xuất protein có nguồn gốc từ virus. Những protein này sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch, cho phép hệ miễn dịch của một người có thể phòng ngừa trước nguy cơ tái nhiễm virus trong tương lai.

May mắn thay, những tiến bộ gần đây trong việc tìm hiểu protein virut, cấu trúc và chức năng của chúng đã phần nào giúp mọi thứ tiến triển nhanh hơn.

Phát triển vắc-xin là một nhiệm vụ lớn và không phải có thể xong xuôi sau một đêm. Nhưng nếu mọi thứ suôn sẻ, chúng ta có thể sớm thấy vắc-xin phòng ngừa SARS-CoV-2 trong ít nhất 18 tháng tới.

Với những bài học trong quá khứ và kiến thức mà giới y học thế giới đang tích lũy từng ngày từ việc nghiên cứu loại virus này chắc chắn sẽ đẩy nhanh tốc độ ra đời vắc-xin mới.

Mai Huyền

Chủ đề khác