VnReview
Hà Nội

WHO khuyên thế giới nên sẵn sàng ứng phó với đại dịch

Dù tin rằng bây giờ vẫn còn là quá sớm để gọi Covid-19 là một đại dịch nhưng tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyên các quốc gia nên đặt mình vào giai đoạn chuẩn bị.

Shopee và Sendo bị phạt vì nhiều gian hàng trục lợi từ dịch Covid-19

Châu Âu có ca tử vong đầu tiên vì Covid-19

WHO khuyên thế giới nên sẵn sàng ứng phó với đại dịch

Đại dịch là tình trạng được ban bố khi mà một bệnh dịch truyền nhiễm có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác trên nhiều vùng của thế giới.

Hiện nay, ngày càng có thêm nhiều trường hợp mắc phải virus corona, các đợt bùng phát tại Hàn Quốc, Ý và Iran đang gây lên nhiều quan ngại. Tính tới thời điểm hiện tại. Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch bệnh và cũng là nơi ghi nhận nhiều ca mắc nhất trên thế giới, đã có 77.000 người dương tính và 2.600 ca tử vong. Song số lượng người nhiễm mới đang có dấu hiệu chậm lại.

Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc cũng đã ghi nhận 1.200 ca mắc phải trên khoảng 30 quốc gia khác nhau cùng với đó là hơn 20 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày hôm qua, tại Ý đã có thêm bốn ca tử vong, nâng tổng số người chết do Covid-19 tại quốc gia này lên con số bảy.

Do lo ngại về những tác động tiêu cực của dịch bệnh này, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng phải đối mặt với đà sụt giảm mạnh.

Trung Quốc cho biết là quốc gia này sẽ hoãn cuộc họp Quốc hội thường niên sẽ diễn ra vào tháng sau để có thể "tiếp tục những nỗ lực" ứng phó với virus corona.

Số trường hợp nhiễm bệnh nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc

WHO khuyên thế giới nên sẵn sàng ứng phó với đại dịch

Hiện nay, tỷ lệ người chết do mắc phải Covid-19 đang nằm trong khoảng 1-2%, dù WHO thì vẫn cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong vẫn chưa rõ ràng.

Vào ngày hôm qua, Iraq, Afghanistan, Kuwait, Oman và Bahrain đã có trường hợp mắc phải đầu tiên, những trường hợp kể trên đều đi từ Iran về. Chính quyền Bahrain cho biết, người mắc bệnh của nước này là một tài xế xe buýt chở học sinh, và họ đã quyết định đóng cửa một vài trường học vì nguyên do này.

Quan điểm của WHO là gì?

Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng các ca nhiễm mới gần đây tại Iran, Ý và Hàn Quốc là "rất đáng lo ngại". Tuy nhiên, ông cũng bổ sung rằng: "Nhưng ở hiện tại, vẫn chưa có sự lây lan không kiểm soát của dịch bệnh này trên toàn cầu, cũng như quy mô bệnh và các ca tử vong là chưa quá lớn. Liệu loại virus này có thể gây lên một đại dịch toàn cầu không? Chắc chắn là có. Nhưng liệu chúng ta đã tới mức độ đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì là chưa".

Ông còn nói: "Thông điệp chính phải mang lại cho các quốc gia sự hy vọng và niềm tin rằng loại virus này hoàn toàn có thể được kiểm soát, mà trên thực tế thì đã có nhiều nước làm tốt nhiệm vụ này. Sử dụng từ ‘đại dịch' ở đây không những không phù hợp với bối cảnh thực tế mà nó còn có thể gây ra sự sợ hãi".

Tuy vậy, ông Mike Ryan, giám đốc chương trình sức khoẻ khẩn cấp của WHO, lại cho rằng đây chính là lúc để chúng ta "làm bất kì điều gì nhằm chuẩn bị cho một đại dịch".

WHO khuyên thế giới nên sẵn sàng ứng phó với đại dịch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì Covid-19 vẫn chưa thể coi là một đại dịch bởi số quốc gia nơi bệnh dịch bùng phát cùng với đó là mức độ nghiêm trọng của bệnh và các tác động tới xã hội của nó vẫn chưa chạm tới mức độ này.

Nhưng một số nhà khoa học lại có quan điểm ngược lại với WHO. Chỉ trong vài ngày trở lại đây, số ca mắc tại Hàn Quốc và Ý đã tăng đột biến, và bắt đầu dấy lên mối quan ngại. Theo con số tử vong thì virus corona đã lây truyền sang hai quốc gia trên từ trước đó, chắc chắn số người mắc sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Nhưng suy cho cùng thì "đại dịch" cũng chỉ là một cụm từ, nó sẽ không giúp kêu gọi thêm nhiều tiền quyên góp hay thêm nhiều quyền lực cho WHO. Nó chỉ nêu lên cấp độ cho lời cảnh báo, rằng loại virus này là một vấn đề khẩn cấp trên toàn cầu.

Triệu chứng nhiễm bệnh là gì?

Những triệu chứng chính là sốt cao, ho, khó thở và thở đứt quãng.

Tôi nên làm gì?

Hãy thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng hoặc gel, tránh tiếp xúc gần với những người ốm và không được chạm vào mắt, mũi và mồm khi chưa rửa tay, các biện pháp này sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Che mũi, miệng khi ho và hắt xì bằng khăn giấy rồi vứt vào thùng rác và rửa tay sẽ giúp làm giảm nguy cơ phát tán virus.

Quốc gia nào hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất?

Hàn Quốc hiện đang là quốc gia có số người mắc bệnh nhiều thứ hai, chỉ riêng trong ngày thứ Hai vừa qua, đã có thêm 231 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên trên 830 người. Trong đó đã có 8 trường hợp tử vong. Khoảng 7.700 binh lính đã bị cách ly sau khi 11 quân nhân khác bị xác định là đã nhiễm bệnh.

Nguồn gốc lây lan bệnh lớn nhất tại nước này đã được xác định là có liên quan tới một bệnh viện và một cơ sở tôn giáo gần phía Đông Nam của thành phố Daegu.

Nước Ý hiện nay đã là nơi có số lượng người mắc nhiều nhất tại châu Âu, mà cụ thể là 229 trường hợp. Quốc gia này đã công bố một loạt các biện pháp quyết liệt vào cuối tuần qua để cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Ngoài ra, tại vùng Lombardy và Veneto của Ý, một vài thị trấn nhỏ đã bị cách ly. Trong hai tuần tới, khoảng 50.000 cư dân sẽ không được phép dời nơi cư trú nếu không có sự cho phép.

Thậm chí là bên ngoài khu vực này, nhiều doanh nghiệp và trường học đã ngưng hoạt động, các sự kiện thể thao cũng bị huỷ bỏ.

Theo truyền thông của Ý, ba trường hợp tử vong tại nước này được công bố vào ngày hôm qua đều là ở Lombardy. Hiện vẫn chưa rõ nguyên do tại sao virus corona lại có thể lây truyền vào quốc gia này.

Ở Trung Quốc, chính phủ đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã, đồng thời mạnh tay trừng trị những hành vi săn bắn, vận chuyển và buôn bán các loài thú bị cấm. Người ta tin rằng nguồn gốc lây lan của loại virus này là từ một khu chợ chuyên bán động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán.

Hôm qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận thêm 409 trường hợp nhiễm mới, phần lớn trong số đó là ở thành phố Vũ Hán.

Cùng ngày, Iran công bố rằng nước này đã có 61 trường hợp nhiễm virut, hầu hết số người nhiễm là ở thành phố Qom. Mười hai trường hợp trong đó đã tử vong, đưa Iran lên vị trí thứ hai thế giới về số người chết.

Một nghị sĩ ở Qom cáo buộc chính phủ nước này đã che đậy số liệu, đồng thời tiết lộ rằng chỉ riêng tại Qom đã có tới 50 người chết. Tuy nhiên, phó bộ trường bộ Y tế của Iran đã nhanh chóng bác bỏ khẳng định trên.

Trung ND theo BBC

Chủ đề khác