VnReview
Hà Nội

Con người đang quá coi thường lượng phát thải khí metan lên mẹ Trái Đất

Những bong bóng khí bị mắc kẹt trong lõi băng ở Greenland đã cung cấp bằng chứng quan trọng cho thấy, chúng ta đang đánh giá quá thấp lượng phát thải khí metan do con người gây ra.

Khí metan là một trong những loại khí nhà kính nguy hiểm nhất. Nó có thể khiến Trái Đất nóng lên nhiều hơn gấp 30 lần so với CO2. Thông thường khí metan được sản sinh từ các quá trình tự nhiên. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, con người đang chịu trách nhiệm cho phần lớn khí metan thải vào bầu khí quyển.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, trước cuộc cách mạng công nghiệp, con người đã bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch và khí thải metan do tự nhiên tạo ra chỉ chiếm một mức độ nhỏ so với quy mô hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa, lượng khí metan do con người thải ra có thể lớn hơn 40% so với mức chúng ta ước lượng.

Nhóm giác giả viết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng, lượng phát thải khí metan do con người tạo ra hiện chiếm khoảng 30% nguồn khí metan toàn cầu và gần một nửa trong số khí thải do con người tạo ra".

Trong suốt 3 thế kỷ qua, lượng khí thải metan đã tăng khoảng 150% nhưng vì tự nhiên cũng sản sinh ra khí metan nên rất khó để biết chính xác số lượng khí metan do con người phát thải.

Khí metan có thể đến từ hoạt động khai thác than, dầu và khí tự nhiên. Nhưng chúng cũng có thể thoát ra từ các vùng đất ngập nước, các đầm lầy hoặc các vụ phun trào núi lửa.

Khí metan có thể đến từ các hoạt động tự nhiên nhưng thường con số không thấm vào đâu so với lượng phát thải của con người

Vasilii Petrenko, một nhà địa lý học từ Đại học Rochester, Mỹ cho biết, các nhà khoa học đã rất khó khăn trong việc xác định chính xác lượng khí metan do con người thải vào khí quyển.

Petrenko cho biết: "Chúng tôi biết rằng thành phần nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải lớn nhất. Nhưng thật khó để xác định nồng độ của chúng trong bầu khí quyển ngày nay khi các nguồn phát thải tự nhiên và nhân tạo trông khá giống nhau về mặt đồng vị".

Tuy nhiên có một đồng vị phóng xa hiếm có tên carbon-14 có trong khí metan sinh học thay vì khí metan phát ra từ nhiên liệu hóa thạch.

Bằng cách khoan và thu thập lõi băng ở Greenland, Petrenko và các đồng nghiệp có thể sử dụng đồng vị này để kiểm chứng nồng độ khí metan trong khí quyển từ giai đoạn 1750-2013.

Cho đến khoảng năm 1870, phát hiện cho thấy nồng độ khí metan rất thấp trong khí quyển và hầu hết là do các hoạt động tự nhiên sản sinh ra. Nhưng càng về giai đoạn sau này, lượng khí metan càng tăng mạnh do trùng với cuộc cách mạng công nghiệp của con người.

Nói cách khác, thống kê này cho thấy cộng đồng các nhà khoa học đã đánh giá thấp lượng khí metan do con người thải ra chỉ bằng 25%. Trong khi thực tế thì con số có thể lên tới 40%.

Hoạt động chăn nuôi của con người thải ra một lượng lớn khí metan

Benjamin Hmiel, nhà địa lý học tại Đại học Rochester lại bày tỏ lạc quan: "Tôi không quá vô vọng về điều này bởi dữ liệu vẫn có ý nghĩa tích cực. Hầu hết khí metan do con người thải ra và bởi vậy chúng ta có thể kiểm soát nó. Nếu con người có thể giảm lượng khí thải, nó sẽ tạo ra những tác động đáng kể".

So với khí CO2, khí metan tồn tại ngắn hơn trong bầu khí quyển. Do vậy nếu có những quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát nguồn phát thải metan, lượng khí nhà kính sẽ giảm dần trong tương lai.

Trong số các nước ghi nhận mức phát thải metan lớn phải kể đến Mỹ. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, khi metan từ dầu và khí tự nhiên của nước này thực tế cao hơn tới 60% so với con số được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đưa ra. Rõ ràng nhiều quốc gia đang đánh giá thấp lượng phát thải khí metan của chính mình.

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Nature mới đây.

Mai Huyền

Chủ đề khác