VnReview
Hà Nội

Hương thơm khi ngủ giúp cải thiện chất lượng học tập?

Nếu con người thực sự có khả năng tiếp nhận tri thức khi cơ thể đã chìm vào giấc ngủ, thì khứu giác có thể là chìa khóa cho khả năng đặc biệt này.

Một nghiên cứu ở trẻ em mới đây cho thấy những hương thơm tinh tế như hương hoa hồng có thể giúp trẻ em củng cố kiến thức đã học trong ngày một cách hiệu quả hơn.

Các nhà nghiên cứu tại Đức nhận thấy các sinh viên có thể ghi nhớ từ vựng tiếng Anh tốt hơn 30% nếu trong quá trình học và ngủ có tiếp xúc với nhang thơm.

‘'Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cách để hấp thụ kiến thức dễ dàng hơn trong khi ngủ'', "ít ai nghĩ đến việc hóa ra mũi của chúng ta lại giúp ích đáng kể vào khả năng đặc biệt này'', theo Jürgen Kornmeier thuộc đại học Freiburg.

Từ những năm 1950, các nhà khoa học đã bị cuốn hút bởi ý tưởng liên hệ giữa khả năng tiếp nhận kiến thức khi đã ngủ, được gọi;là Hypnopedia. Theo cách truyền thống, đó có thể là việc hấp thụ kiến thức nhờ việc vô thức lắng nghe âm thanh, chẳng hạn như nghe các băng đĩa tiếng nước ngoài trong khi ngủ.

Vấn đề là, phương pháp này có lẽ không thực sự hiệu quả. Nhiều năm trôi qua, ý tưởng này luôn tạo được sự tò mò, hứng thú nhưng rồi cũng khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu. Dẫu vậy, một số bằng chứng gần đây cho thấy khả năng này thực sự tồn tại, ít nhất là ở một mức độ nào đó.

Trong lúc ngủ, chúng ta sẽ không thể tỉnh dậy và bổ sung kiến thức như khi có ý thức về đối tượng, nhưng có một trạng thái gọi là Tái kích hoạt bộ nhớ mục tiêu (TMR) giúp não bộ tự củng cố lại kiến thức đã tiếp nhận.

Trong một thập kỷ qua, người ta nhận thấy rằng những âm thanh tinh tế được nghe trong khi ngủ có thể giúp con người tăng cường khả năng ghi nhớ và theo một số nghiên cứu, tín hiệu mùi cũng có tác dụng tương tự.

Vào năm 2007, các nhà khoa học đã sử dụng một biện pháp liên kết nhằm kết nối một ký ức đi cùng với một mùi hương mà họ đã đưa ra trước đó, và luyện tập ghi nhớ lại những thông tin đó khi đi ngủ.

Nhưng chỉ một vài lần nhất định, thí nghiệm cho thấy sự liên kết có tác dụng. Trong pha giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) hoặc lúc tỉnh táo, sự liên kết lại giữa mùi hương và ký ức không cho hiệu ứng kích hoạt não bộ như khi cơ thể trong giai đoạn giấc ngủ sóng chậm (SWS).

Những phát hiện và kết quả thí nghiệm tiếp theo cho thấy trong giai đoạn SWS, đồi hải mã, một hệ liên quan đến bộ nhớ ngắn hạn, sẽ được kích hoạt lại và lựa chọn một nội dung liên quan đến dấu hiệu của mùi hương.

Tuy nhiên, hầu như những nghiên cứu này đều được thực hiện với sự giám sát chặt chẽ trong phòng thí nghiệm, không phải là những tình huống thực tế. Chẳng hạn việc những nhà nghiên cứu chỉ sử dụng những mùi hương theo gợi ý trong giai đoạn SWS.

Thật may là những nghiên cứu mới đã xác định được nhiều khía cạnh sâu xa khác mà không cần dùng đến những thiết bị đắt tiền hay những thiết lập nhân tạo. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thực nghiệm nhỏ, yêu cầu một số học sinh lớp 6 học từ vựng ở nhà với một ngọn nến có hương hoa hồng đặt trên bàn học và bên cạnh giường ngủ, trong khi một số học sinh khác thì không sử dụng phương pháp này.

So sánh kết quả giữa hai nhóm, những nhà nghiên cứu đã phát hiện một sự khác biệt đáng chú ý.

"Một phát hiện đặc biệt so với nghiên cứu sơ bộ ban đầu, đó là mùi hương vẫn phát huy tác dụng suốt cả đêm''. "Điều này khơi dậy khả năng ứng dụng mùi hương vào đời sống thường nhật".

Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm này vẫn chưa thể chắc chắn. Nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi nhỏ và tại nhà của các học sinh nên sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố tác động hơn. Chẳng hạn như, các nhà nghiên cứu không hề kiểm soát cự li chính xác giữa bàn học và giường ngủ của mỗi học sinh.

Hơn nữa, một số bằng chứng cho thấy nhiều người không thể thực sự cảm nhận được mùi hương và âm thanh trong khi ngủ.

Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu thấy rằng mặc dù con người có thể nghe được âm thanh tách biệt trong khi ngủ, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng ta có thể nhóm các âm thanh này lại, một yêu cầu để nâng mức độ tiếp nhận kiến thức.

Mặc dù sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác thực, nhưng dẫu cho nhận thức của con người bị hạn chế trong khi ngủ thì khả năng củng cố kiến thức trong thời gian này vẫn có những tác dụng nhất định.

Giang Vu

Chủ đề khác